Thông tin từ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, vừa tiếp nhận một nam bệnh nhân ở Lai Châu bị sốc, hoại tử toàn thân do trực tiếp giết mổ và làm tiết canh lợn liên hoan tất niên bạn bè.
Theo đó, bệnh nhân là anh N.H.T (35 tuổi) nhập viện trong tình trạng sốt cao, mệt lả, trên da có nhiều nốt hoại tử. Hiện tại, bệnh nhân đang được điều trị tích cực tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.
Dù đã tỉnh nhưng anh N.H.T vẫn còn tình trạng sốc, có ban hoại tử toàn thân, trong đó tập trung ở mặt, chân tay. Bệnh nhân còn có tình trạng tắc mạch hoại tử đầu ngón chân, ngón tay, rối loạn đông máu nặng.
Người nhà bệnh nhân N.H.T cho biết, cách đây khoảng 1 tuần anh T. mua một con lợn cắp nách về tổ chức liên hoan tất niên cùng bạn bè. Được biết, anh T. là người trực tiếp giết mổ và chế biến, làm tiết canh lợn cho khoảng 20 người ăn.
Tiết canh lợn là thủ phạm của hầu hết các ca nhiễm liên cầu khuẩn
Trao đổi với báo chí, BS Nguyễn Trung Cấp, Phụ trách Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết mỗi năm bệnh viện tiếp nhận khoảng 100 ca mắc liên cầu khuẩn trong đó phần lớn các ca liên quan đến ăn tiết canh hoặc tham gia giết mổ lợn.
Khi người dân ăn thịt lợn bệnh chưa được nấu chín, ăn tiết canh hoặc tiếp xúc với máu, dịch tiết của lợn qua các vết thương ở da, đường hô hấp có thể nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn. Liên cầu khuẩn gây bệnh còn có cả ở một số con lợn không bị ốm bệnh, chúng lưu trú ở vùng hầu họng.
Người mắc bệnh do liên cầu khuẩn lợn thường có các biểu hiện như sốt cao, đau đầu, ù tai, xuất huyết dưới nhiều dạng khác nhau như xuất huyết dưới da từng mảng, hoại tử, xuất huyết tiêu hóa. Trong trường hợp này, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ tử vong cao.
Đồng thời, BS Nguyễn Trung Cấp cũng khuyến cáo người dân, khi dịp Tết Nguyên đán đang tới gần không nên duy trì thói quen ăn tiết canh lợn vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh.