Nằm lọt thỏm giữa thung lũng bao quanh là rừng thông, hằng ngày vang vọng tiếng cười, nói, đọc sách của những đứa trẻ tầm 7- 8 tuổi. Đó là lớp học tạm của cô Mã Thị Khánh Ly và học trò người Tày, Nùng, Dao của Trường tiểu học xã Đồng Thắng, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn. Lớp học còn đơn sơ, thiếu thốn, nhưng luôn rộn rã tiếng cười.

1-1-.png
4-1-(1).png

Là cái tên dí dỏm được nhiều người đặt cho lớp học này. 3K được viết tắt từ những thực trạng mà lớp học đang có: Không đủ ánh sáng, không an toàn, không đúng quy cách của một lớp học. Khác với những lớp học ở vùng xuôi, lớp học của cô Mã Thị Khánh Ly và những em học sinh lớp 2 người Tày, Nùng, Dao nơi đây được mượn từ nhà văn hóa thôn Nà Xoong.

Cô Ly kể: “Khi mới nhận lớp, tôi liên tưởng đây như ngôi nhà hoang, lâu không được ai đến. Thế rồi, tôi và các đồng nghiệp ở trường cùng nhau dọn dẹp, bắt thêm bóng điện nhằm có đủ ánh sáng cho phòng học”.

2.png

Ngôi nhà thấp quá, cửa sổ bé bởi vậy dẫu là ban ngày nhưng ánh sáng vẫn không đủ cho học sinh ngồi học. “May sao, mấy năm nay điện về đến xã rồi nên phòng này mới có thể học được. Còn không.... chắc phải dùng đèn pin ngồi học”, cô Ly nói.

Lớp học của cô trò chỉ vỏn vẹn một cái bảng với mấy bộ bàn ghế gỗ cũ kỹ, mùa hè cực nóng, mùa đông gió lạnh lùa vào, dù ở trong lớp cũng không ấm hơn ngoài trời là mấy. Thế nhưng, cô trò đã động viên nhau vượt qua khó khăn.

“Tôi hay động viên các con cố gắng chăm học, học xong Tiểu học các con được chuyển ra thị trấn học trường nội trú, các con sẽ được học trường lớp đẹp, được ăn cơm tại trường không vất vả đi lại như bây giờ”, Cô Ly kể lại.

Vì là lớp học tạm, mọi thứ còn thô sơ, bởi vậy để an toàn cho học sinh của mình, ngày nào cô cũng lên rất sớm, vệ sinh lớp học, kê lại bàn ghế và đón học sinh của mình.

Cô Ly tâm sự: “Hệ thống điện ở phòng học bắt trần giăng qua các vách tường, xà ngang nhà rất nguy hiểm nếu để các con một mình ở phòng, lỡ không may... thì ân hận cả đời. Trẻ con mà “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò” nên mình không an tâm”.

6.jpg

Trời nắng thì nóng, trời mưa nước từ trên đỉnh đồi chảy xuống không kịp thoát ngấm vào lớp học, có những trận mưa to cô Ly phải cho học sinh ngồi sát vào nhau tránh những chỗ nước.

“Như cơn bão số 9 và 10 vừa rồi mưa liên tục, nước không kịp chảy ngấm hết vào phòng học, tôi phải cho học sinh ngồi dồn vào nhau để tránh nước” - cô Ly kể lại.

Không cầm được nghẹn ngào cô Ly nói thêm: “Mỗi ngày đi dạy, ngoài cố gắng truyền hết những gì mình có cho học sinh, tôi chỉ mơ ước có một phòng học đủ ánh sáng cho học sinh ngồi học không bị cận thị, trời mưa nước không ngấm vào phòng là tôi mừng rồi”.

d9.png

Năm học 2020-2021, số lượng học sinh tăng, tuy nhiên cả Trường Tiểu học xã Đồng Thắng chỉ có 3 phòng học, mỗi phòng rộng 7 đến 10 m2. Trong ba phòng học đó, có một phòng được tận dụng từ phòng làm việc của giáo viên.

Theo như chia sẻ của cô Vũ Thị Minh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Đồng Thắng, trước khi vào đầu năm học, nhà trường đã có đề xuất với cơ quan chức năng có phương án xây thêm lớp học. Đồng thời, để kịp với thời gian bước vào năm học mới, giáo viên đã đề xuất với xã lên phương án mượn nhờ nhà văn hóa thôn Nà Xoong cho học sinh học tạm, trong thời gian chờ các cơ quan phê duyệt xây thêm lớp học.

Phòng học thiếu, phòng làm việc cho cán bộ, giáo viên cũng phải đi mượn. Dãy nhà cũ đã dột nát của UBND xã Đồng Thắng được nhà trường sửa chữa làm văn phòng, nhìn lên trần nhà một tấm bạt xanh được che chắn tạm bợ.

“Dãy nhà cũ đó cũng là nơi làm việc của cả giáo viên Trường Mầm non xã Đồng Thắng nữa”, cô Minh cho biết thêm.

3.png

Theo ông Vi Văn Thọ - Phó Chủ tịch xã Đồng Thắng, khi nhận được đề xuất cũng như phản ánh thiếu phòng học trong năm học mới, lãnh đạo UBND xã cũng rất trăn trở. “Tuy nhiên, Đồng Thắng là xã miền núi vùng ba – xã đặc biệt khó khăn. Cả xã được hơn 120 hộ gia đình, nói xây dựng một trường học thực sự là bài toán khó đối với xã chúng tôi. Trước mắt để có chỗ cho học sinh học, chúng tôi bàn với trường mượn tạm nhà văn hóa của thông Nà Xoong ngay gần trường cho các em làm lớp học tạm”- ông Thọ nói.

Được biết, xã Đồng Thắng có hơn 120 hộ gia đình, sống chủ yếu dựa vào rừng, đời sống người dân ở đây gặp nhiều khó khăn. Dự kiến năm học 2021-2022 tới nhà trường có số học sinh tăng, câu chuyện thiếu lớp học lại là bài toán khó chưa có lời giải cho nhà trường và chính quyền nơi đây.

Nội dung: Ngô Chuyên

Thiết kế: Nguyễn Dương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mang con chữ lên vùng cao (kỳ 1): Những lớp học 3K của học sinh xã Đồng Thắng