Lùi thời gian khai thác thương mại đường sắt Nhổn - ga Hà Nội

Thảo Nguyên| 13/03/2023 13:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hà Nội sẽ lùi thời gian khai thác thương mại đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội vào tháng 8/2023.

UBND TP Hà Nội vừa báo cáo Thủ tướng về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn - ga Hà Nội.

Để khai thác thương mại đoạn trên cao tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, TP dự kiến hoàn thành gói thầu CP5 tại khu Depot vào tháng 5/2023 và nhóm công việc nghiệm thu bàn giao, chứng nhận an toàn hệ thống vào tháng 8/2023.

Đồng thời, các đơn vị liên quan còn tổ chức giai đoạn vận hành thử cho 57 kịch bản vận hành, bảo trì theo lịch chạy tàu 3 ca/ngày, 7 ngày/tuần, thời gian này dự kiến trong 8 tuần, bắt đầu từ tháng 5/2023 đến tháng 6/2023.

Lùi thời gian khai thác thương mại đường sắt Nhổn - ga Hà Nội

Tàu đỗ tại Depot Nhổn. Ảnh: Giang Huy

Trước đó, tháng 8/2022, trong buổi làm việc với TP Hà Nội và các đơn vị liên quan, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, trách nhiệm khiến dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội chậm tiến độ, đội vốn thuộc về chủ đầu tư, TP Hà Nội, đơn vị tư vấn, nhà thầu. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành và Hà Nội được ông đánh giá "chưa hiệu quả", vướng mắc phát sinh không kịp thời được xử lý. "Nếu không có giải pháp quyết liệt thì dự án có thể tiếp tục kéo dài và xuất hiện các vấn đề khác".

Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km, gồm 8,5km trên cao và 4km đi ngầm, đi qua quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm. Depot đặt tại Nhổn có diện tích 15 ha.

Dự án Metro Nhổn - ga Hà Nội được TP Hà Nội được khởi công tháng 9/2010. Tại thời điểm khởi công dự án có tiến độ hoàn thành năm 2016 với tổng mức đầu tư 18.408 tỷ đồng, chủ yếu vốn vay ODA của Chính phủ Pháp. Sau nhiều lần điều chỉnh tổng mức đầu tư vào các năm 2016-2018, dự án có tổng mức đầu tư lên trên 30.000 tỷ đồng (tăng 63%). Vào tháng 5/2022, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết dự án phải lùi thời gian vận hành toàn tuyến đến năm 2029, tổng mức đầu tư được đề xuất tăng thêm 4.905 tỷ đồng.

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, mạng lưới đường sắt đô thị gồm 8 tuyến với tổng chiều dài 318km.

- Tuyến số 1: Ngọc Hồi - Yên Viên - Như Quỳnh, dài khoảng 38,7km.

- Tuyến số 2: Nội Bài - Trung tâm thành phố - Thượng Đình, dài 35,2km, là xương sống cho khu vực đô thị hiện tại và tương lai, kết nối với tuyến số 2A.

- Tuyến số 3: Nhổn - ga Hà Nội - Hoàng Mai dài 21km, sau năm 2020 sẽ phát triển tuyến số 3 tới Sơn Tây, tổng chiều dài dự kiến là 48km.

- Tuyến số 4: Đông Anh - Sài Đồng - Vĩnh Tuy/Hoàng Mai - Thanh Xuân - Bắc Từ Liêm - Thượng Cát - Mê Linh. Tuyến dài 53,1km, có dạng vòng tròn, kết nối với các tuyến số 1, 2, 3 và 5.

- Tuyến số 5: Nam Hồ Tây - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc, dài 34,5km.

- Tuyến số 6: Nội Bài - Khu đô thị mới phía Tây Ngọc Hồi, kết nối với tuyến số 4 tại Cổ Nhuế và tuyến số 7 tại Dương Nội, dài 43km.

- Tuyến số 7: Mê Linh - Đô thị mới phía Tây Nhổn - Vân Canh - Dương Nội, kết nối với tuyến số 4 tại đoạn Đại Mạch và Tây Tựu, với tuyến số 6 tại đoạn Dương Nội, dài khoảng 35km.

- Tuyến số 8: Cổ Nhuế - Vành Đai 3 - Lĩnh Nam - Bát Tràng - Dương Xá, dài khoảng 28km.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lùi thời gian khai thác thương mại đường sắt Nhổn - ga Hà Nội