Liên quan đến vụ việc chủ quán cà phê “Xin Chào” bị khởi tố, PV Báo Công lý đã trao đổi với luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng văn phòng luật sư Interla (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) để làm rõ những nội dung liên quan đến góc độ pháp lý.
Lập biên bản và xử phạt không minh bạch, khách quan
Nhìn từ góc độ pháp lý, Luật sư Hòe phân tích các vấn đề mấu chốt liên quan đến việc lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ quán cà phê “Xin Chào”.
Ngày 08/08/2015, ông Nguyễn Văn Tấn khai trương cửa hàng kinh doanh cà phê, đồ ăn sáng, cơm văn phòng… đồng thời, ông Tấn cũng có gửi hồ sơ đăng ký kinh doanh tới cơ quan có thẩm quyền và được hẹn ngày 19/08/2015 có kết quả.
Tuy nhiên, ngày 13/08/2015, Công an huyện Bình Chánh đã kiểm tra và lập biên bản liên quan đến việc không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Ngày 17/8, ông được mời lên làm việc, bị lập biên bản và ra quyết định xử phạt hành chính 17 triệu đồng đối với 5 hành vi như: hoạt động kinh doanh mà không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định (7,5 triệu đồng); không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho đối tượng thuộc diện phải khám sức khỏe định kỳ trong trường hợp vi phạm dưới 10 người (750.000 đồng); sử dụng khu vực chế biến, bảo quản không đảm bảo vệ sinh (750.000 đồng); không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP (4 triệu đồng); không lưu giữ đầy đủ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu về quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm (4 triệu đồng).
Hai cán bộ xuống kiểm tra tại chỗ và lập biên bản hôm 13/8 lại không phải là hai cán bộ ký tên trong biên bản kiểm tra ngày 17/8. Do đó, việc lập biên bản này rõ ràng không được minh bạch và khách quan.
Mặc khác, sau khi các cơ quan chức năng kiểm tra, lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, ông Tấn đã thực hiện đầy đủ việc nộp phạt. Nhận thức được tầm quan trọng đối với giấy tờ về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm nên ông Tấn đã hoàn thiện hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngày 10-9, Công an Huyện Bình Chánh tiếp tục kiểm tra hành chính quán của ông Tấn, lập biên bản các lỗi sử dụng khu vực chế biến có côn trùng độc hại, gây hại, sử dụng nước không đạt quy chuẩn kỹ thuật để chế biến thực phẩm.
Có thể thấy, việc Công an huyện Bình Chánh lập biên bản đối với ông Tấn ngày 13/8, đã ra quyết định xử phạt ngày 17/8, tuy nhiên sau đó không lâu đến ngày 10/9 Công an huyện Bình Chánh lại tiếp tục xuống kiểm tra, lập biên bản xử phạt hành chính lần hai đối với ông Tấn là không khách quan.
UBND huyện Bình Chánh cấp GCN đăng ký kinh doanh trái luật
Theo Luật sư Trương Quốc Hòe, việc cơ quan điều tra và VKSND huyện Bình Chánh căn cứ vào hành vi kinh doanh trái phép cà phê, nước giải khát, ăn sáng, cơm trưa văn phòng khi chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điểu kiện vệ sinh an toàn thực phẩm là không đúng quy định pháp luật.
Cụ thể, kết luận điều tra căn cứ vào điểm B khoản 1 điều 34 chương V của Luật an toàn thực phẩm; và khoản 2 Điều 5 Thông tư 47 Bộ Y tế. Nhưng hai điều này không hề nói đến đối tượng của hành vi kinh doanh trái phép; mà chỉ quy định điều kiện để được cấp giấy chứng nhận và cơ quan nào có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.
Điều 159 của BLHS, để cấu thành tội kinh doanh trái phép người vi phạm phải có một trong những yếu tố sau: thứ nhất, phải có một trong các hành vi kinh doanh không có đăng ký kinh doanh hoặc kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký kinh doanh hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật phải có giấy phép; thứ hai, một trong các hành vi kể trên đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 160, 161, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của BLHS, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Ở đây có thể bỏ qua các tội phạm thuộc các điều luật khác mà Điều 159 liệt kê vì nội dung cáo trạng của VKSND huyện Bình Chánh không đề cập đến và ông Tấn cũng chưa từng bị kết án về những tội này. Trong trường hợp này, cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đã khởi tố và truy tố ông Tấn dựa trên hành vi kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà vẫn tái phạm.
Tuy nhiên, trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do UBND huyện cấp cho ông Tấn có ghi: Bán ăn uống, cà phê, nước giải khát (Không kinh doanh rượu, chỉ hoạt động kinh doanh sau khi được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm có nguy cơ cao). Khái niệm “thực phẩm có nguy cơ cao” chỉ tồn tại trong Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm 2003, đến Luật vệ sinh an toàn thực phẩm ra đời 2010 thì khái niệm này không còn. Vì vậy, nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà UBND huyện Bình Chánh cấp cho ông Tấn là không phù hợp với quy định của pháp luật. Không thể yêu cầu thực hiện việc cấp một loại giấy chứng nhận đã không còn tồn tại theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trên thực tế, Phòng Y tế huyện cũng đã có văn bản phúc đáp cơ quan điều tra, về việc hộ kinh doanh của ông Tấn có bắt buộc phải có đăng ký giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống hay không? Phòng Y tế đã dẫn ra một số văn bản quy định, và kết luận “Quy chế cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao” đã bị bãi bỏ nên cụm từ “sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao” không còn hiệu lực.
Việc cơ quan Công an huyện Bình Chánh căn cứ vào giấy phép đăng ký kinh doanh kể trên để xử phạt hành chính lần 2 đối với ông Tấn về hành vi kinh doanh không có giấy phép chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm có nguy cơ cao là không có căn cứ. Từ đó cơ quan điều tra căn cứ vào quyết định xử phạt vi phạm hành chính để khởi tố ông Tấn là không có cơ sở, thiếu khách quan.
Vì vậy, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần phải tiến hành nhanh chóng xử lý kịp thời vụ việc này, ra quyết định đình chỉ vụ án đem lại niềm tin của nhân dân, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh cho tất cả người dân, doanh nghiệp.
Tóm tắt vụ việc: Ngày 8/8/2015, ông Nguyễn Văn Tấn khai trương quán cà phê Xin Chào trong khi giấy hẹn nhận chứng nhận đăng ký kinh doanh là ngày 19/8/2015. Ngày 13/8, ông Tấn bị lập biên bản vì không có giấy chứng nhận kinh doanh. Ngày 17/8, Công an huyện Bình Chánh tiếp tục mời ông Tấn đến trụ sở làm việc và lập biên bản về 5 hành vi vi phạm hành chính, trong đó có hành vi: Hoạt động kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định. Tổng mức phạt là 17 triệu đồng. Sau khi đóng phạt, ông đã hoàn thành thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh doanh. Ngày 10-9, quán của ông Tấn lại bị lập biên bản vì các lỗi sử dụng khu vực chế biến có côn trùng độc hại, gây hại, sử dụng nước không đạt quy chuẩn kỹ thuật để chế biến thực phẩm. Ngày 25-9, ông Tấn bị khởi tố về tội kinh doanh trái phép. Sáng ngày 21/4, Công an TP.HCM tổ chức họp báo thông tin chính thức về vụ việc. Trưa cùng ngày TAND huyện Bình Chánh trả hồ sơ đề nghị làm rõ 2 biên bản vi phạm hành chính với ông Nguyễn Văn Tấn. |