Tại Hội thảo với chủ đề “Dòng vốn ngoại & TTCK 2014”, ông Ong SengYeow, Giám đốc Nghiên cứu Phân tích toàn cầu, Tập đoàn Maybank Kim Eng, cho rằng dòng vốn nước ngoài sẽ tiếp tục chảy vào Việt Nam.
Ông Ong SengYeow, Giám đốc Nghiên cứu Phân tích toàn cầu, Tập đoàn Maybank Kim Eng |
Ông Ong SengYeow nhận định cuộc khủng hoảng tại Nga và Ukraine không tác động tiêu cực lên thị trường trong dài hạn vì Nga chỉ chiếm 3% GDP toàn cầu. Theo đó, tình hình thế giới có thể sẽ không ảnh hưởng nhiều đến bối cảnh chung của nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam.
Mặt khác, dữ liệu quá khứ cho thấy trong các chu kỳ trước, sự rút vốn khỏi các thị trường mới nổi thường kéo dài khoảng 40-50 tuần. Dòng vốn rút khỏi các thị trường mới nổi từ tháng 5/2013, và theo các chu kỳ trước thì đợt rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài tại các thị trường châu Á có thể chỉ kéo dài trong khoảng hai tháng tới.
Điểm đáng lưu ý là trong hai năm 2012-2013, dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam rất khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Do đó kỳ vọng dòng vốn này khi rút khỏi các nước sẽ đổ về Việt Nam bởi nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, kinh tế vĩ mô Việt Nam đang ổn định và có dấu hiệu khôi phục. Ông Ong SengYeow kỳ vọng hồi phục của nền kinh tế Việt Nam năm 2014 sẽ mạnh hơn, dựa vào những động lực cũ trong năm 2013. Đó là quá trình xử lý nợ xấu của VAMC sẽ mạnh hơn, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng kỳ vọng hồi phục, tiến độ giải ngân gói hỗ trợ bất động sản 30,000 tỷ đồng sẽ nhanh hơn, việc nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài sẽ được thông qua, cổ phần hóa các DNNN và việc thoái vốn của SCIC.
Đặc biệt là việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước sẽ được Chính phủ Việt Nam nhanh chóng thực hiện. Năm 2015 với cam kết hòa nhập vào lộ trình kinh tế Asean thì Việt Nam cần có sự thay đổi vì khi hòa nhập vào khối kinh tế chung sẽ làm cho kinh tế Việt Nam lành mạnh và tăng trưởng tốt hơn.
Thứ hai, cơ cấu dân số với 70% là lực lượng lao động và 23% chưa đến tuổi lao động, chi phí nhân công thấp, năng suất cải thiện. Thể hiện qua việc năng suất lao động đã tăng gấp 5 lần trong khi tiền lương chỉ tăng gấp 3 lần trong giai đoại 2001-2011. Cơ cấu dân số thuận lợi giúp Việt Nam trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn sản xuất lớn.
Thứ ba, việc ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bao gồm nhiều đối tác xuất khẩu. Nhờ đó mà xuất khẩu và GDP có thể tăng thêm 68 tỷ USD (+28.4%) và 36 tỷ USD (+10.5%) vào năm 2025. Dòng vốn FDI sẽ gia tăng để tận dụng lợi thế mới khi Việt Nam gia nhập TPP. Tuy nhiên,vào TPP nghĩa là Việt Nam phải mở cửa mạnh hơn, minh bạch hơn nhưng cũng sẽ cạnh tranh gay gắt hơn. Viêt Nam cần hoàn thiện thể chế kinh tế để có thể đáp ứng cam kết trong TPP.
Market cap của hai quỹ ETF chỉ trong 2 tháng đầu năm 2014 đã tăng mạnh hơn 27% trong khi chỉ tiêu này cả năm 2013 chỉ tăng 24.3% đã thể hiện phần nào việc vốn ngoại sẽ tiếp tục được rót vào Việt Nam. Ngoài ra, tỷ giá VNĐ vẫn đang được duy trì ổn định (biến động không quá 2%) trong khi các nước giảm rất mạnh như Indonesia (-16%), thái lan (-12%), Malaysia (-12%) và Philippines (-9%).
Ngành hàng tiêu dùng, dược phẩm, dầu khí và dệt may nhiều triển vọng
Nhận xét về các kênh đầu tư hiện nay, ông cho rằng dù kinh tế có rất nhiều tín hiệu khả quan đã xuất hiện, song bức tranh chung vẫn chưa hoàn toàn khởi sắc. Việt Nam cũng như các quốc gia Châu Á khác, đang ở vào giai đoạn tăng trưởng chậm.
Nếu kiểm soát tốt CPI với mức lạm phát mục tiêu 7% thì lãi suất năm 2014 về cơ bản sẽ không có sự thay đổi mạnh. Điều này đồng nghĩa với kênh gửi tiền tiết kiệm sẽ kém hấp dẫn.
Tương tự, tỷ giá USD/VNĐ cũng sẽ được duy trì ổn định trong năm 2014 nên dòng tiền cũng không kỳ vọng sẽ chảy vào kênh đầu cơ tỷ giá. Bất động sản kỳ vọng sẽ phục hồi, nhưng chủ yếu là phân khúc nhà ở bình dân nên lợi tức đầu tư vào bất động sản không cao.
Với vàng ít có triển vọng tăng giá trong năm 2014, sức hút của vàng với các nhu cầu đầu tư của người dân Việt Nam sẽ giảm. Ít nhất, vàng sẽ không gây phấn khích như đã từng trong các năm 2011-2012.
Những điều này sẽ tạo cơ hội cho loại tài sản khác như cổ phiếu. Và nhóm ngành triển vọng được khuyến nghị mua là ngành hàng tiêu dùng, dược phẩm, dầu khí và dệt may.
Mỹ Hà ghi