Trong suốt thời gian qua, chỉ riêng 2 từ "biệt phủ" cũng đã làm dư luận dậy sóng. Rất nhiều bài báo, dày đặc thông tin về những khối tài sản được cho là "khổng lồ" của các vị quan chức ở nhiều địa phương.
"Biệt phủ" là một ngôn từ mà báo chí mới sử dụng cách đây không lâu và dường như chưa xuất hiện chính thức trong từ điển. Nhưng có thể tạm hiểu, "biệt phủ" là một công trình đồ sộ, hoành tráng, quy mô nằm trên một bình địa rất rộng. Nó còn là điều gì đó mang hơi hướng phong kiến, sự giàu có và dĩ nhiên chủ nhân của những "biệt phủ" ấy không phải là người tầm thường.
Khu nhà, đất của Giám đốc Sở TNMT tỉnh Yên Bái
Những năm gần đây, báo chí thông tin rất nhiều về việc "quan to có nhà to". Nhiều đến mức hễ nhắc đến từ "biệt phủ" của ông nọ, bà kia là người ta liên hệ ngay đến vấn đề tham nhũng, hối lộ.
Vụ việc "biệt phủ" của Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Yên Bái, cùng tư dinh của Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư tỉnh này đang khiến dư luận sôi sục. Đặc biệt là khi một nhà báo thúc thủ trên bàn nhậu với khoản tiền lót tay của một doanh nghiệp thì có đồn đoán ngay sau đó về "biệt phủ" khác nghi là của ông Giám đốc Công an.
Không ai cấm cản việc "quan to có nhà to". Làm quan hay làm dân thì đều muốn có nhà cao cửa rộng, đó là mơ ước chính đáng. Chỉ có điều, cái mơ ước chính đáng ấy phải được tạo nên từ sức lao động và nguồn thu nhập chính đáng.
Tôi không có vinh hạnh được chiêm ngưỡng trực tiếp tại hiện trường khu "biệt phủ" của vị Giám đốc Sở TNMT, hay "biệt phủ" nghi của Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái mà chỉ biết qua những bức hình của đồng nghiệp đăng trên báo. Nhưng khách quan mà nhận định thì gắn cho nó cái tên "biệt phủ" nghe chừng hơi quá.
Dẫu vậy thì người dân vẫn phản ứng. Vì sao?
Yên Bái là một tỉnh nghèo, đời sống người dân còn nhiều bấp bênh. Đặt trong bối cảnh ấy, các quan phụ mẫu của tỉnh lại đua nhau xây dựng nhà to, sống trong lầu rồng gác phượng, chiếu gấm màn nhung, xếnh xang, khoe mẽ. Ngược lại dân còn nghèo, đời sống còn tối tăm, nhà tranh vách nứa. Nhìn toàn cảnh, hình ảnh ấy thật phản cảm, kệch cỡm và dễ gây ra sự bất bình.
Hơn thế nữa là mối nghi ngờ về sự bất minh của những khối tài sản trên. Dù rằng ông làm quan to nhưng với mức thu nhập còn eo hẹp thì tiền đâu ông xây "biệt phủ"? Việc kê khai tài sản hằng năm đã nghiêm túc hay chưa?
"Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc" (Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ), cứ cho rằng những cơ man "biệt phủ" ấy là tài sản "sạch" đi chăng nữa thì đạo đức chính trị của các "công bộc" này cũng cần phải nắn chỉnh.
Dân giàu nước mạnh, quan chức giàu có cũng là điều đáng mừng. Chẳng có lý nào làm quan là phải nghèo hơn dân. Làm quan mà cuộc sống còn kham khổ, nhọc nhằn lo bữa ăn không xong thì lãnh đạo ai, nói ai nghe?
Thế nhưng cái cuộc sống "sang chảnh" ấy phải được xây dựng bằng nguồn thu nhập hợp pháp và thể hiện phù hợp với bối cảnh chung của đời sống nhân dân lao động.
Mong những sóng gió về "biệt phủ" ở Yên Bái sớm đi qua bằng lời hứa sẽ làm cho dân "tâm phục, khẩu phục" của ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ).