Là bậc thầy về thay đổi phong cách thời trang, Madonna là ca sỹ tiếp tục giành được nhiều người hâm mộ qua nhiều thập niên bằng cách chuyển đổi hình ảnh của mình.
Việc nữ hoàng nhạc pop Madonna giỏi sáng tạo trong nỗ lực thay đổi hình ảnh để giành được sự ngưỡng mộ của khán giả đã được ghi chép kỹ. Ca sỹ này được xem là người có sự hiểu biết bẩm sinh về sức mạnh tiếp thị của cách ăn mặc. Không một ai trưởng thành vào những năm 80 mà không nhận thấy tác động từ mỗi lần nhập vai mới của Madonna đối với văn hoá của giới trẻ.
Hình ảnh Madona trong album mới nhất "Rebel Heart"
Khi còn nhỏ, Madonna mong lớn lên trở thành ngôi sao điện ảnh hoặc nữ tu sĩ. Kể từ đó, Madonna tìm hiểu kỹ cả hai vai trò này thông qua quần áo mặc, từ Marilyn Monroe cho tới cô gái đẹp quyến rũ của thập niên 1950 với bản “Material Girl”, hay “Like a Prayer” và “Ray of Light”. Hình ảnh có tính định hình sự nghiệp của bà chắc chắn là bộ váy cưới bà mặc trên trang bìa của album thứ hai Like a Virgin với yếm nịt trắng, găng tay dài ren đăng ten, nữ trang thánh giá và thắt lưng Boy Toy. Arianne Phillips, nhà tạo mốt riêng nhiều năm cho Madonna đã mô tả chiếc váy cưới trắng tạo ra “một trong những thời điểm gây sốc, gây ảnh hưởng nhất trong lịch sử văn hoá/thời trang của nhạc pop và nói thêm rằng “thời trang đã thay đổi từ lúc đó".
Madonna Louise Ciccone ngay từ đầu đã cho rằng trang phục là một công cụ của nổi loạn. Tác động của việc mẹ bà mất vì ung thư vú khi Madonna mới năm tuổi được mọi người biết đến sau một lần trả lời phỏng vấn tạp chí Vanity Fair, Madona từng mô tả thời trẻ của mình như một “cô gái cô đơn đang tìm tòi một cái gì đó”.
Trong cuốn "Madonna một tiểu sử", tác giả Mary Cross mô tả Madona - người con gái cả của một gia đình 8 đứa trẻ đã không chịu mặc bộ đồ giống hệt nhau mà bà Joan Gustafson (người giúp việc sau này thành mẹ kế) thích mặc cho chị em nhà Ciccone, Madonna đã “cố tình mặc quần áo không ăn nhập với nhau và đi tất cọc cạch”.
Madona kể lại rằng: “Khi ở tuổi thiếu niên, tôi không có tính nổi loạn theo một nghĩa nào đó, tôi chú ý để mình là một người giỏi một việc gì đó, tôi không cạo lông nách và không trang điểm như các cô gái thường làm. Nhưng tôi đã học hành chăm chỉ và có được điểm cao… Tôi muốn khẳng định mình”.
Từng học múa tại Đại Học Michigan về Âm Nhạc, Kịch và Múa vào những năm 1970, cô gái ở Bay City này đã tới lớp và mặc quần nịt rách túm lại bằng ghim băng và “chủ trương tạo hình ảnh cố tình hở hang”.. Kết hợp áo lửng hở bụng, váy ngắn phủ ngoài quần lửng bó Capri, măng sét punk-rock và tất lưới, Madonna trẻ trung khi đó đã tạo ra cảm hứng của thời trang nửa sang trọng nửa bình dân với biểu tượng như găng ren, chuỗi ngọc trai và hạt cườm xếp rối, vòng tay cao su và đồ kim hoàn thánh giá do nhà tạo mẫu và nghệ sĩ Pháp Maripol làm việc ở thành phố New York thiết kế.
Về mặt hình ảnh của mình, Madonna luôn luôn được ủng hộ mạnh mẽ với bạn cùng gu kích động là Jean Paul Gaultier, người thiết kế chiếc áo nịt trong chuyến lưu diễn thế giới Blond Ambition của bà năm 1990. “Quan hệ lý tưởng của nhà thiết kế mẫu cho các ngôi sao nhạc rock là Madonna và Jean Paul Gaultier… một mối liên kết đôi bên cùng có lợi, tôi nghĩ rằng họ hiểu nhau nhiều,” Tim Blanks - Tổng biên tập của trang Large of Style.com bình luận.
Madonna mặc áo nịt hình chóp nón là một trong những hình ảnh khó quên nhất của thập niên 90
Vào những năm 90, hình ảnh Madonna mặc chiếc áo nịt chóp nón do Gaultier thiết kế là một trong những hình ảnh không thể nào quên được. Gaultier cũng chính là người thiết kế trang phục kimono lấy cảm hứng từ Memoirs of a Geisha mà Madona mặc trong video "Nothing Really Matters" và chuyến biểu diễn "Drowned World", cũng như đến nhận giải Grammys 1999 khi album "Ray of Light" đoạt bốn giải.
Mặc dù hiện đã hơn 60 tuổi, nữ hoàng nhạc pop (mà album cuối của bà, Rebel Heart mới phát hành ngoài bìa có hình mặt Madonna bị trói buộc bằng dây điện màu đen kiểu S&M) vẫn không đánh mất thói quen để hở những bộ phận của cơ thể. “Có qui định nào không nhỉ? Người ta có phải được coi như đã chết khi 40 tuổi không?” bà từng hỏi vậy trong một lần trả lời phỏng vấn với Jonathan Ross năm 1992, khi đó bà mới 34.
Jean Paul Gaultier là người thiết kế trang phục kimono cho Madona lấy cảm hứng từ Phim Memoirs of a Geisha
Mới đây, trong phần Hỏi và Đáp với tạp chí Rolling Stones (mà bà đưa ảnh bà chụp kiểu quyến rũ giống Marilyn lên trang bìa), Madona đã tranh luận về thực trạng kỳ thị tuổi tác trong văn hóa pop và các lĩnh vực khác. “Đây vẫn còn là một lĩnh vực nơi để người ta hoàn toàn có thể phân biệt đối xử với ai đó. Về tuổi của tôi, bất kỳ ai và mọi người có thể nói điều gì đó xấu xa về tôi. Và tôi luôn luôn nghĩ vì sao điều đó lại được chấp nhận? Có gì khác biệt giữa điều đó với phân biệt chủng tộc hoặc với bất kỳ sự phân biệt nào khác? Họ đang phán xét tôi vì tuổi tác tôi. Tôi không sao hiểu nổi. Tôi đang cố gắng hiểu xem tại sao lại như vậy. Bởi vì phụ nữ, nói chung, khi họ đã đến một tuổi nhất định, họ đã chấp nhận là họ không được phép cư xử theo một cách nào đó. Nhưng tôi không theo luật lệ này. Tôi chưa bao giờ theo, và tôi sẽ không bắt đầu tuân theo” – Madona nói.
Tuy nhiên, với tất cả sự coi thường thông lệ, thật ngạc nhiên là bà lại bảo thủ với quần áo của đứa con gái đầu. “Tôi luôn có hai phản ứng khi Lola đến phòng tôi với bộ đồ trên người. Một là, ‘Trời, con tôi trông đẹp quá, thật là một mốt tuyệt vời’ và rồi phản ứng thứ hai là, ‘Con tôi ăn mặc hoàn toàn không thích hợp để đến trường" - Madona thổ lộ trong một buổi trình diễn thời trang Material Girl cho hãng quần áo Macy’s. “Tôi phải nghĩ bằng hai bộ óc. Tôi thường bảo con cởi bỏ đôi giầy cao như cục gạch đi và kéo váy xuống một chút nữa, và bớt một ít mầu đen quanh mắt đi .Tôi là người mẹ điển hình khi tôi nói: “Trời, con không thể đến trường mà ăn mặc như thế này được”” - Madona thừa nhận.
Madona và con gái yêu Lola