Đề nghị Ban soạn thảo Luật báo chí (sửa đổi) rà soát lại các quy định về giấy phép và thủ tục thông báo, tránh can thiệp quá sâu vào hoạt động của các cơ quan báo chí.
Chiều 17/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi). Các ý kiến nhất trí cho rằng cần sửa Luật, bởi sau 15 năm thực hiện, luật hiện hành bộc lộ nhiều bất cập, trở thành “cái áo quá chật” trong điều kiện báo chí phát triển như hiện nay.
Đánh giá cao Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son trình bày trong việc nêu thẳng thắn những tồn tại cần điều chỉnh để hoạt động báo chí đúng theo khuôn khổ pháp luật nhưng có ý kiến đề nghị Tờ trình cũng cần đánh giá mặt tích cực, sự đóng góp của báo chí trong quá trình phát triển của đất nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 17/9
Quy định về giấy phép, thủ tục tránh can thiệp quá sâu
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và tự do báo chí được hiến định nên việc sửa luật là để công dân thực hiện được quyền tự do đó, cũng như để hoạt động báo chí đáp ứng yêu cầu.
Tuy vậy, dự thảo luật chỉ đi sâu vào nghề làm báo và để quản lý báo chí, còn việc làm sao để công dân được đảm bảo quyền tự do báo chí của mình là chưa thể hiện rõ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng nhấn mạnh quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận trên báo chí là vấn đề lớn. Nếu hiểu đây là hai phạm trù khác nhau và gắn với chủ thể khác nhau là không đúng. Do đó, cần xác định rõ lại nội hàm để quy định cho đúng với tinh thần Hiến pháp cũng như công ước quốc tế.
Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) quy định đến 9 nội dung cấp giấy phép và 4 nội dung phải thông báo với sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí.
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật, ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTTNNĐ) cho rằng, quy định như vậy làm tăng thủ tục hành chính, giảm tính chủ động của cơ quan báo chí, hạn chế quyền tự do báo chí.
Thường trực Uỷ ban VHGDTTNNĐ đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại các quy định về giấy phép và thủ tục thông báo, tránh can thiệp quá sâu vào hoạt động của các cơ quan báo chí, tăng quyền tự chủ cho các cơ quan báo chí, tạo điều kiện để cơ quan báo chí hoạt động sáng tạo và chủ động phù hợp với năng lực và chiến lược phát triển của họ.
Cấm gì thì luật phải quy định
Điều 10 dự thảo Luật kế thừa quy định về những nội dung không được thông tin trên báo chí của Luật hiện hành, đồng thời bổ sung thêm những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí.
Cơ quan thẩm tra dự án luật cho rằng quy định về những nội dung và hành vi bị cấm là hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, nên cần phải quy định cụ thể, minh bạch ngay trong Luật theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, điểm i khoản 2 và khoản 3 lại ủy quyền cho Chính phủ quy định thêm các hành vi cấm khác và quy định chi tiết hướng dẫn thi hành ở các văn bản dưới luật là không phù hợp.
“Bên cạnh đó, hiện nay, có một số báo đưa tin, bài, hình ảnh có nội dung không phù hợp với tâm sinh lý và sự phát triển của trẻ em. Thường trực Uỷ ban đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung nội dung này vào quy định cấm”, ông Đào Trọng Thi nói.
Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết quá nhiều nội dung (12 điều, khoản), trong đó có những điều khoản không chỉ đơn thuần là thủ tục mà còn có nội dung mang tính quy phạm. Điều này không đúng với tinh thần Điều 14 Hiến pháp 2013.
Vì vậy, Thường trực Uỷ ban VHGDTTNNĐ đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại các điều, khoản giao Chính phủ quy định chi tiết; những nội dung hạn chế quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí phải được đối chiếu với quy định của Hiến pháp về các trường hợp hạn chế quyền con người, quyền công dân theo hiến định và phải được quy định ngay trong Luật.