Năm nào những hình ảnh đau thương do thiên tai gây ra cho miền Trung cũng khiến nhiều giọt nước mắt rơi xuống.
Đó là biểu hiện đáng trân trọng của tình nghĩa đồng bào. Nhưng đã đến lúc cần phải mạnh mẽ nói với nhau rằng, thay vì than khóc năm này qua năm khác, hãy hành động thiết thực- như một bổn phận và như một sự khôn ngoan -để giúp loại trừ ngay cả những giọt nước mắt của chính mình.
Tuổi thơ của tôi biết và ấn tượng về miền Trung bằng câu thơ của nhà thơ Tố Hữu mà hồi đó đứa trẻ nào cũng thuộc qua lời ru của mẹ: “Khu Năm dằng dặc khúc ruột miền Trung”. Thuộc nhưng tôi chưa đủ lớn để hiểu âm hưởng da diết, máu thịt với tình cảm thương mến, xót xa của nhà thơ cũng sinh ở miền Trung, viết về mảnh đất của mình. Sau này một bạn thơ của tôi, cũng sinh ở miền Trung, hầu như suốt một đời cầm bút nhiều lận đận, chỉ cứ đau đáu với những bài thơ mô tả nỗi cơ hàn của cái vùng đất đã sinh ra anh. Trong số đó tôi nhớ mãi một câu thơ mang tính mô tả cụ thể nhưng lại đầy ám ảnh về số kiếp của cái khúc ruột “dằng dặc” đó: “Gió miền Trung thổi lệch những con đường”. Đó là không nhiều câu thơ có đủ tư cách để đứng một mình, tồn tại một mình.
Nhưng đó vẫn chỉ là những câu thơ. Đi qua miền Trung gió Lào, cát trắng, với một bên là núi hiểm trở, khởi nguồn của hàng ngàn trận lũ quét, lở đất kinh hồn, với một bên là biển quanh năm bão tố, chỉ thấy khoai, sắn và đất đai cằn cỗi, khô hạn, mới thấy mức độ khốc liệt của cái vùng đất ấy kinh khủng gấp trăm mọi sự mô tả bằng giấy bút. Còn phải sống đời ở kiếp tại đó như những đồng bào miền Trung, thì quả thực tôi không đủ tự tin để hình dung hết nỗi cực nhọc cuả họ.
Tôi chưa từng sống ngày nào ở dải đất thắt đáy lưng ong đó nhưng tôi có đủ từng trải để hiểu nỗi lòng của bạn bè mình, khi họ có thể nói ngày này sang ngày khác về vùng đất là quê hương họ. Mỗi năm mỗi tháng đi qua giống như một sự sống sót. Đã thành nghiệt lệ bất di bất dịch, cứ vào độ tháng 10 dương lịch, là mùa mưa bão của riêng miền Trung. Khi đó Hà Nội đang vào cữ nắng vàng như mật để chuẩn bị đón mùa đẹp nhất trong năm mà tôi đã từng ví là “mùa cứu rỗi”. Đầu kia của đất nước, tuy vẫn còn gió bão nhưng, như lời bạn tôi dạy học ở trường PTTH Lê Hồng Phong, cũng đã dần qua tháng hiểm nghèo nhất. Chỉ riêng có miền Trung là quằn quại một mình với thiên tai. Đau nhất là dường như tất cả đều đã được báo trước. Nghĩa là năm này qua năm khác, mọi việc cứ đều đặn lặp lại. Cảnh hoang tàn, đổ nát mỗi khi có cơn bão đi qua; cảnh nước ngập trắng trời trắng đất; cảnh những con đường bị cắt đôi, bị đất lở vùi lấp cả một đoạn dài; cảnh hàng trăm hàng ngàn mái nhà lấp ló trong nước; cảnh trâu bò lợn gà chết trôi lềnh bềnh trên sông; cảnh người già trẻ em đói dài, thiếu nước sạch…hầu như đã trở nên quá quen thuộc. Chỉ cần chờ đến mùa mưa bão của riêng miền Trung.
Ví như cơn bão số 10 vừa làm một cuộc tàn phá không thương xót những nơi mà nó quét qua, là sự trêu ngươi đầy ngẫu hứng của định mệnh. Mọi chuyện giống như sự đùa cợt của tạo hoá. Trước đó vừa có mấy cơn bão, siêu bão, cứ tưởng đã hút hết năng lượng trên Thái Bình Dương. Về mặt khoa học là thế. Nhưng đùng một cái, ngay trong lòng biển Đông, vùng áp thấp ít gây ấn tượng quay ngoắt chuyển thành bão, thậm chí là bão lớn và cứ thẳng tiến vào đất liền như thực thi một sứ mệnh quỷ quái nào đó. Cả dải đất miền Trung chưa kịp hoàn hồn sau mấy trận mưa lớn, đã lại ngập chìm trong tang tóc. Một thực tế không thể né tránh là miền Trung đã kiệt sức.
Tuy bất ngờ nhưng chuyện hứng chịu thiên tai ở miền Trung như vừa xảy ra, không còn là chuyện lạ. Đó có thể là một phần số phận nghiệt ngã của đất nước này khi quyết một lòng bám dọc hàng ngàn km bờ biển để tiến sâu về phía Nam. Đã là số phận thì chỉ còn cách chấp nhận thôi. Nhưng có một thực tế là mỗi năm thiên tai mỗi bất thường, mức độ thảm khốc cũng gia tăng theo thời gian, là điều mỗi chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc. Không thể cứ đổ lỗi cho một mình trời. Trời giáng hoạ nhưng cũng biết ban cho con người phương tiện để ngăn hoạ. Khi những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn suốt hàng trăm hàng ngàn năm, giống như một cái lá chắn che chở, bao bọc cho miền Trung bị tàn phá không thương sót, thì lỗi đâu ở trời, mà ở con người. Nhưng vì sao nên nông nỗi đó thì tất cả chúng ta phải chịu trách nhiệm. Miền Trung đã vắt mình cho những cuộc kháng chiến của cả dân tộc, có thể nói đến mức không còn lại gì, nếu nói trắng tay thì cũng không hề quá. Họ đã uằn mình hứng bom đạn khi tự nguyện làm con đường nối ra mặt trận, làm chiếc đòn gánh nặng trĩu hai vai hai đầu đất nước. Có thể nói họ đã hứng chịu thay cho chúng ta mọi rủi ro, cả do trời và do người gây ra. Nhưng, giống như định mệnh cay nghiệt và bất công đồng bào của chúng ta ở đó đã, cứ phải chịu đói nghèo, lạc hậu quá lâu. Lâu đến nỗi họ không thể chờ thêm bất cứ tương lai nào do người khác vẽ ra được nữa. Đói đầu gối phải bò. Có thực mới vực được đạo. Dân dĩ thực vi thiên (tiên)…là những thứ ông bà đúc rút từ cả ngàn năm để dạy con cháu rằng, miếng sống quan trọng như thế nào. Không thể nói chuyện đạo lý khi cái bụng rỗng không. Bởi vì xét cho cùng thì đạo lý lớn nhất chính là đức hiếu sinh. Vì thế, cho dù biết rằng phá rừng là tự giết mình và con cháu mình, nhưng người ta không thể làm khác. Mọi lời cảnh báo, kêu gọi, doạ nạt hay những hình phạt…đều rất ít tác dụng. Bởi vì khắc nghiệt gì cũng không bằng chết đói, ốm đau bệnh tật không có thuốc, con cái không được học hành...
Thực tế này là quá hiển nhiên, không cần phải khảo sát, kiểm nghiệm. Chỉ cần trung thực với những con số thống kê đơn thuần là đủ thấy bi kịch lớn mà đồng bào miền Trung đang phải gánh chịu, sau bi kịch thiên tai. Phải chăng biết trước điều đó mà tổ tiên ta đã sáng tạo ra một một huyền thoại sinh thành thuộc loại đẹp nhất về mặt văn hoá. Đó là câu chuyện Mẹ Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, nở thành trăm con, kẻ lên rừng người xuống bể và làm nên nước Việt ta, dù chinh chiến, tai hoạ liên miên nhưng vẫn trường tồn. Cái ngầm ý sâu xa của câu chuyện phải chăng muốn nói rằng, cho dù ở đâu trên dải đất này thì chúng ta đều cùng từ một mẹ, tất cả đều là anh em. Trong một gia đình sẽ có đứa giầu, đứa nghèo, đứa may mắn, đứa cứ phải gặp rủi. Nếu cứ đứa nào biết phận đứa ấy, thì lúc hạnh phúc sẽ cô đơn còn khi khó khăn, giặc giã tất cả chỉ còn cách bó tay chịu chết. Vì thế mà phải thương nhau, phải môi hở răng lạnh, phải máu chảy ruột mềm, phải nhiễu điều phủ lấy giá gương, phải một con ngựa đau cả tầu bỏ cỏ, phải lá lành đùm lá rách…
Nếu nói miền Trung bị bỏ rơi là xúc phạm đến tình cảm của đồng bào cả nước và nhiều cố gắng được thể hiện trong một số chính sách. Nhưng vẫn còn quá ít so với những gì mà họ mất mát cho đất nước suốt cả thời gian đằng đẵng. Thứ mà miền Trung cần, không chỉ là lòng cưu mang lúc hoạn nạn, đành rằng điều đó rất quý, mà là những hành động mang tính đạo đức về sự bù đắp cho thiệt thòi của họ. Họ xứng đáng được hưởng mọi sự ưu đãi về đầu tư hạ tầng, về chăm sóc y tế, giáo dục, sản xuất để trước hết không phải phá nốt những cánh rừng phòng hộ còn lại chỉ vì miếng ăn hàng ngày. Đấy mới là bước đi hướng tới sự bền vững lâu dài giúp miền Trung tăng khả năng tự chống chọi với thiên tai, chủ động sống chung với nó như một định mệnh nhưng không phải gánh chịu quá nhiều rủi ro, cay đắng.