Từ những củ dong riềng, người dân thôn Bản Cào (xã Côn Minh, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) đã làm thành loại “Miến tráng tay” vừa dai, vừa mướt, không bị nát, có mùi đặc trưng . Miến dong riềng giờ trở thành món đặc sản của người dân thôn Bản Cào và được mọi người coi như món quà “Ngon, lạ” để mang về xuôi làm quà, nhất là những dịp tết đến, xuân về.
Nằm trên tuyến đường quốc lộ 3B, xã Côn Minh – Na Rì nổi tiếng với đặc sản miến rong được làm từ củ rong nguyên chất, mang hương vị miền Tây Bắc. Thiên nhiên đã ban tặng cho người dân nơi đây khí hậu mát mẻ quanh năm, thuận lợi để trồng cây dong riềng. Đặc biệt hơn tại đây là loại “ Miến tráng tay” được nhiều hộ gia đình sản xuất thủ công, nên vị miến còn hòa quyện thêm cả tình người ấm áp. Và ở đó, trên đỉnh núi Thắm Liềm sừng sững, thôn Bản Cào với tất cả các hộ đều làm nghề miến tráng tay đang ngày, đêm miệt mài trên từng sợi miến.
Từ UBND xã Côn Minh, vượt qua hơn 4km chặng đường đồi núi, về phía Tây, chúng ta sẽ đến với Bản Cào. Đây là một trong những bản cao nhất của Côn Minh, đa số là người dân tộc Tày, Nùng định cư. Với những người dân thôn Bản Cào, thì mùa xuân được báo hiệu từ cuối tháng 10 âm lịch. Khi đó, với cuốc, với bai, bà con nơi đây tất bật chặt cây, đào củ dong riềng (còn gọi là củ đót), là nguyên liệu chính làm miến dong.
Cây dong riềng được trồng bằng củ, trồng từ tháng giêng và để cây phát triển tốt cần chọn những củ giống đồng đều, không bị trầy xước, sạch bệnh. Cây được trồng trên các bãi, đồi, lên luống như trồng khoai lang. Ngày thu hoạch củ dong, cũng là lúc báo hiệu mùa xuân đang về trên Bản Cào.
Thôn Bản Cào có khoảng 45 hộ với hơn 200 nhân khẩu, nhưng có tới 25 hộ làm miến dong thủ công. “ Nghề làm miến có từ vài chục năm về trước, bà Tưởng Thị Tính, năm nay đã gần 80 tuổi là người làm nghề đầu tiên ở đây. Bà đã truyền nghề cho nhiều hộ trong thôn. Đặc biệt, sợi miến dong Bản Cào là có màu nâu vàng do nguyên liệu từ củ dong riềng được giữ ở dạng nguyên chất, không dùng chất tẩy, không pha trộn với các loại bột khác” – chị Nông Thị Lê, người đã nhiều năm làm nghề miến dong thủ công cho biết.
Bột dong riềng được lọc một cách tỉ mỉ để không bị sạn, hết sức công phu, đòi hỏi sự bền bỉ của người làm. Trải qua nhiều giai đoạn, cả yến củ dong mới thu được 1 ký bột dong nguyên chất để đưa vào làm miến. Nhìn những sợi miến cuộn to, dai, có vị đặc trưng của bột dong thì ít ai hình dung được nghề làm miến tráng tay vất vả và kỳ công đến mức nào.
“Cả thôn có khoảng 3 ha trồng cây dong riềng. Ngày trước, người dân chỉ sản xuất nhỏ lẻ để phục vụ trong phạm vi gia đình. Còn nay, nghề làm miến dong đã trở thành một nghề giúp nhiều hộ xóa đói, giảm nghèo và làm giàu hiệu quả. Hiện thôn Bản Cào có quá nửa hộ gia đình chuyên làm miến thủ công, 2 xưởng vừa sản xuất tinh bột vừa sản xuất miến, cho nên diện tích dong riềng hiện có tại thôn trồng đều được tận dụng, thu mua tối đa” – bà Lộc Thị Thuyết, trưởng thôn Bản Cào.
Từ những củ dong riềng đã được người dân thôn Bản Cào làm thành những sợi miến dai, ngon, trở thành món đặc sản được nhiều người biết đến. Sự vất vả, kỳ công nghề làm miến, chị Lê chia sẻ: “ Bột dong sống được cho vào khuôn tráng, độ dày của miến khoảng 1mm. Sau khi tráng xong, những bánh miến còn ướt được cho lên mành mang ra ngoài sàn để hong gió tới khi se mặt thì thu vào. Xếp trồng nhiều bánh miến lên nhau rồi ủ kín để cho sợi miến không dính vào nhau. Ủ xong là bắt đầu cho vào máy quay thủ công để thái”.
Sợi miến khi được thái xong lại được cho lên mành, rải lưới rồi rắc đều miến để phơi thêm lần nữa. Phơi cho đến khi miến khô thì lúc đó bắt đầu mới mang đi đóng gói. Với giá bán hiện nay, gần 100 nghìn đồng/1 ký, nghề làm miến dong đã trở thành một nghề giúp nhiều hộ xóa đói, giảm nghèo và làm giàu hiệu quả.
“Miến tráng tay” dong riềng giờ đã trở thành món đặc sản của người dân thôn Bản Cào nói riêng và xã Côn Minh nói chung. Món quà mộc mạc, giản dị, đầy nghĩa tình này được mọi người coi như món quà “Ngon, lạ” để mang về xuôi làm quà, nhất là những dịp tết đến, xuân về. Mùa xuân đã về với những người nông dân nơi đây, trên từng sợi miến dong riềng.