Mang thai hộ: Quy định chặt chẽ là cần thiết

Hương Lan| 20/03/2015 07:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Từ ngày 15/3, nghị định cho phép mang thai hộ có hiệu lực. Hiện nay các trung tâm đã bắt đầu tiếp nhận hồ sơ đăng ký xin mang thai hộ. Đến nay đã khoảng 100 hồ sơ đề nghị được nhờ mang thai hộ gửi đến 3 bệnh viện.

Nhu cầu lớn

Theo TS-BS Hồ Sỹ Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia, thống kê từ trung tâm cho thấy hằng năm, hơn 10.000 người đã đến đây khám vô sinh, hiếm muộn, trong đó khoảng 0,5% không thể tự mang thai vì nhiều lý do. Đó là những trường hợp bẩm sinh không có tử cung hoặc phải cắt bỏ tử cung do khối u to, tổn thương ung thư; tử cung có quá nhiều nhân xơ, niêm mạc quá mỏng khiến phôi không thể làm tổ, dính buồng tử cung do nạo phá thai… Ngoài ra, cũng có thể do người vợ bị bệnh tim, suy tim… nên không thể mang thai; liên tục sẩy thai hay thụ tinh trong ống nghiệm thất bại nhiều lần.

“Mang thai hộ là mong muốn chính đáng của những cặp vợ chồng hiếm muộn. Việc cho phép mang thai hộ đã mở ra một cơ hội làm mẹ cho họ” - TS-BS Hùng nhận định. Theo ông, cách thực hiện mang thai hộ là lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng cho thụ tinh trong ống nghiệm để tạo phôi. Sau đó, phôi được cấy vào tử cung của phụ nữ tự nguyện để người này mang thai và sinh con. Đứa trẻ sinh ra hoàn toàn mang gen di truyền của vợ và chồng, không bị ảnh hưởng bởi người mang thai hộ.

Mang thai hộ: Quy định chặt chẽ là cần thiết

Nhân viên ý tế thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (ảnh minh họa)

Về kỹ thuật, mang thai hộ là một phác đồ điều trị mà các trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm đều có thể thực hiện được. Tuy vậy, trong số 22 trung tâm ở Việt Nam, năm 2015, Bộ Y tế chỉ cho phép 3 đơn vị đại diện cho 3 vùng miền được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, gồm: BV Phụ sản trung ương, BV Đa khoa Trung ương Huế và BV Từ Dũ ở TP HCM.

GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia cho biết: Dự kiến, sau 1 năm triển khai tại 3 cơ sở y tế nêu trên, Bộ Y tế sẽ tổng kết và mở rộng thực hiện tại các trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm. Các trung tâm này phải bảo đảm các điều kiện: Một năm thực hiện được 300 chu kỳ thụ tinh ống nghiệm, có kinh nghiệm, không vi phạm pháp luật liên quan đến vấn đề này.

Quy định khắt khe

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, trong số các cặp vợ chồng có nhu cầu nhờ người mang thai hộ, một số đã tìm được người mang thai hộ là chị, em gái hoặc chị, em dâu. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa những trường hợp này đã được chấp nhận để thực hiện mang thai hộ bởi còn phải trải qua khâu xác minh với thủ tục pháp lý rất chặt chẽ.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) – đơn vị xây dựng thông tư hướng dẫn nghị định quy định về việc thực hiện kỹ thuật mang thai hộ cho biết: Khi đã có người đồng ý, bệnh viện thực hiện kỹ thuật sẽ thiết lập hội đồng, kiểm tra về mặt y tế với cả cặp vợ chồng nhờ và người đồng ý mang thai hộ, sau đó đến tư vấn tâm lý và cuối cùng là tư vấn pháp lý. Trong đó, khâu tư vấn pháp lý phức tạp nhất bởi dưới sự hướng dẫn của luật sư, bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ sẽ phải thống nhất được một hợp đồng dân sự, với rất nhiều ràng buộc về quyền lợi và trách nhiệm của các bên liên quan. Thực tế, chắc chắn sẽ xảy ra nhiều trường hợp có người đồng ý mang thai hộ nhưng khi thương thảo hợp đồng, xác định tính pháp lý lại đổi ý.

Trước khi xác lập hợp đồng, cơ quan pháp lý phải tiến hành xác định xem vợ chồng nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ có phải họ hàng thật không, cùng trực hệ không. Sau đó, trong hợp đồng dân sự giữa 2 bên, luật sư sẽ phải đưa vào các điều khoản rất quan trọng về trách nhiệm, nghĩa vụ của 2 bên như: người mang thai hộ đẻ con ra là phải trao ngay cho bên nhờ; Nếu trong quá trình mang thai không phát hiện di tật mà khi đẻ ra con dị tật, bệnh lý thì người nhờ mang thai hộ vẫn phải nhận con; Khi sinh nở bình thường xong là phải chấm dứt hợp đồng, chấm dứt quan hệ, sau này người mang thai hộ không được đòi con, lợi dụng con và ngược lại. Trường hợp vì lý do nào đó người mang thai hộ chết do đẻ con, đứa con chết hoặc chết cả mẹ lẫn con trong sinh nở thì trách nhiệm của bên nhờ mang như thế nào… tất cả đều phải được thể hiện rõ trong hợp đồng.

 Theo ông Quang, các quy định chặt chẽ như vậy có thể sẽ là rào cản, hạn chế việc thực hiện các ca mang thai hộ, khiến nhu cầu thực tế khó được đáp ứng nhanh. Nhưng chỉ với các ràng buộc chặt chẽ thì mới giải quyết được các vướng mắc về pháp lý nảy sinh sau này. 

Theo luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi, bên nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện như: Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; vợ chồng đang không có con chung; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

Điều kiện với người được nhờ mang thai phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc chồng; từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ. Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có hôn nhân thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng. Trường hợp bên nhờ mang thai hộ chậm nhận con hoặc vi phạm nghĩa vụ về nuôi dưỡng, chăm sóc con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định của Luật này và bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan. Nếu gây thiệt hại cho bên mang thai hộ thì phải bồi thường…

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mang thai hộ: Quy định chặt chẽ là cần thiết