Mở lại phiên tòa xét xử vụ án sai phạm tại dự án thủy điện Sơn La

Nguyễn Nam Anh| 18/07/2019 14:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay (18/7), TAND tỉnh Sơn La đã mở phiên tòa xét xử với 17 bị cáo trong vụ án Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại huyện Mường La, tỉnh Sơn La.

Trong vụ án này có tổng số 17 bị cáo phải ra hầu tòa gồm: Trương Tuấn Dũng, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính Sơn La; Phan Tiến Diện, nguyên Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La; Phan Đức Chính, nguyên Trưởng phòng TN&MT huyện Mường La; Phan Xuân Khoa, nguyên Phó ban quản lý dự án di dân huyện Mường La; Trần Mạnh Trì, nguyên Phó ban quản lý dự án di dân huyện Mường La; Tòng Văn Thành, Bí thư xã Chiềng Hoa (Mường La); Ngô Xuân Vân và Nguyễn Quang Duy - nguyên cán bộ Phòng TN&MT huyện Mường La; Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó phòng kỹ thuật, trung tâm Kỹ thuật TN&MT Sơn La (TTKT); Mai Văn Quang - nguyên Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Sơn La (VPĐKĐ); Bùi Văn Tân, nguyên cán bộ VPĐKĐ; Vũ Hồng Giang, cựu nhân viên công ty đo đạc Bảo Bình và Đèo Văn Ban - nông dân.

Mở lại phiên tòa xét xử vụ án sai phạm tại dự án thủy điện Sơn La

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử sáng nay

Trong số 13 bị cáo nêu trên, có nhiều bị cáo nguyên là cán bộ, lãnh đạo của tỉnh Sơn La. Cả 13 bị cáo này cùng bị VKSND tỉnh Sơn La truy tố và đưa ra xét xử về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, theo quy định tại Điều 165 BLHS năm 1999.

Ngoài ra, 4 bị cáo Triệu Ngọc Hoan, nguyên Giám đốc Sở TN&MT Sơn La; Sòi Ngọc Hùng, nguyên Giám đốc VPĐKĐ; Đỗ Tiến Đồng, nguyên Giám đốc TTKT; Cà Văn Tỉnh, nguyên Chỉ huy quân sự xã Tạ Bú (Mường La), các bị cáo này cùng bị truy tố và đưa ra xét xử về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, theo quy định tại Điều 285 BLHS năm 1999.

Theo cáo trạng số 51/CT - VKS-P1 của VKSND tỉnh Sơn La, năm 2005, công tác chi tiền bồi thường, hỗ trợ di dời cho các hộ dân theo hình thức đất đổi đất tại khu vực nhà máy thủy điện Sơn La đã hoàn thành. Tuy nhiên, khu tái định cư Tân Lập (Sơn La) không thể bố trí đất ruộng, ao cho người dân như nơi họ phải chuyển đi nên Chính phủ cho phép bồi thường thêm phần chênh lệch giá trị đất giữa nơi đi và nơi đến.

Năm 2014, UBND tỉnh Sơn La ra Công văn 617 chỉ đạo UBND huyện Mường La thống kê lại diện tích đất của từng hộ và đề xuất phương án bồi thường, hỗ trợ. Lúc này, bị cáo Trương Tuấn Dũng là Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La đã ban hành Kế hoạch số 41 triển khai chỉ đạo của tỉnh. Tuy nhiên, khi huyện Mường La thực hiện đo đạc, đã xuất hiện nhiều đơn thư vượt cấp đề nghị được bồi thường theo khung giá năm 2015 thay vì khung năm 2013, việc này gây mất an ninh trật tự.

Cơ quan điều tra tiến hành xác minh cho thấy, có sai phạm trong việc ban hành Kế hoạch 41 cũng như công tác đo đạc, lập bản đồ bồi thường cho các hộ dân, trong đó có hộ của bị cáo Đèo Văn Ban. Việc này dẫn tới hộ Đèo Văn Ban được bồi thường sai gần 1,2 tỷ đồng.

Cơ quan truy tố cho rằng trách nhiệm chính trong vụ thuộc về bị cáo Trương Tuấn Dũng vì đã ký ban hành Kế hoạch 41. Các bị cáo khác dù biết kế hoạch này không đúng nhưng vẫn làm theo hoặc không thực hiện đúng quy trình bồi thường,...

Trước đó, đầu tháng 6/2019, TAND tỉnh Sơn La đã đưa vụ án này ra xét xử nhưng có tới 16/17 bị cáo kêu oan. Lý do, các bị cáo này cho rằng Kế hoạch 41 không phải văn bản quy phạm pháp luật; việc bồi thường cho nhân dân đã được cấp trên đồng ý; hộ Đèo Văn Ban làm ruộng nên thật sự có đất...

Sau đó, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát cùng cấp để yêu cầu bổ sung một số vấn đề không thể làm rõ tại tòa.

Đến ngày 30/6, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Sơn La đã ra kết luận điều tra bổ sung vụ án vào 4 ngày sau, cơ quan truy tố ra cáo trạng, giữ nguyên quan điểm buộc tội các bị cáo.

Tại phiên tòa xét xử lần này, chủ tọa cho biết vắng mặt đại diện Sở Tài chính Sơn La, UBND huyện Mường La và một số nhân chứng khác.. Tuy nhiên, đại diện VKS khẳng định họ đã có lời khai đầy đủ tại giai đoạn điều tra nên việc vắng mặt của họ sẽ không làm ảnh hưởng tới việc xét xử.

Với các luật sư thì đề nghị tiếp tục triệu tập các nhân chứng, người liên quan vì họ có những lời khai mâu thuẫn, cần kiểm tra công khai tại tòa. Luật sư Bùi Việt Anh cho rằng, cần thiết để nhân chứng đối chất với bị cáo nhằm tìm ra sự thật khách quan đồng thời triệu tập thêm giám định viên trong vụ án.

Luật sư Hoàng Tùng, người bảo vệ cho Đèo Văn Ban đề nghị đưa bổ sung 8 người làm chứng gồm Bí thư chi bộ, Trưởng bản, hàng xóm của Ban... vì họ có thể xác nhận diện tích đất của bị cáo này.

Trước những ý kiến nêu trên, HĐXX đã tiến hành hội ý, sau hội ý, chủ tọa đã bác các yêu cầu của các luật sư. Phiên tòa xét xử tiếp tục được diễn ra.

Dự kiến, phiên tòa xét xử sẽ diễn ra trong khoảng từ 6 - 8 ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở lại phiên tòa xét xử vụ án sai phạm tại dự án thủy điện Sơn La