“Ma rượu” xé nát tình máu mủ

Quỳnh Lâm| 02/08/2014 09:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngay từ sáng sớm, bà Trần Thị Thanh đã khăn gói đưa con gái là chị Nguyễn Thị Hương cùng người thân đến TAND TP.HCM tham dự phiên tòa sơ thẩm xét xử Nguyễn Chí Tài (SN 1990, ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM) về tội “Giết người”.

Chị Hương chính là vợ của bị hại trong vụ án, anh Nguyễn Văn Hòa (SN 1987). Khi vừa đến cổng tòa, bà Thanh thoáng chút lo sợ, bởi, đây là lần đầu tiên bà đặt chân đến chốn công đường.

Án mạng đau lòng

Phiên tòa chưa bắt đầu, bà Thanh nhìn con gái mà không cầm được nước mắt: “Từ ngày Hòa qua đời, Hương quá sốc nên trở nên cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ. Nhiều khi, có người hỏi về hai đứa con còn nhỏ, Hương lại bảo, tôi còn con gái, không có con nào hết”. Đưa mắt nhìn qua khe cửa kính, thấy Tài đang ngồi ở băng ghế gỗ dài trước vành móng ngựa, bà đau lòng kể lại bi kịch của gia đình mình.

“Ma rượu” xé nát tình máu mủ

 

Bị cáo Tài trong phiên tòa sơ thẩm

 

Anh Hòa là cháu rể, gọi Tài bằng cậu. Ngay từ nhỏ, Tài khá hỗn láo, thích tụ tập với đám bạn xấu. Gã thường tham gia vào những trận đánh nhau tại địa phương. Gia đình cũng buồn vì không nói nổi đứa con trai. Có lần, gã còn cầm gậy rượt đánh cả anh trai. Vào đầu năm 2008, không có tiền tiêu xài, gã đi ăn trộm. Tuy nhiên, khi vừa “thó” tài sản của người khác thì bị bắt gặp. Vào tháng 2 năm đó, gã bị TAND quận Thủ Đức tuyên phạt 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 2 năm về tội “Trộm cắp tài sản”.

Cứ ngỡ, đó là bài học lớn cho gã thanh niên mới lớn. Thế nhưng chưa trọn một năm, Tài lại tham gia cướp tài sản và bị công an bắt giữ. Lần này, gã bị TAND quận Thủ Đức tuyên phạt 5 năm tù giam về tội Cướp tài sản. Tổng cộng hình phạt trước đó, gã phải chịu án 6 năm tù giam. Đến ngày 17/2/2013, gã được mãn hạn tù.

Bà Thanh cũng như người thân rất mong rằng, sau những tháng ngày tù tội, Tài sẽ trở thành một thanh niên tử tế. Thế nhưng, niềm mong đợi ấy không thành hiện thực, gã trở nên lầm lì, ít nói và luôn tỏ ra khó gần. Nhiều người dân tại địa phương đều “cạch” mặt gã. Dường như, biết được những điều này, gã cũng cố làm lại cuộc đời của mình bằng cách đi làm thợ sơn. Do tay nghề vẫn còn khá yếu nên mức lương gã nhận được chỉ đủ cho những bữa nhậu nhẹt vào buổi đêm.

Khoảng 21h ngày 24/12/2013, Tài cùng anh Hòa và một người nữa tổ chức nhậu mừng lễ giáng sinh tại hẻm 63, đường Ngô Chí Quốc, phường Tam Bình, quận Thủ Đức. Bữa nhậu diễn ra vui vẻ cho đến khi Tài thấy bạn gái chở mẹ đi ngang. Không cần từ biệt hai người ngồi chung bàn, Tài chạy đến ôm hôn bạn gái. Cô gái ngại ngần với mọi người nên đẩy ra và trách người yêu rồi cả hai xảy ra cãi vã. Tức giận, Tài về nhà lấy búa quay lại đập cửa nhà bạn gái. Khi mẹ bạn gái khuyên nhủ, gã quay lưng bỏ về bàn nhậu miệng vẫn còn lẩm nhẩm chửi rủa.

Vừa nâng ly, anh Hòa vừa trêu: “Bộ ông đi tù về thiếu thốn quá hay sao mà lại quen người như vậy?”. Tài cho rằng cháu rể đang xỉa xói mình nên cự cãi. Lúc này, chị Hương đến khuyên cậu đêm đã khuya nên về ngủ sớm để mai đi làm. Tài không nghe theo, cầm ba chai bia ném xuống đường. Anh Hòa bênh vợ: “Cậu không nghe thì thôi, bộ tính đánh vợ của con hay sao?”.

Tài im lặng bỏ về nhà. Lúc này, anh Hòa cũng đã chấp choáng hơi men, đi theo, nhắc đi nhắc lại về việc Tài vừa đi tù về. Cơn giận trong Tài bùng phát thành lửa giận nên chạy vào nhà lấy hai con dao nắm ở hai tay chạy ra bảo: “Mày muốn gì?”. Lời nói chưa kịp dứt cũng là lúc Tài xông đến đâm vào ngực khiến anh Hòa ngã quỵ. Lúc này, người bạn ngồi trong bàn nhậu giằng lấy con dao trên tay Tài. Tài thấy máu trên người anh Hòa chảy rất nhiều, lo sợ và chạy trốn. Đến hôm sau, Tài đến công an đầu thú. Riêng anh Hòa dù được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương bị thủng phổi, thủng tim nên đã trút hơi thở cuối cùng.

Vỡ tan một mái ấm

Đêm đó, bà Thanh vui mừng vì bán được nhiều hàng. Bà nghĩ trong đầu, khi về nhà sẽ mua một ít quà để cho người thân mừng noel. Chừng 22h, bà giật bắn mình khi nhận được điện thoại của chị Hương: “Anh Hòa bị cậu Tài đâm máu chảy ghê lắm mẹ ơi!”. Không cần nghĩ ngợi gì, bà vội vã chạy về nhà. Lúc này, bà được mọi người cho biết anh Hòa đã chết và đang nằm trong nhà xác. Bà ngã quỵ khi thấy con gái người đầy máu ôm chầm thi hài con rể khóc lóc thảm thiết.

Gia đình bà quá nghèo mà nhà anh Hòa cũng không khấm khá gì nên không có tiền để nhận thi thể của nạn nhân từ nhà xác. Người thân chạy vạy khắp nơi nhưng vẫn bất lực. Đến trưa hôm sau, mẹ Tài mang đến 20 triệu đồng thì gia đình mới có tiền nhận thi thể về.

Trong suốt mấy ngày đám tang, cả gia đình bà Thanh lẫn gia đình sui gia suy nghĩ rất nhiều về việc nên chôn hay nên hỏa táng anh Hòa. Cuối cùng, tính thiệt hơn, cả hai bên chấp nhận hỏa táng vì giảm bớt một phần chi phí lại có thể đem tro cốt về quê để thờ cúng. Đến nay, tro cốt của anh được cha mẹ ruột rước về ở miền Tây.

Nhìn sang chị Hương, bà Thanh lại rấm rức khóc. Bà cho biết, từ khi đám tang chồng xong, chị như người mất hồn, suốt ngày ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Thấy hoàn cảnh con gái như thế, bà xót lòng dẫn hai đứa cháu, đứa lớn bốn tuổi, đứa nhỏ hai tuổi về nuôi. Thỉnh thoảng, chị Hương tỉnh lại giúp bà trông con hoặc đi làm thuê, còn khi ngơ ngơ, bà lại chăm cả ba người. Mỗi khi có vài đồng trong tay, chị Hương lại mua rượu bỏ vào túi ni lông uống như nước lọc.

Chị uống cho say để quên sầu. Không chỉ thế, nhiều khi ngơ ngẩn, chị uống rượu rồi bỏ đi cả mười ngày, nửa tháng, ngủ bụi, ngủ bờ. Khi tỉnh, chị quay trở về nhà thân tàn ma dại. “Không biết có phải do uống rượu nhiều không mà bây giờ, có khi Hương còn không nhận ra con của mình. Có lúc, có người hỏi con đâu, Hương lại bảo, tôi làm gì có con”, bà cay đắng kể. Đưa tay lau vội dòng nước mắt, bà Thanh nghẹn ngào: “Khi Hòa qua đời, Hương mang thai đứa con thứ ba. Hai đứa cháu tôi còn không nuôi nổi thì nói gì đến đứa thứ ba. Suy nghĩ nhiều lắm, cuối cùng, tôi đành nuốt nước mắt vào lòng dẫn con gái đi phá thai”. Nói đến đây, tay chân bà run rẩy. Có lẽ, bà đã giấu điều này vào trong tâm khảm từ lâu, nay nhắc lại vượt mức chịu đựng.

Bên cạnh đó, bà cho biết, hai đứa cháu ngoại còn nhỏ nhưng khá ngoan. Đứa nhỏ khi cha qua đời còn quá bé nên chưa biết điều gì. Riêng đứa lớn, nhìn thấy cha bị bỏ vào quan tài nên bây giờ, mỗi khi thấy có đám tang, cháu lại nằng nặc đòi người lớn đuổi theo và bảo: “Cha con ở trong đó. Bà cho cháu đi theo cha”. Không chỉ thế, nhiều đêm, cháu nhớ cha, ngồi dậy khóc thét gọi tên cha. Lòng bà thấy cảnh này như xé nát tâm can.

* Tên nạn nhân và những người liên quan đã được thay đổi.

Gây án vì “vết thương lòng” bị khoét sâu

Phiên tòa diễn ra khá chóng vánh vì Tài thừa nhận hết hành vi phạm tội. Tài khai, anh Hòa thách đánh nhau nhưng bị cáo bỏ về. Anh Hòa vẫn tiếp tục thách thức: “Ở tù mà sao nhát gan vậy?”. Việc từng ở tù bị anh Hòa nhắc đi nhắc lại như khoét sâu vào một vết thương lớn. “Bị cáo giận và có hơi men nên không kiềm chế được”, Tài nói. Vị chủ tọa thở dài: “Là người thân trong nhà, có gì thì nhỏ nhẹ khuyên nhủ nhau, tại sao lại xử sự bằng dao. Chỉ vì một câu nói, bị cáo không chỉ tước đi sinh mạng của anh Hòa mà còn gây ra bao nhiêu đau thương, mất mát”.

 

Trả một cái giá quá đắt

Giờ nghị án kết thúc, HĐXX nhận định, hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng. Bị cáo đã xâm hại trực tiếp đến tính mạng của người khác, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, do đó cần phải xử nghiêm để giáo dục riêng và phòng ngừa chung. Những tình tiết giảm nhẹ như đầu thú, thành khẩn khai báo, hối hận, người thân có công với cách mạng… chỉ có thể giúp bị cáo thoát khỏi án tử. Bị cáo thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm nên tòa quyết định phạt mức án chung thân về tội “Giết người”.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Ma rượu” xé nát tình máu mủ