Mâm ngũ quả: Nét đẹp văn hóa ngày xuân

H.Thanh| 21/01/2023 09:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Người Việt Nam có một phong tục truyền thống tốt đẹp, đó là vào những ngày Tết bất cứ gia đình nào dù giàu hay nghèo, ở vào tầng lớp xã hội nào cũng đều có chưng một mâm ngủ quả trên bàn thờ tổ tiên với các loại quả thể hiện lòng thành kính với tổ tiên cùng những điều ước nguyện của mỗi gia đình. Đây được coi là một tục lệ đẹp đầy nét nhân văn mỗi dịp Tết Nguyên đán.

Mâm ngũ quả: Nét đẹp văn hóa ngày xuân

Mâm ngũ quả ở miền Bắc

Theo quan niệm của dân gian thì "quả" (trái cây) được xem như biểu tượng cho thành quả lao động một năm. Ông cha ta chọn 5 loại trái cây để cúng đêm giao thừa là ngụ ý rằng: Những sản vật này được kết tinh từ công sức, mồ hôi, nước mắt của con người lao động, kính dâng lên đất trời, thần thánh trong giờ phút linh thiêng của vũ trụ vạn vật sinh tồn. Tư tưởng, hình ảnh ấy đã ăn sâu và tâm thức của người Việt Nam bao đời nay.

Thông thường, mâm ngũ quả bao gồm năm loại trái cây mà theo quan niệm của phong thủy là năm yếu tố cấu thành nên càn khôn, vũ trụ, đó chính là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ thường gọi là ngũ hành. "Ngũ" có nghĩa là năm, quả là cây trái, "quả" cũng tượng trưng cho thành quả lao động của người dân sau bao vất vả được hưởng trái ngọt, quả lành. Ngoài ra, "ngũ quả" còn thể hiện ước muốn của người Việt đạt được Ngũ phúc lâm môn trong nét đẹp văn hóa dân tộc đó là phúc, quý, thọ, khang, ninh.

Trong sự ấm cúng, sum họp gia đình, đón xuân bên cạnh những bức tranh dân gian, cành đào đỏ thắm hay cành mai vàng rực rỡ, mâm ngũ quả mang một hương sắc tươi thơm vị đồng quê trù phú và sung túc…Dù bất kỳ ý nghĩa nào nét đẹp bày mâm ngũ quả mỗi dịp tết vẫn mang giá trị cao đẹp trong văn hóa ngày Tết của dân tộc.

Nội dung mâm ngủ quả thay đổi tùy theo mỗi vùng của đất nước. Miền Bắc mâm ngũ quả thường có 5 loại quả như chuối, bưởi, đào, hồng, quýt.  Mâm ngũ quả của miền Bắc không thể thiếu nải chuối xanh, tượng trưng cho mùa xuân, hành Mộc, và có ý nghĩa như bàn tay che chở, bao bọc, hứng trọn lấy may mắn.

Quả phật thủ nhiều nhánh là hành Thổ, cầu mong phúc lộc đầy nhà. Các loại quả đỏ như cam, quýt, hồng thể hiện hành Hỏa, quả trắng như roi, đào là hành Kim và quả đen như mận, hồng xiêm, nho tượng trưng cho hành Thủy. Mâm ngũ quả viên mãn, tròn đầy, đủ ngũ hành cho mọi sự thuận lợi, hanh thông, may mắn.

Mâm ngũ quả: Nét đẹp văn hóa ngày xuân

Mâm ngũ quả ở miền Trung

Thời gian tết ở miền Trung rơi vào mùa đông nghiệt ngã, lại chịu nhiều bão lụt, cây trái đặc sản địa phương rất hiếm, thường nhập từ nơi khác, mâm ngủ quả gồm phần chủ lực là nải chuối xanh, sau đó tùy theo hoàn cảnh của mỗi gia chủ mà chưng thêm các loại đặc sản địa phương khác như cam, quýt, sung, dưa hấu, bưởi, sung, mãng cầu, thanh long… Do vậy mâm ngũ quả không có nét đặc trưng nhất định của địa phương.

Riêng miền Nam thời tiết nóng ấm quanh năm, nên trái cây đặc sản địa phương không thiếu thứ gì, lại thêm trái cây ngoại nhập dễ dàng nên mâm ngũ quả rất đa dạng và phong phú. Nhiều người có thú chưng mâm ngũ quả theo một ước nguyện riêng tư của mình.

Dưới cái nhìn phong thủy, màu sắc mâm ngũ quả như trắng xanh, lục, đỏ vàng có ý nghĩa của vòng tương sinh khép kín biểu tượng cho may mắn như kim, thủy mộc hỏa thổ. Về mặt hiếu đạo, mâm ngũ quả cúng bàn thờ tổ tiên biểu tượng cho tứ thân phụ mẫu bảo bọc cho gia đình gia chủ chính giữa ấm cúng đoàn viên. Về xướng danh theo tên gọi trái cây có thể nói lên ước vọng hạnh phúc thầm kín của gia chủ ví dụ như: Cầu, dừa, đủ, xài, thơm danh.

Mâm ngũ quả: Nét đẹp văn hóa ngày xuân

Mâm ngũ quả ở miền Nam

Vừa đủ xài cũng cho thấy người miền Nam có đặc tính không tích trữ, chẳng để dành. Ngày xưa, đất miền Nam mênh mông, phong phú cá tôm, người dân không sợ đói, nên ít khi tích cốc phòng cơ như người Trung, người Bắc. Vậy nên họ cầu vừa đủ xài là chỉ cầu cho hiện tại, chẳng cầu dư. Vừa đủ xài cũng là một cách biết để cuộc sống an nhiên, chẳng lo âu. Được như thế thì cuộc sống hạnh phúc hơn, an lạc hơn.

Những người Hoa ở miền Nam, làm kinh tế, hiếm khi chưng mâm ngũ quả “cầu, dừa đủ, xài, sung mãn”. Mâm ngũ quả thường được thay thế bằng 5 trái quýt. Trái quýt tiếng Hoa gọi là cách, kiết có ý nghĩa may mắn, mâm ngủ quả này còn được gọi là “ngũ đại kiết”. Năm trái quýt biểu tượng cho năm điều may mắn theo lời khấn nguyện: Ðại kiết về tiền tài; Ðại kiết về hạnh phúc gia đình, con cái Ðại kiết về quan hệ xã hội; Ðại kiết về sức khỏe dồi dào, không bệnh tật, sống lâu; Ðại kiết về công việc làm ăn suôn sẻ, không nạn tai.

Mùa xuân là mùa hoa trái. Mùa xuân là tết trồng cây. Cây để phục vụ dựng xây, cây để cải tạo sinh thái môi trường. Cây cho hoa cho quả. Từ mâm ngũ quả ngày xuân nghĩ lới bao vấn đề nhân tình thế thái "ăn quả nhớ kẻ trồng cây ", người lao động luôn luôn biết ơn cây đời đã cho hoa thơm quả ngọt.

Nhìn mâm ngũ quả, con người càng chiêm nghiệm lẽ sống, đời thường và cảm ơn thiên nhiên chẳng những bảo vệ ta mà còn nuôi ta suốt bốn mùa hoa trái.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mâm ngũ quả: Nét đẹp văn hóa ngày xuân