Maradona ra đi để trở về với vòng tay của Chúa

Duy Thái - Thụy Anh| 26/11/2020 16:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Làng túc cầu thế giới vừa mới đón nhận một thông tin chấn động, huyền thoại bóng đá người Argentina, "cậu bé vàng" Diego Maradona đã về với Chúa. Có thể với nhiều người, Maradona là một cái tên "đáng ghét" vì những scandal xù xì, thế nhưng với toàn thể những người hâm mộ bóng đá, Maradona mãi là một trong những cái tên vĩ đại nhất lịch sử môn thể thao vua.

Năm 2020, thế giới bóng đá oằn mình trải qua thảm họa Covid-19. Sự bùng phát của đại dịch chết người này đã tước đi của thế giới đại chúng nói chung và thế giới bóng đá nói riêng vô vàn thứ. Nhiều CLB lâm vào cảnh thâm hụt tài chính, nhiều hoạt động bóng đá bị đình trệ trong một thời gian dài. Không ít những nhân viên trong lĩnh vực này đã phải cay đắng nhận trát sa thải như một quy luật tất yếu để CLB có thể tồn tại.

Khi mà sự hoành hành của đại dịch vẫn cứ từng ngày len lỏi, tàn phá bóng đá thì mới đây, làng túc cầu đã phải đón nhận một điều tồi tệ không kém khác khi mà huyền thoại Diego Maradona qua đời. Trái tim của "cậu bé vàng" bóng đá thế giới đã vĩnh viễn ngừng đập ở tuổi 60.

Chỉ ít phút sau khi thông tin đau lòng này được phát đi, mọi ánh nhìn đã đổ dồn về Argentina, quê hương của huyền thoại bóng đá này. Thế giới lại thêm một lần chao đảo.

diego-maradona-dot-ngot-qua-doi-vi-benh-tim-4.jpg
Huyền thoại Diego Maradona qua đời ở tuổi 60.

Có thể trong mắt nhiều người, Maradona chỉ là một gã cầu thủ giỏi đá bóng nhưng ngập ngụa trong scandal, những scandal xù xì mà một người bình thường coi đó là chướng mắt. Ông từng xỉa xói LĐBĐ thế giới (FIFA) sau khi để tuột mất danh hiệu “cầu thủ xuất sắc nhất thế kỷ” vào tay của Pele. Ông từng giơ nắm đấm, không ngần ngại dùng súng hơi để nói chuyện với phóng viên. Ông cũng từng dính dáng đến việc sử dụng chất cấm để rồi sau đó bị cấm thi đấu quốc tế vĩnh viễn. Còn rất nhiều những điều điên rồ khác mà danh thủ xứ Tango này đã từng tạo ra, như thể lớp gam màu sẫm tối trong bức tranh huy hoàng của sự nghiệp mà ông đã từng tạo nên vậy.

Thế nhưng ngày ông về lại với Chúa, những kẻ ghét ông cũng chẳng thể nào nở được một nụ cười. Đơn giản bởi vì thế giới bóng đá này dù có thèm muốn tới đâu đi chăng nữa, cũng sẽ chẳng thể có thêm một Diego Maradona thứ hai. Ông là món quà mà tạo hóa đã dành tặng cho làng túc cầu, là số một và cũng là duy nhất.

Người ta thường nói rằng thiên tài thì không thể giống với những kẻ bình phàm. Điều này ứng với Maradona gần như là tuyệt đối.

Ngày ông về với Chúa, người ta lại ngồi nhìn lại sự nghiệp lẫy lừng của Diego như một thước phim của tiếc nuối, của những di sản lớn lao vô cùng.

maradona_qua_doi_oxsf.jpg
Maradona đã đưa ĐT Argentina tới chức vô địch World Cup 1986.

Năm 1986, Diego Maradona tạo nên một trong những bàn thắng xuất chúng nhất mọi thời đại vào lưới tuyển Anh ở VCK World Cup. Nhận bóng từ phần sân nhà, danh thủ xứ Tango đi bóng như đi dạo qua cả tá cái bóng áo trắng. Không mất nhiều thời gian để Maradona có mặt ở trong vòng cấm địa của tuyển Anh. Huyền thoại của Napoli khi ấy đã bình tĩnh loại bỏ nốt thủ môn và kết thúc tình huống rê dắt hoàn hảo trên quãng đường 60m ấy bằng một bàn thắng. Pha độc diễn có một không hai này sau đó đã được bầu chọn là bàn thắng của thế kỷ.

Khi nhắc lại màn độc diễn xuất chúng ấy như để hồi tưởng lại chiến tích huy hoàng của người Argentina năm đó, người ta lập tức nhớ ngay tới một bàn thắng gây tranh cãi lớn nhất trong lịch sử túc cầu. Lại là một pha nhận bóng từ đồng đội, Maradona thực hiện tình huống đập nhả với Jorge Valdano. Valdano sau đó đã có một pha khống chế bóng hoàn hảo sau khi bóng bật chúng chân Steve Hodge nảy ra. Tình huống tưởng như đã trôi qua, chấm dứt một pha phối hợp phản công đẹp mắt. Thế nhưng Maradona bất ngờ bật cao đánh đầu, bóng bay vào lưới trong sự ngỡ ngàng của toàn bộ sân đấu.

maradona-3-1606332248937.jpg
Bàn thắng "Bàn tay của Chúa" kinh điển của bóng đá thế giới.

Bàn thắng trên sẽ chẳng có gì đáng để tranh cãi nếu như cái đầu của Maradona không hề chạm bóng để ghi bàn như những gì thoáng qua trước đó. Thực tế thì Maradona đã dùng tay để chơi bóng, một cú đập tay kiểu bóng chuyền để làm tung lưới Peter Shilton. Cả sân đấu nín thở chờ quyết định của vị vua áo đen. Trọng tài chính Bin Nasser công nhận bàn thắng sau khi tham khảo ý kiến trọng tài biên. Người Anh phản đối trong sự cuồng dại khi một mực cho rằng bàn thắng đó phạm luật. Thế nhưng Bin Nasser đã khước từ mọi sự phản ứng, Argentina có bàn và người lập công là Maradona.

Đây rõ ràng là một pha lập công chỉ có trong tưởng tượng. ĐT Argentina hôm đó đã thắng Anh 2-1. Kế đó, họ hạ tiếp Bỉ và Đức để lên ngôi vô địch World Cup 1986 trong sự sung sướng đến tột cùng của người dân Argentina.

Sau trận thắng đó, đích thân Maradona đã lên tiếng thừa nhận mình chơi bóng bằng tay. Nói trên BBC, danh thủ đã nói rằng bàn thắng đó được ghi bởi: “Một phần bằng đầu và một phần bàn tay của Chúa”. Kể từ đó, cụm từ “bàn tay của Chúa” được ra đời, như là để minh chứng và cũng là gợi nhắc cho bàn thắng điên rồ và cũng là bất tử của VCK World Cup 1986.

diego-maradona-bieu-tuong-truyen-cam-hung-vuot-thoi-dai1606353962.jpg
Maradona mãi mãi là huyền thoại bất tử của xứ Tango.

Huyền thoại Argentina sau cũng từng thừa nhận nếu có VAR (trợ lý trọng tài video), bàn thắng đó của ông sẽ không được công nhận. Nhưng đó là năm 1986, không có công nghệ nào hỗ trợ trọng tài xem lại tình huống trên sân bóng.

Ở quê nhà Argentina, Maradona được ca ngợi hết lời sau bàn thắng đó. Còn ở Anh, người ta ghét thậm tệ cái tên Maradona, cái tên mà người dân ở đây cho rằng đã tước đi cơ hội đi tiếp của Tam Sư bằng sự dối trá và bẩn thỉu.

Người Anh có thể không phục hoặc họ thậm chí điên tiết vì bị loại tức tưởi theo kiểu như thế. Thế nhưng trách ai được khi mà bóng đá thời điểm đó vẫn là cuộc chơi của con người với con người, chưa có sự can thiệp của công nghệ và máy móc như hiện tại. Nếu ngày đó có VAR, Maradona chắc chắn sẽ bị thổi phạt, sẽ bị ăn thẻ và hẳn nhiên là không có bàn thắng điên rồ kia. Thế nhưng cũng thật may khi ngày đó không có VAR, bởi nếu như xuất hiện công nghệ khi đó, bóng đá thế giới đã chẳng có dịp chứng kiến một trong những khoảnh khắc lịch sử của “cậu bé vàng”. VAR có thể đem lại sự công bằng, nhưng lại là nhát dao giết chết cảm xúc của bóng đá.

diego-maradona-1402477528.jpg
World Cup 1986 là sân khấu của riêng Maradona.

Giải đấu trên đất Mexico năm ấy là sân khấu của Maradona. Một mình ông rực sáng, làm chao đảo thế giới, lu mờ các danh thủ khác bằng những tình huống, những pha đi bóng tưởng như chỉ có trong PS3 hoặc Fifa Online 4 ngày nay. Với một Maradona xuất chúng trong đội hình, Argentina đã tự mình chạm tay vào chiếc cúp vàng thế giới, điều mà cho đến tận ngày nay La Albiceleste chưa thể tái hiện.

Cái tên xuất sắc được coi là kế cận Maradona nhất, Lionel Messi dù xuất chúng không kém cũng chỉ giúp đội tuyển quê nhà đi đến trận chung kết và chịu thua trước người Đức ở World Cup 2014. Messi cũng là thiên tài, là cầu thủ trăm năm mới có của bóng đá thế giới nhưng vẫn đang bất lực trong việc gồng gánh tuyển Argentina ở các giải đấu lớn. Nhìn Messi cô độc và mệt mỏi như thế để thấy chiến tích 34 năm trước của Maradona, là vĩ đại đến nhường nào.

Trước một vĩ nhân xuất chúng như thế, người hâm mộ trên toàn thế giới chỉ biết một mực tôn sùng, như đứa con chiên cúi đầu trước Chúa, bỏ mặc ngoài kia những rắc rối đầy rẫy ở đời tư.

maradona-messi.jpg
Lionel Messi có thể xuất chúng, nhưng ở Argentina thì Maradona mới được sùng bái nhất.

Ở Argentina, Lionel Messi có thể là thiên tài xuất chúng, nhưng sự tôn thờ thì chỉ có một cái tên duy nhất: Diego Maradona. Người dân xứ Tango kính mến Maradona như cái cách mà người Brazil tôn sùng Mane Garrincha vậy. Người dân Brazil khi được hỏi rằng đâu mới là cầu thủ mà họ yêu mến nhất, câu trả lời là Mane Garrincha. Thậm chí khi được nhắc tới Pele, câu trả lời của họ vẫn cứ là Mane Garrincha. Ở Argentina, câu trả lời là gì thì hẳn nhiên ai cũng đoán được.

Không chỉ lẫy lừng trong màu áo ĐTQG, Diego Maradona còn là biểu tượng của bất cứ CLB nào mà ông từng tham dự. Ở Barcelona, ông dành 3 siêu cúp Tây Ban Nha, Cúp Nhà vua và League Cup TBN (đã khai tử năm 1986). Kế đó, ông đặt cái chân trái siêu việt của mình đến đất nước của xứ sở mỳ ống trong màu áo của Napoli. Ở xứ Naples, cựu danh thủ sinh năm 1960 trở thành “đấng cứu thế” của đội bóng này với hai chiếc Scudetto mùa 1986/1987 và 1989/1990. Ngoài ra, Cậu bé vàng còn giúp Napoli lên ngôi tại Coppa Italia, UEFA Cup và siêu cúp Italia.

diego-maradona-qua-doi_26112020030257.png
Trong màu áo CLB, ông được ví như vị thánh ở mỗi nơi từng kinh qua.

Đó là những điều phi thường mà Maradona đem đến cho sân San Paolo cho lịch sử của CLB Napoli. Với Maradona, Napoli đã có cho riêng mình một giai đoạn huy hoàng nhất lịch sử câu lạc bộ, thứ mà họ vẫn đang miệt mài tìm lại bao lâu nay. Sau quê nhà Argentina, nước đất nước hình chiếc ủng xa xôi mà cụ thể hơn là Napoli, người dân ở đây đã coi “cậu bé vàng” như một vị thánh bảo hộ. Sẽ chẳng có một nhân vật tạo nên bước ngoặt lịch sử của Napoli giống cái cách Maradona từng làm, dù đó có là Dries Mertens, người đã vượt mặt cựu danh thủ Argentina trong danh sách những cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất lịch sử sân San Paolo.

Maradona sau cùng đã mãi mãi nằm lại, trái tim của "cậu bé vàng" ngừng đập ở tuổi 60. Trong suốt quãng đời của mình, Maradona hẳn đã có triệu triệu người mến yêu, sùng bái, cũng có không ít kẻ nóng mặt trước những xù xì ngoài sân cỏ của ông. Thế nhưng thẳm sâu trong trái tim của những người yêu bóng đá, "Maradona – Cậu bé vàng" vẫn sẽ mãi là một trong những vĩ nhân xuất chúng nhất của làng túc cầu.

diego-maradona-5-06531634.jpg
Maradona đã về với Chúa và NHM sẽ nhớ tới ông như một vĩ nhân bất tử của làng túc cầu.

Lionel Messi phát biểu sau khi hay tin tiền bối của mình qua đời: “Ông ấy đã qua đời nhưng ông ấy chẳng đi đâu cả, bởi Diego là vĩnh cửu.”

Đúng thế, Diego Maradona là vĩnh cửu, ông rời cõi phàm nhân này chỉ là để trở về với vòng tay của Chúa mà thôi.

Vĩnh biệt Maradona !

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Maradona ra đi để trở về với vòng tay của Chúa