MBKE: Thị trường bước vào giai đoạn “nghỉ ngơi”

04/04/2014 10:58
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Chuyên viên phân tích CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) cho rằng sau một quý tăng liên tục, thị trường sẽ cần giai đoạn “nghỉ ngơi”, chờ đợi các thông tin tích cực mới để làm lực đẩy và tăng tốc tiếp tục sau đó.

MBKE: Thị trường bước vào giai đoạn “nghỉ ngơi”

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Chuyên viên phân tích CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

Thị trường đang diễn biến theo một xu hướng khá thuận lợi, ông có thể chia sẻ đôi chút cảm nhận về xu hướng này không?

Cũng giống như rất nhiều các nhà đầu tư khác trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, tôi dĩ nhiên cảm thấy khá hào hứng với tình hình của thị trường trong thời gian vừa qua.

Việc TTCK Việt Nam có một năm 2013 thuận lợi và quý đầu tiên của 2014 tiếp tục gia tăng mạnh mẽ đi kèm với thanh khoản rất cao đã và đang là sự khích lệ lớn dành cho các nhà đầu tư cũng như các công ty chứng khoán sau một giai đoạn dài thị trường ảm đạm trước đó.

Theo ông, kịch bản thị trường quý 2 sẽ thiên về chiều hướng nào? Do yếu tố nào dẫn dắt?

Như trong báo cáo chiến lược được công bố vào đầu năm 2014 cũng như trong hội thảo lớn vừa được MBKE tổ chức đầu tháng 3, tôi cũng như bộ phận phân tích MBKE đánh giá thị trường trong năm 2014 sẽ diễn ra theo chiều hướng lạc quan. Xu hướng chủ đạo của thị trường trong năm nay sẽ vẫn là tăng điểm.

Dù vậy ngắn hạn hơn, sau một quý tăng liên tục, tôi cho rằng thị trường sẽ cần một giai đoạn “nghỉ ngơi”, chờ đợi các thông tin tích cực mới để làm lực đẩy và sẽ tăng tốc tiếp tục sau đó.

Các thông tin sẽ được chờ đợi trong giai đoạn tới bao gồm: thông tin nới room cho khối ngoại, cập nhật kết quả kinh doanh, phân phối lợi nhuận từ ĐHĐCĐ của các công ty niêm yết, tiến trình giải quyết nợ xấu của hệ thống ngân hàng, tiến độ giải ngân các gói kích thích dành cho thị trường bất động sản (BĐS), kết thúc đàm phán TPP và hoạt động cổ phần hóa tại các công ty nhà nước.

Có ý kiến cho rằng tầm ảnh của khối ngoại đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn tăng nóng vừa qua đã giảm đi rất nhiều, ông nghĩ sao về điều này?

Thời gian qua, tổng khối lượng giao dịch của thị trường đã đạt mức cao kỷ lục. Tính riêng sàn HOSE, khối lượng giao dịch (KLGD) trung bình trong 50 ngày đang ở mức 135 triệu cổ phiếu/phiên và các phiên có KLGD trên 200 triệu đã không còn là điều quá hiếm hoi. So với mức bình quân trong năm 2013, thanh khoản trên TTCK Việt Nam đã tăng hơn 140% ở quý đầu tiên của 2014 (mức trung bình của năm 2013 là 56 triệu cổ phiếu/phiên).

Trong khi đó, giao dịch của khối ngoại dù cũng gia tăng nhưng mức tăng không tương xứng. Các tháng đầu của 2014, giao dịch khối ngoại tăng thêm 30% so với trung bình cả năm 2013 (nghĩa là mức tăng chưa bằng 25% so với mức tăng thanh khoản chung toàn thị trường).

Nếu nhìn vào các con số nêu trên, không khó để lý giải tại sao có nhiều ý kiến cho rằng tầm ảnh hưởng của khối ngoại trong thời gian vừa qua đã giảm đi đáng kể.

Dù vậy, ngay cả khi không có mức tăng lên tương ứng với thanh khoản chung của thị trường, tôi cho rằng dòng vốn khối ngoại vẫn giữ một vai trò “định hướng” đáng kể đến hoạt động giao dịch của các nhà đầu tư (NĐT) trong nước.

Đơn cử như các hoạt động “cơ cấu danh mục định kỳ” của các quỹ ETF vào giữa tháng 3 vừa qua, rất dễ nhận thấy các NĐT vẫn dành sự quan tâm đáng kể đến các kết quả cơ cấu của những quỹ ETF này và hoạt động của thị trường trong thời gian cơ cấu thật sự đã chịu ảnh hưởng không hề nhỏ từ các giao dịch mua bán của khối ngoại.

Như vậy, dù tỷ trọng tương đối có giảm đi, không cho rằng điều này vì vậy làm giảm tầm ảnh hưởng quan trọng của dòng vốn ngoại đến TTCK Việt Nam của chúng ta.

Nhóm cổ phiếu nào theo ông sẽ hút dòng tiền nhiều nhất trong quý 2 tới đây?

Nhóm cổ phiếu có thể thu hút dòng tiền nhiều nhất trong quý 2, tôi cho rằng đầu tiên sẽ là nhóm chứng khoán bởi các công ty chứng khoán sẽ là những đơn vị được hưởng lợi lớn nhất và trực tiếp nhất từ sự sôi động hiện nay của thị trường. Với việc thanh khoản trong các tháng vừa qua của năm 2014 ở vào mức kỷ lục từ trước đến nay, không quá khó để hình dung lợi ích mà các công ty chứng khoán sẽ đạt được.

Thứ hai, từ kỳ vọng vào sự phục hồi của thị trường bất động sản (BĐS) đang khá cao, NĐT sẽ quan tâm hơn đến nhóm ngành BĐS, đặc biệt nếu tiến độ giải ngân các gói hỗ trợ được diễn ra nhanh hơn và mặt bằng lãi suất tiếp tục đứng ở mức thấp như hiện nay.

Ông có thể cho biết tình hình sử dụng margin của nhà đầu tư mở tài khoản ở công ty hiện nay ra sao? Ông có lời khuyên gì cho các nhà đầu tư về việc sử dụng margin trong bối cảnh hiện nay?

Có thể thấy thị trường đã có một sự tăng trưởng đáng kể về chỉ số cũng như thanh khoản trong thời gian vừa qua. Kết quả này có một sự đóng góp không nhỏ của dòng tiền mới và công cụ đòn bẩy tài chính mà cụ thể ở đây là giao dịch ký quỹ. Theo đánh giá của tôi, hiện nay phần lớn các khách hàng đã sử dụng từ 50% - 70% khả năng vay nợ của mình.

Mỗi nhà đầu tư sẽ có một khẩu vị và mức độ chấp nhận rủi ro khác nhau nên sẽ có xu hướng giao dịch và lựa chọn cổ phiếu khác nhau. Tuy nhiên, để giảm thiểu những rủi ro do việc sử dụng đòn bẩy tài chính, mà ở đây là giao dịch ký quỹ, nhà đầu tư nên ưu tiên đầu tư vào những doanh nghiệp có nền tảng tốt, hoạt động hiệu quả và hạn chế đầu tư vào những doanh nghiệp hoạt động kém nhưng cổ phiếu có tính đầu cơ cao.

Mỹ Hà thực hiện

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
MBKE: Thị trường bước vào giai đoạn “nghỉ ngơi”