Việc đưa người chết vào quan tài mang đi diễu phố đang có xu hướng lây lan, bắt chước lẫn nhau là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng xấu đến xã hội”. PGS.TS chuyên gia xã hội học Trịnh Hòa Bình phân tích.
Liên tiếp những ngày gần đây xảy ra hai vụ việc người nhà nạn nhân mang quan tài diễu phố tại Quảng Ninh và Hải Dương gây xôn xao dư luận. Phóng viên Báo điện tử Công lý đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trịnh Hòa Bình- Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) xung quanh vấn đề này.
PV: Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra nhiều vụ mang quan tài diễu phố gây xôn xao dư luận. Ông nhận định thế nào về việc này?
PGS.TS: Trịnh Hòa Bình: Việc người dân bày tỏ sự phản ứng với xã hội và với luật pháp bằng cách đưa quan tài diễu phố có thể vì lý do nào đó như người thân của họ bị chết không rõ nguyên nhân, chết bất thường...
Phần lớn, những người mang quan tài diễu phố hay nhằm vào các tuyến đường đông người qua lại để bày tỏ thái độ về sự thiếu minh bạch, không được xử lý đến nơi đến chốn, hoặc giải quyết chưa thỏa đáng. Người dân lựa chọn hình thức phản ứng và quyết liệt để mong muốn có một câu trả lời rõ ràng từ phía nhà chức trách.
Việc mang quan tài diễu phố như vậy, chủ yếu gây áp lực với các phía, có thể là người gây ra cái chết cho thân nhân họ hoặc nhân viên công quyền…
Việc đưa người chết vào quan tài mang quan tài diễu phố đang có xu hướng lây lan, bắt chước lẫn nhau là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng xấu đến xã hội.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình: "quan tài diễu phố đang có xu hướng bắt chước"
PV: Theo ông, nguyên nhân để xảy ra tình trạng này là do đâu?. Phải chăng pháp luật chưa nghiêm nên mới tái diễn tình trạng này?
PGS.TS: Trịnh Hòa Bình: Hành vi mang quan tài diễu phố thực chất là gây rối xã hội, ảnh hưởng mỹ quan, phá hoại trật tự công cộng. Tuy nhiên, người ta lại bất chấp tất cả để làm chuyện đó, bởi xuất phát điểm họ là đang mất lòng tin...
Người dân chọn giải pháp quyết liệt, gay gắt nhất, cốt cho sự việc rùm beng, sức cộng hưởng của dư luận... với hy vọng kết quả như người ta mong muốn tức là phải dồn ép, đòi hỏi, tác động hoặc được đền bù cao nhất, hoặc trừng phạt những người gây ra cái chết cho người thân họ một cách thích đáng.
Trên thực tế, những người mang quan tài diễu phố có thể xem là thiếu hiểu biết pháp luật, hoặc là theo xu hướng chủ nghĩa quá khích, cũng có thể xem là động cơ ích kỷ, vụ lợi.
Nếu xét theo bình diện sự phát triển lành mạnh của cộng đồng, việc mang quan tài diễu phố là một trong những nhân tố ảnh hưởng xấu đến xã hội, làm cho xã hội trở nên rối ren.
Trào lưu này cũng phản ánh sự nóng nảy, bức xúc, thiếu hiểu biết luật pháp, nhưng đồng thời nó cũng hàm chứa câu hỏi, vì sao họ bắt chước, vì chỉ bằng hình thức đó mới mang lại kết quả họ mong muốn. Bản thân điều này cho thấy hành xử, luật pháp không nghiêm.
Tuy nhiên, cũng cần phải nói rõ rằng, không phải lỗi tại các khuôn khổ khung hình luật, mà chủ yếu là do người thực hiện, chưa làm hết trách nhiệm.
PV: Không ít vụ mang quan tài diễu phố gây hoang mang dư luận, điển hình như việc người nhà nạn nhân mang quan tài diễu phố ở Vĩnh Phúc. Vậy cái được và cái mất ở đây là gì, thưa ông?
PGS.TS: Trịnh Hòa Bình: Vụ mang quan tài diễu phố ở Vĩnh Phúc là một yếu tố điển hình của sự mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm.
Khi mà nhà chức trách, giới quản lý cộng đồng để xảy ra oan sai trong đời sống hằng ngày của người dân, không xử lý kịp thời, oan sai dễ dẫn đến sự nghi ngờ bức xúc về sự thiếu minh bạch của hệ thống cơ quan hành pháp. Một khi xử lý không đúng chuẩn mực sẽ mang lại nhiều hệ lụy bất bình trong nhân dân.
Sở dĩ nói như vậy, để nói vụ mang quan tài diễu phố ở Vĩnh Phúc, nếu thân nhân của người đã khuất không có hành vi đó, không ai dám chắc vụ đó sẽ không chìm xuồng, nhưng chắc chắn việc xử lý sẽ rất trầy trật.
Chúng ta đang hướng về một xã hội dân chủ hiện đại, đời sống xã hội lành mạnh, văn minh. Những vụ mang quan tài diễu phố như vậy đã đe dọa đến sự phát triển lành mạnh của đời sống xã hội, sự phát triển kinh tế...
PV: Ông có cho rằng việc mang quan tài diễu phố xuất phát từ yếu tố kích động?
PGS.TS: Trịnh Hòa Bình: Tôi nghĩ rằng, tỷ lệ có yếu tố kích động không loại trừ nhưng rất thấp. Xảy ra tình trạng này chủ yếu là những mâu thuẫn, xung đột không được làm sáng tỏ, khách quan chứ chưa đến mức có thể nhìn nhận là kích động.
Một khi chúng ta giải quyết được thấu đáo lợi ích cho dân, hành xử công bằng với người dân, thì sẽ không còn xảy ra những vụ việc tương tự.
PV: Việc đưa người đã chết vào quan tài mang diễu phố đang là một trào lưu, hiệu ứng phát sinh trong xã hội. Điều này gây ảnh hưởng như thế nào đến xã hội thưa ông?
PGS.TS: Trịnh Hòa Bình: Việc đưa người chết vào quan tài mang đi diễu phố là rất nguy hại. Nếu không chặn đứng được hành vi này sẽ nảy sinh những hành vi tiếp theo.
Nhìn một cách công bằng, có những vụ việc không đến mức nghiêm trọng nhưng người dân lại làm “tắt”, làm phũ ngay từ đầu, họ bắt chước xu hướng đám đông. Có những vụ việc rất nhỏ, người nhà cũng làm rùm beng, gây lộn xộn mất trật tự xã hội.
Tôi dám chắc không có gia đình nào người ta lại chủ trương xúc phạm tâm linh người thân của chính mình, nhưng họ lại chấp nhận lựa chọn hành xử quan tài diễu phố. Việc làm đó là không lành mạnh, dẫn tới đảo lộn về giá trị, lối sống đạo đức.
PV: Để xảy ra liên tiếp tình trạng mang quan tài diễu phố, trách nhiệm chính thuộc về cơ quan nào?
PGS.TS: Trịnh Hòa Bình: Có nhiều cách giải quyết khác quyết liệt hơn chứ không nên giải quyết theo kiểu mang quan tài diễu phố, gây gây bất ổn xã hội, xúc phạm đời sống tâm linh.
Chúng ta không thể đổ lỗi ngay cho lực lượng hành pháp. Tuy nhiên trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về tổ chức, nhóm người, trong quá trình tương tác với phía bị kiện, bị hại đã làm không hết trách nhiệm, giải quyết thỏa đáng để xảy ra bức xúc.
Ngoài ra, các cơ quan bảo vệ luật pháp phải can thiệp để minh bạch và công khai, chấm dứt cách làm trì trệ, tránh gây sự hoang mang bất bình trong nhân dân.
PV: Xin cảm ơn ông!