Lý Sơn trang nghiêm tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa

Minh Quân| 20/04/2019 14:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 20/4 (tức 16/3 ÂL), tại di tích Quốc gia Đình làng An Vĩnh, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi), chính quyền và đông đảo người dân trên đảo Lý Sơn trang nghiêm tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa.

Việc tổ chức này nhằm tưởng nhớ, tri ân các binh phu Hoàng Sa năm xưa đã phụng lệnh triều đình vượt sóng ra khơi để dựng bia, cắm mốc khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong văn tế được ông Nguyễn Văn Phúc, thay mặt cho con cháu các họ tộc trên đảo Lý Sơn đọc tại buổi lễ đã phần nào khắc họa hình ảnh và số phận của những người đi lính Hoàng Sa năm xưa khi những người này “có đi mà không có về” và cho đến tận bây giờ, người dân trên đảo Lý Sơn vẫn còn truyền nhau những câu ca: Hoàng Sa trời nước mênh mông. Người đi thì có mà không thấy về. Hoàng Sa mây nước bốn bề. Tháng ba khao lề thế lính Hoàng Sa.

Lý Sơn trang nghiêm tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa

Đại diện các họ tộc trên đảo Lý Sơn đọc sớ tưởng nhớ công lao các bậc tiền nhân tại buổi lễ.

Được biết, vào thế kỷ 17, triều đình nhà Nguyễn đã tổ chức tuyển chọn những trai tráng khỏe mạnh, giỏi bơi lội sung vào đội Hoàng Sa để ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thu lượm sản vật, đo đạc hải trình, vẽ bản đồ và bảo vệ chủ quyền. Chính vì ra khơi gặp nhiều rủi ro bất trắc, cư dân đảo Lý Sơn đã tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa hàng năm để những hùng binh Hoàng Sa lên đường đi làm nhiệm vụ yên lòng.

Kể từ đó đến nay, lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa năm nào cũng được tổ chức nhằm tưởng nhớ, tri ân các binh phu Hoàng Sa năm xưa đã phụng lệnh triều đình vượt sóng ra khơi để dựng bia, cắm mốc khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Lý Sơn trang nghiêm tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa

5 mô hình thuyền câu (loại thuyền đội Hoàng Sa dùng đi biển năm xưa) trong khoang lái có hình nhân làm bằng giấy, và phẩm vật được đặt trước các ban thờ.

Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn ghi chép rằng: “Đặt đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, đi bằng những chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển khoảng 3 ngày 3 đêm thì đến nơi. Mỗi chuyến đi dài 6 tháng trên biển đầy rủi ro bất trắc.

Chính vì vậy mà mỗi người lính trước khi đi ra Hoàng Sa phải chuẩn bị sẵn cho mình 1 đôi chiếu, 3 sợi dây mây, 7 cái đòn tre và 1 thẻ tre. Nếu gặp chuyện chẳng lành thì chiếu dùng để bó xác, đòn tre dùng để làm nẹp và lấy dây mây bó lại. Chiếc thẻ tre ghi rõ tên tuổi, quê quán, phiên hiệu đơn vị của người xấu số được cài kỹ trong bó xác, đó là dấu hiệu để đồng đội và thân nhân nhận ra họ. Với những chuyến đi đầy bất trắc nên người dân Lý Sơn có câu ca: Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn. Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây”.

Lý Sơn trang nghiêm tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa

Tiếng ốc U được thổi lên để tưởng nhớ những hùng binh Hoàng Sa.

Tại buổi lễ, để khắc họa lại hình ảnh của những người lính năm xưa người dân đã chuẩn bị sẵn 3 ban thờ đặt đồ tế như thịt heo, gà, muối, bánh khô…,bài vị các Cai đội và chiến sỹ Hoàng Sa. Trước các ban thờ là 5 mô hình thuyền câu (loại thuyền đội Hoàng Sa dùng đi biển năm xưa) trong khoang lái có hình nhân làm bằng giấy. Trên thuyền có đặt linh vị của người lính Hoàng Sa, cùng các vật lễ mà binh phu Hoàng Sa phải mang theo khi vượt sóng ra khơi.

Sau lễ tế ở đình làng An Vĩnh là nghi thức thả thuyền tế ra biển, những thuyền này được đưa ra biển thả trôi theo dòng nước với mong ước cầu cho vong linh những người lính trong đội Hoàng Sa năm xưa được siêu thoát; cầu mong cuộc sống yên bình cho mỗi cá nhân và cả cộng đồng dân cư trên đất đảo Lý Sơn, đặc biệt là những người đi biển.

Lý Sơn trang nghiêm tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa

Sau lễ tế ở đình làng An Vĩnh là nghi thức thả thuyền tế ra biển.

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa góp phần phản ánh về lịch sử bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng Biển Đông, đặc biệt là chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của các binh thuyền đội Hoàng Sa, Trường Sa, góp phần khơi dậy lòng yêu nước, bảo tồn các giá trị văn hóa của cha ông, đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ con cháu.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng của di sản văn hóa này, năm 2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lý Sơn trang nghiêm tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa