Những ngày gần đây, thông tin Công ty Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường trong nước gây sự quan tâm của dư luận.
Trước thông tin phản ánh trên báo chí, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh, làm rõ các vi phạm để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Trên thực tế, hiện tượng gian lận thương mại thông qua ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Trước Asanzo, thương hiệu Khaisilk cũng bị phanh phui vì cắt mác Made in China đã dán nhãn Made in Vietnam.
Bên cạnh đó có trường hợp hàng hóa được sản xuất nhập khẩu từ nước ngoài hoặc đặt gia công tại nước ngoài nhưng lại gắn mác là hàng “Made in Vietnam” để gian lận thương mại, đánh lừa người tiêu dùng. Cũng có hiện tượng hàng hóa nước ngoài mượn xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam tham gia hoặc sử dụng xuất xứ hàng hóa làm phương tiện lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu.
Trước khi xảy ra nghi án Asanzo, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã từng đề cập thực tế là chúng ta chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên người tiêu dùng trong nước không có căn cứ để phân biệt thế nào là hàng “Made in Vietnam” và họ đang sử dụng hàng “Made in Vietnam” trên cơ sở tự nhận biết hoặc tin tưởng vào những nhãn hàng không được kiểm chứng.
Theo ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, việc xác định rõ ràng sản phẩm lắp ráp tại Việt Nam (Assembled in Vietnam) hay sản xuất tại Việt Nam (Made in Vietnam) đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay khi chúng ta đã tham gia vào CPTPP cũng như hàng loạt các FTA thế hệ mới. Nếu làm không đúng, Việt Nam sẽ bị đánh giá là để cho các doanh nghiệp lạm dụng nguồn gốc của quốc gia trong khi nguồn gốc Việt Nam đang được hưởng ưu đãi thuế trong nội khối CPTPP.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam chưa có quy định điều chỉnh việc hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam. Các quy định hiện hành dù đang được hoàn thiện để phù hợp với thực tế sản xuất và kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam nhưng phạm vi điều chỉnh chủ yếu là nhãn hàng hóa, chỉ dẫn địa lý và thương hiệu.
Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, do chưa có quy định về tiêu chí ghi nhãn nước sản xuất hàng hóa, khái niệm “hàng hóa Việt Nam” có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau: (a) hàng hóa có xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết hội nhập kinh tế quốc tế hoặc (b) hàng hóa có công đoạn sản xuất tại Việt Nam hoặc (c) hàng hóa có thương hiệu của Việt Nam.
Các khái niệm này tuy khác nhau nhưng thường bị nhầm lẫn. Trên thực tế, Thông tư 05/2018/TT-BCT đã quy định thế nào được coi là xuất xứ Việt Nam, nhưng Thông tư này Xuất phát từ thực tiễn trong nước và thế giới nêu trên, việc xây dựng quy định về hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam là cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý với mục tiêu phòng chống gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng.
Hiện, Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hoá. Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, trước mắt, việc ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên được áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện, tự kê khai. Tuy nhiên, khi cá nhân, tổ chức thực hiện ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam, hàng hóa bắt buộc phải đáp ứng tiêu chí và phải chứng minh việc đáp ứng tiêu chí đó khi được yêu cầu.
Trong trường hợp cá nhân, tổ chức ghi công đoạn sản xuất tại Việt Nam thì phải chứng minh được việc hàng hóa trải qua công đoạn sản xuất, gia công có phát sinh giá trị tại Việt Nam.