Một trong những vấn đề đang được các đơn vị thuộc hệ thống TAND quan tâm hiện nay là việc tổ chức Đảng và quần chúng trong các TAND sẽ được tổ chức theo mô hình nào.
Về vấn đề này, Ban cán sự Đảng TANDTC đã nghiên cứu, đề xuất mô hình tổ chức Đảng và tổ chức quần chúng trong các TAND để phù hợp với quá trình cải cách tư pháp cũng như việc triển khai thực hiện TAND theo 4 cấp.
Mô hình tổ chức Đảng trong TAND các cấp hiện nay
Mô hình tổ chức Đảng trong các TAND hiện nay gồm: Ban cán sự Đảng TANDTC do Ban Bí thư quyết định thành lập trên cơ sở Điều lệ Đảng và các hướng dẫn của Trung ương. Ban cán sự Đảng TANDTC lãnh đạo toàn diện các hoạt động của hệ thống TAND. Đảng bộ TANDTC do Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương quyết định thành lập trên cơ sở Điều lệ Đảng và các hướng dẫn của Trung ương. Đảng bộ TANDTC lãnh đạo công tác xây dựng, phát triển và quản lý đội ngũ đảng viên của TANDTC. Trong Đảng bộ TANDTC có các Đảng bộ cơ sở, các chi bộ trực thuộc. Các Ban cán sự Đảng TAND cấp tỉnh trực thuộc Tỉnh ủy, Thành ủy. Đảng bộ TAND cấp tỉnh trực thuộc Đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Các Chi bộ TAND cấp huyện trực thuộc Đảng bộ huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Yêu cầu đoàn kết, nhất trí trong các tổ chức Đảng tại các đơn vị Toà án luôn là một đòi hỏi quan trọng và là tiêu chí đánh giá thi đua cũng như mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi đơn vị. Trong những năm qua, tổ chức Đảng trong các cơ quan thuộc hệ thống TAND đã làm tốt công tác lãnh đạo, giáo dục về chính trị tư tưởng cho các Đảng viên, cán bộ Toà án. Hiện nay, ở TANDTC và các TAND cấp tỉnh đều có Ban cán sự Đảng để lãnh đạo toàn diện các mặt công tác của. Những chủ trương lớn của Đảng đều được TAND các cấp kịp thời quán triệt, triển khai một cách nghiêm túc và thực hiện có hiệu quả. Đảng viên của TAND luôn tuyệt đối trung thành với các chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước, có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần vượt khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đảng bộ cơ quan TANDTC nhiều năm liền được đánh giá là Đảng bộ trong sạch vững mạnh, nhiều đảng viên thuộc được Đảng uỷ khối các cơ quan Nội chính Trung ương tặng Bằng khen về những thành tích trong công tác xây dựng Đảng.
Mô hình tổ chức Đảng trong các TAND theo các quy định mới
Về đề xuất mô hình tổ chức Đảng trong các TAND như chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp đối với việc đổi mới tổ chức, hoạt động của TAND theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW, Kết luận số 79-KL/TW, Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị, quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức TAND năm 2014, Ban cán sự Đảng TANDTC đã nghiên cứu, báo cáo đề xuất với Ban Tổ chức Trung ương. Theo đó, mô hình tổ chức Đảng trong các TAND sẽ được tổ chức theo 2 phương án:
Phương án 1- Tổ chức Đảng trong các TAND sẽ thực hiện theo Kết luận số 79-KL/TVV của Bộ Chính trị: Đối với TANDTC thì thành lập Đảng bộ TANDTC đặt dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương mà thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đảng bộ TANDTC có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất để Ban Chấp hành Trung ương quyết định những vấn đề về đường lối, chính sách thuộc chức năng, nhiệm vụ của TAND; lãnh đạo mọi mặt công tác của các TAND. Chánh án TANDTC là Bí thư Đảng ủy TANDTC.
Đối với TAND cấp cao thì tổ chức cơ sở Đảng của TAND cấp cao là Đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ TANDTC; chịu sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng bộ TANDTC. Do TAND cấp cao được thành lập theo khu vực trong phạm vi địa giới hành chính của nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nên để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của TAND cấp cao thì Đảng ủy TANDTC phối hợp vói các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương thuộc địa bàn của TAND cấp cao trong việc thực hiện một số nhiệm vụ chính trị tại địa phương theo quy định của Đảng, nhất là Chỉ thị 15-CT/TW ngày 7/7/2007 của Bộ Chính trị.
Đối với TAND cấp tỉnh thì thành lập Đảng bộ TAND cấp tỉnh chịu sự lãnh đạo trực tiếp của tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương; đồng thời chấp hành nghị quyết của Đảng ủy TANDTC về đường lối, chính sách thuộc chức năng, nhiệm vụ của TAND cấp tỉnh và các TAND cấp huyện thuộc địa bàn quản lý; lãnh đạo xây dựng TAND cấp tỉnh, các TAND cấp huyện thuộc địa bản quản lý; xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Chánh án TAND cấp tỉnh là Bí thư Đảng ủy TAND cấp tỉnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với Ban cán sự Đảng TANDTC
Đối với TAND cấp huyện thì tổ chức cơ sở Đảng ở TAND cấp huyện là Chi bộ trực thuộc Đảng ủy TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của các TAND cấp huyện thuộc địa bàn quản lý thì Đảng ủy TAND cấp tỉnh phối hợp với Đảng bộ cấp huyện trong việc thực hiện một số nhiệm vụ chính trị tại địa phương theo quy định của Đảng, nhất là Chỉ thị 15-CT/TW ngày 7/7/2007 của Bộ Chính trị.
Từ việc xây dựng mô hình tổ chức Đảng trong TAND như phương án 1, Ban cán sự Đảng TANDTC đề xuất cần cơ cấu cứng theo tinh thần Công văn số 179- CV/TW, ngày 8/1/2014 của Ban Bí thư về việc lãnh đạo TAND tham gia cấp ủy thì Chánh án TANDTC là Ủy viên Bộ Chính trị; 1 Phó Chánh án Thường trực TANDTC là Ủy viên Trung ương Đảng (là cơ cấu dự nguồn Chánh án TANDTC). Các Chánh án TAND cấp cao là Ủy viên Đảng ủy TANDTC. Chánh án TAND cấp tỉnh là Ủy viên cấp ủy cấp tỉnh, nơi nào có điều kiện thì bố trí tham gia Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy. Chánh án TAND sơ thẩm là Ủy viên Đảng ủy TAND cấp tỉnh.
Phương án 2- Giữ nguyên như mô hình tổ chức Đảng như hiện nay: Đối với TANDTC thì Đảng bộ TANDTC do Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương quyết định thành lập trên cơ sở Điều lệ Đảng và các hướng dẫn của Trung ương, có nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý và xây dựng đảng viên thuộc Đảng bộ TANDTC. Đối với TAND cấp cao thì tổ chức cơ sở Đảng của TAND cấp cao là Đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ TANDTC (như mô hình của các Tòa phúc thẩm TANDTC hiện nay). Đối với TAND cấp tỉnh thì Đảng bộ TAND cấp tỉnh là Đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ cấp tỉnh. Đối với TAND cấp huyện thì tổ chức cơ sở Đảng ở TAND cấp huyện trực thuộc Đảng bộ cấp huyện.
Theo phương án 2, Ban cán sự Đảng TANDTC đề xuất Chánh án TANDTC là Ủy viên Bộ Chính trị (hoặc Ban Bí thư); 1 Phó Chánh án Thường trực TANDTC cơ cấu là Ủy viên Trung ương Đảng (là cơ cấu dự nguồn Chánh án TANDTC. Chánh án TAND cấp tỉnh được cơ cấu cứng là cấp ủy viên, tùy điều kiện của địa phương thì được cơ cấu là Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy. Chánh án TAND sơ thẩm được cơ cấu cứng là cấp ủy viên, tùy điều kiện của địa phương thì được cơ cấu là Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện.
Mô hình các tổ chức quần chúng ở TAND các cấp
Hiện tại, TANDTC không quản lý các tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh, Hội phụ nữ và Hội cựu chiến binh, Ban vì sự tiến bộ phụ nữ theo ngành dọc. Tuy nhiên, bên cạnh các yêu cầu về hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, kết quả hoạt động của các tổ chức này cũng là một tiêu chí thi đua của TAND. Trong những năm qua, các tổ chức đoàn thể của các đơn vị trong hệ thống TAND đã phát huy vai trò trong việc chăm lo, động viên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với những thành tích đã đạt được, trong nhiều năm liên tục, Công đoàn cơ quan TANDTC được Công đoàn viên chức Việt Nam tặng cờ thi đua xuất sắc, các công đoàn cơ sở được tặng thưởng Bằng khen, Giấy khen của Công đoàn địa phương, Công đoàn viên chức Việt Nam và Tổng liên đoàn lao động Việt Nam… Tổ chức đoàn thanh niên trong các đơn vị bằng nhiều biện pháp thích hợp đã động viên các đoàn viên thanh niên tích cực học tập, rèn luyện, tiên phong trong mọi hoạt động của đơn vị, xứng đáng cánh tay phải của Đảng; nhiều Đoàn thanh nhiên TAND các cấp được công nhận là Đoàn thanh niên xuất sắc. Đối với Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Ban vì sự tiến bộ phụ nữ trong những năm qua cũng hoạt động ổn định, có hiệu quả, đóng góp tích cực vào việc hoàn thành nhiệm vụ chung của toàn hệ thống TAND.
Do các tổ chức quần chúng ở TANDTC và các TAND địa phương đang hoạt động có hiệu quả và phù hợp với mô hình TAND 4 cấp, nên Ban cán sự Đảng TANDTC đề xuất các tổ chức quần chúng ở các TAND vẫn duy trì như hiện nay.