Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) khi được thông qua sẽ là cơ sở pháp lý để đổi mới tổ chức và hoạt động của TAND theo hướng hợp lý, khoa học; hiện đại về cơ cấu tổ chức, phương tiện làm việc.
Đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay trong tổ chức và hoạt động của Toà án; bảo đảm cho Tòa án thực hiện tốt chức năng xét xử, thực hiện quyền tư pháp; phục vụ có hiệu quả công cuộc đổi mới của đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.
Những hạn chế của Luật Tổ chức TAND hiện hành
Thực tiễn thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2002, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm TAND năm 2002, Pháp lệnh tổ chức TAQS năm 2002 cho thấy, tổ chức và hoạt động của các TAND ở nước ta đang chứa đựng, bộc lộ những khiếm khuyết, bất cập, chồng chéo nhau về nhiệm vụ, thẩm quyền, chưa theo kịp với sự phát triển và đòi hỏi của xã hội. Nguồn nhân lực, cơ sở vật chất của các Tòa án còn thiếu thốn, nhất là ở các Tòa án cấp huyện. Những khiếm khuyết, bất cập trong tổ chức và hoạt động của Tòa án đã làm hạn chế vai trò và sự phát triển của cơ quan Tòa án với tư cách là một thiết chế cơ bản trong việc thực hiện quyền lực tư pháp của quốc gia. Chính vì vậy, chất lượng xét xử của các Tòa án chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của xã hội.
Các chuyên gia pháp lý, các nhà khoa học góp ý vào Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)
Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, bất cập nêu trên xuất phát từ các quy định của pháp luật hiện hành về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Tòa án từng cấp chưa hợp lý, chưa phù hợp với các nguyên tắc về tổ chức và hoạt động của cơ quan tư pháp. Các TAND cấp tỉnh, cấp huyện hiện nay đang được tổ chức theo địa giới hành chính nên được coi là các Tòa án địa phương. Địa vị pháp lý của TANDTC chưa được xác định rõ ràng và được tổ chức như một cơ quan ngang Bộ; việc phân định thẩm quyền của các cấp Toà án còn chồng chéo. Từ đó, việc xử lý các vấn đề về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, công tác cán bộ và bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động của Tòa án, chế độ, chính sách cho Thẩm phán, Hội thẩm và cán bộ, công chức Tòa án còn nhiều bất cập, không tương xứng với vị trí, vai trò của cơ quan Tòa án trong bộ máy Nhà nước, chưa đáp ứng được các nguyên tắc cơ bản về tổ chức và hoạt động của TAND theo tinh thần cải cách tư pháp, trong khi đó Tòa án được xác định là trung tâm, xét xử là trọng tâm của hoạt động tư pháp.
Nâng cao vị trí, vai trò của Tòa án trong Nhà nước pháp quyền
Theo Hiến pháp mới, TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp; có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, nhiều nội dung quan trọng về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của TAND, về Thẩm phán TAND đã được bổ sung. Để vừa thể hiện bản chất nhân dân của Tòa án nước ta, vừa bảo đảm sự thể hiện thống nhất trong Hiến pháp, TANDTC đã xây dựng Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) bám sát Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị “về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”; Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra”; Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện chủ trương tổ chức TAND theo cấp xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính… Đây là những nội dung lớn đã được cụ thể hóa trong dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), trong đó, việc xác định rõ nội hàm quyền tư pháp (quy định tại Điều 2 của Dự thảo Luật) và cơ chế để TAND thực hiện có hiệu quả quyền tư pháp đã được thể hiện rõ nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của TAND xứng tầm là cơ quan được giao thực hiện quyền tư pháp.
Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) xây dựng tổ chức hệ thống Tòa án theo thẩm quyền xét xử, bảo đảm nguyên tắc độc lập trong hoạt động. Các Tòa án được tổ chức trong một hệ thống thống nhất là hệ thống TAND, gồm các TAND và các TAQS. Trường hợp có thành lập các Toà chuyên trách để giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm đối với một số loại vụ việc có tính chất đặc thù thì các Tòa này cũng nằm trong hệ thống TAND và do TANDTC thống nhất quản lý. Việc xác định các Tòa án được tổ chức thành một hệ thống thống nhất là điều kiện cơ bản để xác lập địa vị pháp lý chính xác của các Tòa án - với tư cách là cơ quan Nhà nước duy nhất thực hiện quyền tư pháp - một trong ba quyền lực cơ bản của Nhà nước, đây là phương thức để nâng cao vị trí, vai trò của Tòa án trong Nhà nước pháp quyền. Dự thảo Luật cũng nêu rõ các điều kiện để kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị của đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh tư pháp khác trong TAND, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xét xử. Bên cạnh đó, Dự thảo cũng quy định rõ cơ chế để bảo đảm chế độ, chính sách đãi ngộ đối với Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh tư pháp khác trong hệ thống TAND tương xứng với vị trí, vai trò và đặc thù của công tác xét xử; bảo đảm để Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh tư pháp khác không bị chi phối bởi các quan hệ xã hội và sự tác động bởi các yếu tố lợi ích tiêu cực.
Hiện tại, Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) về cơ bản đã hoàn thiện và đảm bảo thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách tư pháp cũng như các quy định của Hiến pháp năm 2013 về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của TAND. Theo kế hoạch, Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) sẽ được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 8 (dự kiến khai mạc vào ngày 20/10/2014). Cho đến thời điểm này, Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) nhận được sự đồng thuận cao của các đại biểu Quốc hội, của các cơ quan có thẩm quyền và ban ngành ở Trung ương, địa phương. Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) khi được thông qua sẽ là cơ sở pháp lý để đổi mới tổ chức và hoạt động của TAND theo hướng hợp lý, khoa học; bảo đảm cho Tòa án thực hiện tốt chức năng xét xử, thực hiện quyền tư pháp của quốc gia; phục vụ có hiệu quả công cuộc đổi mới của đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.