Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) - Cơ sở quan trọng để hệ thống Tòa án các cấp hoàn thành nhiệm vụ được giao

Hoàng Thanh| 28/03/2014 20:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc xác định rõ ràng, đúng, đủ chức năng, nhiệm vụ của Tòa án trong Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) là vấn đề quan trọng, là cơ sở pháp lý để Tòa án thực hiện có hiệu quả vai trò là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp.

 Đây cũng là quy định pháp lý để cá nhân, tổ chức yêu cầu Tòa án bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình…

Luật Tổ chức TAND năm 2002 ngoài bất cập về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và mô hình tổ chức của hệ thống Tòa án nói chung còn cho thấy có những vấn đề chưa rõ ràng về phân định thẩm quyền và nhiệm vụ của Tòa án các cấp. Dễ thấy nhất là theo quy định thẩm quyền xét xử của mỗi Tòa án được xác định vừa theo lãnh thổ vừa theo tính chất các vụ việc và thủ tục giải quyết, xét xử các vụ án. Trong đó, TAND cấp huyện có thẩm quyền xét xử sơ thẩm, còn lại các Tòa án cấp trên đều có thẩm quyền xét xử hỗn hợp, vừa phúc thẩm, vừa giám đốc thẩm (như TANDTC), hoặc vừa xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, vừa giám đốc thẩm, tái thẩm (Tòa án cấp tỉnh). Điều này là không thể hiện đúng, chính xác tính chất hoạt động, vai trò, vị trí của Tòa án mỗi cấp quy định trong hệ thống Tòa án. Chưa nói đến việc có quá nhiều cơ quan có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm (gồm 63 Tòa án cấp tỉnh, 5 Tòa chuyên trách của TANDTC và Hội đồng Thẩm phán TANDTC) khiến cho mục tiêu thống nhất trong việc áp dụng pháp luật và xác định đường lối xét xử chung của chế định giám đốc thẩm, tái thẩm bị ảnh hưởng. Về chế định Thẩm phán: Quy định về tiêu chuẩn để bổ nhiệm Thẩm phán quy định tại khoản 1 Điều 5 của Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm TAND năm 2002 là “có năng lực làm công tác xét xử” còn chung chung, định tính và chưa hợp lý. Quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Thẩm phán còn rườm rà; phải có ý kiến của nhiều cơ quan, đơn vị liên quan, trong khi hướng dẫn về các vấn đề cụ thể có lúc lại chưa kịp thời, rõ ràng dẫn đến việc bổ nhiệm còn chậm trễ.

Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) - Cơ sở quan trọng để hệ thống Tòa án các cấp hoàn thành nhiệm vụ được giao

Một buổi Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) tại TANDTC (Ảnh: Trần Minh Giang)

Về cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động của các Tòa án hiện nay còn thiếu thốn, bất cập, nhất là ở cấp huyện nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu công tác xét xử trong điều kiện cải cách tư pháp. Chế độ tiền lương của cán bộ, công chức Tòa án còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt chung và chưa có chính sách đãi ngộ đặc thù nên chưa thực sự động viên, khuyến khích được đội ngũ cán bộ, công chức tận tâm, cống hiến và gắn bó lâu dài với ngành, đồng thời chưa có tác dụng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào công tác trong hệ thống Tòa án, đặc biệt là những Tòa án ở các địa phương vùng sâu, vùng xa.

Để bảo đảm TAND là cơ quan thực hiện quyền tư pháp theo Hiến pháp năm 2013, đồng thời tiếp tục thực hiện cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, Dự thảo Luật Tổ chức TAND đã và đang được nghiên cứu sửa đổi một cách toàn diện, tổng thể. Trong đó, Dự thảo quy định hệ thống Tòa án 4 cấp, gồm: TANDTC; TAND cấp cao; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các TAND sơ thẩm khu vực. Sự đổi mới rõ ràng, quan trọng là TANDTC sẽ không còn thẩm quyền xét xử phúc thẩm; vì vậy sẽ không còn các Tòa phúc thẩm trong cơ cấu tổ chức của TANDTC. Theo đó, TANDTC sẽ tập trung nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật, giải thích pháp luật và phát triển án lệ; giám đốc việc xét xử của TAND cấp dưới theo quy định của pháp luật tố tụng; phúc thẩm các bản án, quyết định phúc thẩm của TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bị kháng cáo, kháng nghị. TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm các bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của TAND sơ thẩm khu vực bị kháng cáo, kháng nghị; xét xử sơ thẩm một số loại vụ án không thuộc thẩm quyền của TAND sơ thẩm khu vực. TAND sơ thẩm khu vực được thành lập không theo đơn vị hành chính cấp huyện, có thẩm quyền xem xét sơ thẩm những vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng và giải quyết những việc khác theo luật định. Quy định như vậy theo chúng tôi là khách quan, khoa học, bảo đảm hiệu lực và hiệu quả của hệ thống Tòa án các cấp.

Để đáp ứng yêu cầu của bộ máy nêu trên, nguồn nhân lực là một vấn đề quan trọng. Theo đó, Dự thảo Luật quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán rất cụ thể, rõ ràng và có sự đổi mới quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm Thẩm phán theo hướng mở rộng đối tượng tham gia tuyển chọn Thẩm phán, kể cả ứng viên là người ngoài ngành Tòa án. Đây là một quy định cần thiết. Tuy nhiên, theo tôi, chế định về Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán cần phải được đổi mới, phù hợp với nhu cầu tuyển chọn, không nên mang tính hình thức. Cần sửa đổi cơ chế bổ nhiệm theo hướng những người trúng tuyển kỳ thi quốc gia nếu có đủ các tiêu chuẩn khác mà pháp luật quy định sẽ được Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước quyết định bổ nhiệm làm Thẩm phán; riêng đối với Thẩm phán TANDTC, theo Dự thảo có không quá 17 Thẩm phán. Bởi tính chất công việc đặc thù, cần người có năng lực, trình độ và nhất là kinh nghiệm, vì vậy việc tăng tuổi làm việc của Thẩm phán là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, tăng 5 năm hay 10 năm cần phải có cơ sở thuyết phục, thậm chí có lộ trình.

Bên cạnh đó, nhất thiết phải đổi mới chế độ tiền lương đối với Thẩm phán, trên cơ sở yêu cầu của Nghị quyết số 49-NQ/TW “có chế độ, chính sách tiền lương, khen thưởng phù hợp với lao động của cán bộ tư pháp”, theo hướng phải ban hành quy định riêng về thang bảng lương cho các ngạch Thẩm phán khác với thang bảng lương của công chức hành chính; đồng thời có tính đến yếu tố chất lượng công việc để khắc phục những bất hợp lý của cơ chế hiện nay. Mức lương Thẩm phán (khi đã được tính cả các phụ cấp và chế độ khác) cần bảo đảm cuộc sống của bản thân và gia đình. Chỉ khi có cuộc sống bảo đảm và cùng với các điều kiện làm việc không quá khó khăn như hiện nay, đội ngũ Thẩm phán mới có thể thực sự yên tâm công tác, suốt đời phấn đấu "Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư", đáp ứng được nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) - Cơ sở quan trọng để hệ thống Tòa án các cấp hoàn thành nhiệm vụ được giao