Mặc lệnh cấm, dân buôn tiền lẻ vẫn "tung hoành"

Huy Hùng| 30/01/2015 11:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bất chấp nghị định của Nhà nước về việc xử phạt hành vi đổi tiền lẻ, nhưng tại một số địa điểm, chủ kinh doanh vẫn ngang nhiên đổi tiền lẻ để thu lợi nhuận cá nhân. Không những thế càng gần dịp giáp Tết chênh lệch đổi tiền càng tăng chóng mặt từng ngày.

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Nghị định về việc xử phạt hành vi đổi tiền lẻ, theo đó, nếu bị phát hiện tổ chức hoạt động này sẽ bị phạt từ 20 đến 40 triệu đồng.

Tuy nhiên, tại các đền, chùa và các điểm đổi tiền lẻ, hoạt động trái phép này vẫn diễn ra công khai, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của di tích, làm sai lệch giá trị bản sắc văn hóa xã hội.

Để đảm bảo an ninh, trật tự an toàn, văn minh tại lễ hội dịp Tết Nguyên đán năm nay, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành công văn yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm tình trạng ép giá, bắt chẹt, đeo bám khách du lịch, ăn xin, trộm cắp và nhất là chấm dứt dịch vụ đổi tiền lẻ dưới mọi hình thức.

Đồng thời, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm cá nhân trước Ủy ban nhân dân thành phố nếu để xảy ra vi phạm trong mùa lễ hội năm 2015.

Ở thời điểm hiện tại ở một số địa điểm như phố Chùa Hà, Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Phủ Tây Hồ, Tăng Bạt Hổ, Phủ Doãn có thể được gọi là những điểm “nóng” trong hoạt động đổi tiền lẻ.

Mặc lệnh cấm, dân buôn tiền lẻ vẫn

Dịch vụ đổi tiền lẻ vẫn diễn ra ở nhiều tuyến phố, tuy nhiên các "dân buôn" đã đề cao cảnh giác hơn

Tại các cổng như chùa Hà (quận Cầu Giấy); chùa Phúc Khánh (quận Đống Đa)... các thùng kính không còn bày tiền lẻ như trước đây mà bên trong và thay bằng vàng tiền âm phủ để đánh lừa cơ quan chức năng.

Tại nhiều ki-ốt phố Chùa Hà, khi chúng tôi dừng xe hỏi, các chủ cửa hàng nhanh nhảu hỏi mệnh giá, số tiền và đợi "30 giây". Quả nhiên chưa đến 1 phút những tệp tiền lẻ còn mới nguyên với mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng và 2.000 đồng đã được đem ra.

Đáng nói hơn, những chủ cửa hàng này còn "giữ khách" và nói "đổi bao nhiêu cũng có, lần sau quay lại đổi nhiều sẽ có giá hữu nghị hơn em nhé".

Trái ngược với cảnh khan hiếm tiền lẻ trong các ngân hàng, ngoài thị trường, tiền lẻ lại “bạt ngàn”, muốn đổi bao nhiêu cũng có, miễn chấp nhận chênh lệch cao.

Hiện, tỷ lệ ăn chênh lệch tại các bàn đổi tiền lẻ đối với mệnh giá 500 đồng là “10 ăn 6”, mệnh giá 5.000 đồng, 10.000 đồng, 20.000 đồng tỷ lệ đổi là “10 ăn 9”, còn 2.000 đồng tỷ lệ đổi là “10 ăn 8”. 

Không chỉ có các loại tiền lẻ được chào mời, loại tiền giấy "hot" mệnh giá 10.000 - 20.000 đồng cũng được các chủ cửa hàng tại đây chào đón nhiệt tình. Một số loại tiền nếu không còn mới nguyên mà đã được sử dụng thì sẽ được đổi với mức phí rẻ hơn đôi chút.

Mặc lệnh cấm, dân buôn tiền lẻ vẫn

Khách hàng vẫn dễ dàng đổi được đầy đủ các mệnh giá theo đúng yêu cầu

Tại các tuyến phố có đền thờ, phủ... khi hỏi bất cứ người trông giữ xe, lái xe ôm hay bán vé số, bán nước để đổi tiền lẻ thì khách hàng cũng dễ dàng được "đổi ngay tại chỗ" hoặc chỉ dẫn đến nơi đổi tiền.

Mặc dù loại hình này diễn ra hàng ngày nhưng các "dân buôn tiền" vẫn luôn đề phòng khi nhìn thấy khách lạ và sẽ hỏi một vài câu như có ai giới thiệu tới đây, đổi tầm bao nhiêu...

Theo điều tra, ngoài các điểm đổi tiền truyền thống đang đi vào hoạt động ngầm, thì nay các trang rao vặt trên mạng cũng không công khai địa chỉ đổi tiền cụ thể để tránh bị phạt.

Tuy nhiên sau khi liên hệ thì khách hàng có thể dễ dàng đổi được bao nhiêu tùy ý, chỉ cần chốt mệnh giá, số lượng cần đổi và hẹn gặp là cuộc giao dịch đã thành công.

Trước tình trạng trên, ngoài biện pháp tuyên truyền, vận động, trong dịp cao điểm lễ Tết thì các cơ quan chức năng cần tổ chức những đoàn kiểm tra thì mới phát hiện và xử lý những cơ sở vi phạm tại các điểm "nóng" về đổi tiền lẻ vẫn đang "hoành hành" trên các tuyến phố Hà Nội này.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mặc lệnh cấm, dân buôn tiền lẻ vẫn "tung hoành"