Luật sư Hồ Ngọc Diệp, Đoàn Luật sư TP.HCM: “Đất có Thổ công, sông có Hà bá”

Ngọc Diệp| 15/07/2016 14:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Người xưa có câu “đất có Thổ công, sông có Hà bá”, ngoài ý nghĩa về mặt tâm linh, còn mang hàm ý, những người chấp chưởng, quản lý trong một địa hạt nào đó, vừa là người có thẩm quyền, trách nhiệm, cũng là người nắm bắt sát sao nhất tình hình địa phương.

Chẳng thế mà trong truyện Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân, người ta thường thấy, cứ mỗi lần lão Tôn muốn tìm hiểu “lai lịch” của một con “yêu quái” nào, thì lại dùng gậy Như Ý nện xuống đất để triệu hồi Thổ địa lên hỏi.

Luật sư Hồ Ngọc Diệp, Đoàn Luật sư TP.HCM: “Đất có Thổ công, sông có Hà bá”

Luật sư Hồ Ngọc Diệp

Ngay cả như bây giờ, mỗi khi đi tham quan, du lịch ở một địa điểm xa lạ nào đó, bạn bè vẫn thường hỏi nhau, có “Thổ địa” ở đó không? Có lẽ cũng không ngoài lý do, người ở địa phương thì bao giờ cũng tường tận, nắm bắt rõ hơn cuộc sống – sinh hoạt của địa phương mình.

Thế nhưng, thật kỳ lạ, có bao nhiêu chuyện vi phạm pháp luật tày đình diễn ra từ năm này đến năm khác, mà chính quyền địa phương vẫn không hề hay biết, chỉ đến khi các cơ quan thực thi pháp luật cấp trên vào cuộc thì mọi chuyện mới được lôi ra ánh sáng. 

Biệt phủ xây dựng trái phép trên đèo Hải Vân: chính quyền địa phương không biết? Băng nhóm tội phạm Minh Sâm hoạt động rầm rộ suốt một thời gian dài: chính quyền địa phương không biết? “Động kích dục” Tân Hoàng Phát hoạt động thâu đêm suốt sáng từ năm này sang năm khác: chính quyền địa phương không biết?

Và gần đây nhất, là việc Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49B) Bộ Công an, mật phục bắt quả tang khoảng 20 lâm tặc đang "hành nghề” vào ngày 8/7 vừa qua. Từ đây đã hé lộ một đường dây lâm tặc do Hà “đen” cầm đầu, hoạt động liên tục hơn hai năm qua. Vậy mà, chính quyền địa phương cũng…  không biết(?)

Người ta có thể tự hỏi, tại sao những hoạt động phạm tội có quy mô lớn, với hình thức tổ chức chặc chẽ, theo kiểu băng nhóm và mang tính công khai, rầm rộ như thế, mà trong suốt một thời gian dài vẫn không bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý? Nếu nói chính quyền hay cơ quan thực thi pháp luật ở địa phương không biết, thế thì tại sao Bộ Công an lại biết?

Quả thật, nghe ra ai cũng thấy “chói tai” và vô lý, nhưng ngẫm cho cùng, cái lý do “không biết” đó vẫn có chỗ để tồn tại. Bởi, cho đến thời điểm này, ít nhất nó cũng là tấm “lá chắn” hữu hiệu nhất để người ta có thể né tránh trách nhiệm, mà không phải chịu bất kỳ một sự chế tài nào của luật pháp. 

Có lẽ đã đến lúc, pháp luật cần phải có những quy định cụ thể, buộc những người thực thi công vụ cũng như chính quyền địa phương các cấp “ phải nghe, phải biết, phải thấy” tất cả những gì xảy ra trên địa hạt do mình quản lý. Có như vậy thì mới mong xử lý được trách nhiệm đối với người vi phạm, và người dân cũng không còn phải nghe những kiểu nói “chói tai” và vô lý như thế nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật sư Hồ Ngọc Diệp, Đoàn Luật sư TP.HCM: “Đất có Thổ công, sông có Hà bá”