Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong mọi tình huống, bảo đảm giãn cách xã hội, Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khẩn trương mở các điểm bán hàng mới (tạm thời, dã chiến...).
Bộ Công Thương cho biết, thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc yêu cầu quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, để bảo đảm cung ứng các mặt hàng nhu yếu phẩm cho người dân trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Vụ Thị trường trông nước đã có công văn đề nghị Sở Công Thương các tỉnh thành phố theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đôn đốc, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối hàng nhu yếu phẩm được phép tiếp tục hoạt động; tổ chức các điểm bán hàng lưu động để phục vụ người dân trong các khu vực bị cách ly (nếu có).
Bộ Công Thương yêu cầu tổ chức các điểm bán hàng tạm thời để bảo đảm cung ứng thường xuyên, liên tục nhu yếu phẩm cho người dâ. Ảnh: Moit
Bộ Công Thương cũng yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh thành phố tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối tổ chức các điểm bán hàng mới (các điểm bán hàng tạm thời, lưu động, dã chiến…) để bảo đảm cung ứng thường xuyên, liên tục nhu yếu phẩm cho người dân trong trường hợp các điểm bán hàng thuộc hệ thống của các doanh nghiệp phân phối hàng nhu yếu phẩm trên địa bàn bị đóng cửa vì các lý do dịch bệnh (như có trường hợp nhiễm bệnh trong khu vực của điểm bán hàng…) hoặc thực hiện phương án giảm mật độ người dân đến mua sắm.
Sở Công Thương các tỉnh, thành phố cần hướng dẫn việc tổ chức hoạt động cho các điểm bán hàng nhu yếu phẩm (như chợ và các điểm bán hàng của doanh nghiệp phân phối) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm vừa bảo đảm cung ứng liên tục các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu vừa bảo đảm an toàn dịch bệnh theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Trước đó, liên quan đến 13 mặt hàng thiết yếu và mặt hàng xăng dầu cho người dân trong thời gian cách ly xã hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã giao nhiệm vụ cho Vụ Thị trường trong nước làm việc với địa phương, các doanh nghiệp đầu mối cung ứng, phân phối hàng hoá xây dựng phương án cung ứng hàng hoá, tình hình lưu trữ, phương án, nhân lực vận chuyển; thường xuyên báo cáo, cập nhật tình hình về cung cầu hàng hoá từ 3-4 tiếng/lần. Giữ liên lạc thông suốt với lãnh đạo, cán bộ của cơ quan quản lý nhà nước và lãnh đạo doanh nghiệp trực tiếp cung ứng hàng hoá.
Người đứng đầu ngành Công Thương cũng yêu cầu Vụ Thị trường trong nước thống kê các trung tâm, kho phân phối hàng hoá ở những thành phố lớn và theo khu vực để khi cần có thể điều phối hàng hoá kịp thời phục vụ người dân. Có văn bản phối hợp với các bộ, ngành địa phương; tạo điều kiện tối đa cho người, phương tiện thực hiện nhiệm vụ, vận chuyển, cung ứng hàng hoá thiết yếu.
Theo ghi nhận của Tổng cục Quản lý thị trường từ báo cáo của lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đến 12h ngày 5/4, các siêu thị, cửa hàng tiện ích tăng lượng dự trữ hàng hóa nên nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm tương đối đầy đủ.
Tổng cục QLTT cho biết sẽ tiếp tục chú trọng kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng dịch bệnh để mua gom hoặc định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu và các loại vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch. Tính từ ngày 31/1 đến ngày 05/4, lực lượng quản lý thị trường trên cả nước đã kiểm tra, giám sát, xử lý 7.651 vụ, số tiền xử phạt vi phạm hành chính 3,177 tỷ đồng.