Mâu thuẫn bao trùm trong ngày khai mạc Hội nghị G7

Hà Kim (Theo Reuters)| 09/06/2018 10:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Lãnh đạo các thành viên G7 hôm nay đã có mặt tại thành phố Quebec (Canada) để tham dự hội nghị cấp cao được cho là căng thẳng nhất trong vài năm qua.

Theo Reuters, Hội nghị hợp tác giữa các nước phát triển (G7) lần thứ 44 bắt đầu vào đêm ngày 8/6 (theo giờ Việt Nam). Các nước tham dự bao gồm Canada, Mỹ, Anh, Pháp, Ý, Nhật Bản và Đức, quy tụ tới 60% thị trường kinh tế thế giới. Tuy nhiên, hội nghị lần này dự kiến sẽ rất căng thẳng do vấn đề thuế quan giữa Mỹ và các nước còn lại trong thời gian qua.

Ngoài chương trình nghị sự xoay quanh những vấn đề nổi bật như kinh tế, thương mại, an ninh, biến đổi khí hậu và hòa bình thế giới. Hội nghị năm nay còn diễn ra trong bối cảnh Mỹ và các thành viên còn lại đang căng thẳng liên quan đến chính sách thuế của nước này, cũng như việc Washington tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran.

Mâu thuẫn bao trùm trong ngày khai mạc Hội nghị G7

Tổng thống Donald Trump và các nhà lãnh đạo G7

Trước thềm hội nghị, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có nhiều chỉ trích trực tiếp đối với Tổng thống Trump. Ông Emmanuel Macron cho biết nếu Mỹ vẫn theo đuổi chính sách bảo hộ, sáu nước còn lại sẽ trao đổi một thỏa thuận riêng.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau thì cho rằng chính sách trên là một hành động nực cười, bên cạnh sự trì hoãn các đàm phán của thỏa thuận tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA). Anh và Đức cũng đã lên tiếng bất bình với chính sách này.

Đáp lại, Tổng thống Donald Trump chỉ trích Canada và Pháp đang áp thuế cao ngất ngưởng và những rào cản thương mại phi tiền tệ đối với Mỹ, trong khi EU hưởng thặng dư thương mại 151 tỉ USD.

Ngoài việc phản đối và cho rằng EU, Canada đang hưởng lợi từ thặng dư thương mại với Mỹ, ông Trump còn là nguyên thủ sẽ rời hội nghị sớm nhất. Dự kiến ngay sau buổi sáng khai mạc, ông Trump sẽ lên đường đến Singapore để chuẩn bị cho cuộc gặp lịch sử với người đồng cấp Kim Jong-un của Triều Tiên.

Điều này làm dấy lên lo ngại rằng các thương thuyết giữa nhóm G7 sẽ không đạt được nhiều tiến triển, không chỉ riêng vấn đề kinh tế mà còn bao gồm vấn đề biến đổi khí hậu, môi trường và bình đẳng giới.

Theo lời chuyên gia phân tích thị trường Craig Erlam từ London, các nhà đầu tư rất lo ngại nếu Mỹ rơi vào tình trạng cô lập. Hội nghị G7 lần này cũng là một trong những lý do khiến giá trị tiền tệ của Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ giảm sút đột ngột do các quan ngại về sự bảo đảm của đồng USD. Nhiều người khác, như nhà quản lý quỹ đầu tư quốc gia Mỹ Paul Donovan, còn cho rằng hội nghị sẽ kết thúc mà không đạt được nhiều đồng thuận.

Với tình trạng căng thẳng trong chính sách kinh tế hiện nay, Mỹ rất có thể sẽ tham dự hội nghị trong tư thế đối đầu với các đồng minh thương mại của mình. Đúng như cảnh báo của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp Bruno Le Maire về chính sách trên, đây có lẽ sẽ là hội nghị “G6+1” nếu các nước vẫn không tìm được tiếng nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mâu thuẫn bao trùm trong ngày khai mạc Hội nghị G7