Sau khi VKSND luận tội và đề nghị mức án đối với Hà Văn Thắm cùng các đồng phạm, phiên tòa đã trở nên gay gắt hơn với phần tranh luận của các luật sư.
Mở đầu phiên tranh luận, luật sư Đào Hữu Đăng – bào chữa cho bị cáo Hà Văn Thắm đã nói về khoản tiền cho vay 500 tỷ đồng thông qua Công ty Trung Dung, luật sư Đào Hữu Đăng cho rằng VKS đã không xem xét đến việc bị cáo Thắm đã phong tỏa tài khoản. Ở đây, việc cho vay nhằm tăng tính thanh khoản của Ngân hàng Đại Tín; bản thân 500 tỷ đồng đã vào Ngân hàng Đại Tín, làm tăng thanh khoản cho Ngân hàng Đại Tín. Đây là sự hỗ trợ cần thiết giữa các ngân hàng khi 1 ngân hàng đang mất thanh khoản.
Theo luật sư Đăng, Ngân hàng Đại Tín không biết văn bản cam kết 3 bên là trốn tránh trách nhiệm, đẩy các bị cáo đứng trước vành móng ngựa. Sau khi giải ngân, OceanBank đã thực hiện quyền giám sát của mình. Trong hồ sơ cũng thể hiện nhiều văn bản có nhắc tới biên bản cam kết 3 bên, yêu cầu Ngân hàng Đại Tín bổ sung chữ ký của người có thẩm quyền nhưng phía Đại Tín đã không thực hiện và đây là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại.
Luật sư Đăng cũng cho rằng: “Cam kết 3 bên và tài sản đảm bảo không trái về quy định cho vay. Khi hậu quả xảy ra, số tiền vẫn nằm trong Ngân hàng Xây dựng (tên sau này của Ngân hàng Đại Tín). Số tiền đi đâu không phải trách nhiệm của Thắm và bị cáo không vi phạm quy định về cho vay”.
Luật sư Đào Hữu Đăng bào chữa cho bị cáo Hà Văn Thắm
Cùng bào chữa cho bị cáo Hà Văn Thắm - luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng: "Nếu làm đúng theo thỏa thuận, 500 tỷ đồng này làm sao được rút ra để chi sai mục đích? Ở đây có sự gian dối đối với các thông tin mà OceanBank được tiếp nhận, OceanBank đã bị đưa thông tin ảo".
Giải thích về điều này, vị luật sư cho biết số tiền hơn 500 tỷ đồng chỉ được lưu giữ trong tài khoản chưa tới 1 ngày đã được rút ra; vi phạm nguyên tắc trong hoạt động tín dụng, vi phạm cam kết 3 bên vì Đại Tín tiếp tục phong tỏa theo thỏa thuận của Công ty Trung Dung. Đây mới chính là nguyên nhân trực tiếp khiến 500 tỷ đồng này bị sử dụng sai mục đích.
Tiếp tục lời bào chữa của mình để làm rõ số tiền mà OceanBank bị thiệt hại như cáo trạng quy kết, các luật sư cho rằng số tiền bị quy kết là thiệt hại là hoàn toàn do tính toán của cơ quan điều tra; bản kết luận giám định đã không đưa ra kết luận hậu quả mà chỉ nêu ra hành vi làm trái của các bị cáo. Thiệt hại bao nhiêu thì bị bỏ ngỏ nên việc xác định thiệt hại này là chủ quan, duy ý chí.
Cùng trong phần bào chữa của mình, luật sư Thiệp nói: “Đây là vụ án duy nhất tôi thấy bị xét xử hình sự về hành vi chi vượt trần lãi suất. Hành vi hành chính nhưng bị áp dụng luật hình sự, chúng ta có đang hình sự hóa luật kinh doanh thương mại?”.
Tiếp lời luật sư Thiệp, luật sư đồng nghiệp đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Hà Văn Thắm không phạm tội Cố ý làm trái. Các bị cáo không gây hậu quả, đương nhiên không phải bồi thường. Căn cứ vào nguyên đơn dân sự - phía OceanBank còn không xác định được số tiền bị thiệt hại, thiệt hại trong thời gian nào, ai chịu trách nhiệm, không đưa ra được lý lẽ cụ thể… mà hoàn toàn nhờ cơ quan tố tụng xác định để phục vụ bảo vệ quyền lợi cho chính mình là điều nghịch lý.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp cùng bào chữa cho bị cáo Hà Văn Thắm
Luật sư Nguyễn Minh Tâm - bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Tổng giám đốc OceanBank đã nêu lên quan điểm của mình: "Việc quy kết tội danh phải căn cứ vào các yếu tố cấu thành tội chứ không phải đưa ra những ý kiến quy kết". Theo luật sư, Viện Kiểm sát chưa hoàn thành nhiệm vụ chứng minh tội phạm với Nguyễn Xuân Sơn.
Trong 4 tội danh bị truy tố, Nguyễn Xuân Sơn bị truy tố về tội Tham ô với mức án cao nhất là tử hình. Nêu quan điểm về tội danh này, luật sư Tâm phân tích: “Cáo trạng đang nhầm lẫn khi cho rằng Sơn là đại diện phần vốn góp của PVN. Đây là tư cách đại diện dự bị, khi góp vốn, Sơn không là người đại diện nữa. Từ tháng 12/2010 đến tháng 5/2011, căn cứ vào đâu VKS cho rằng Sơn là đại diện nguồn vốn góp?”.
Theo luật sư Nguyễn Minh Tâm, thời điểm đó bị cáo Sơn không phải là người có chức vụ quyền hạn của OceanBank, không là người quản lý tài sản của OceanBank nên không đảm bảo căn cứ chứng minh Sơn là chủ thể của việc tham ô tài sản. Ngoài ra, nếu nói Sơn chiếm đoạt 49 tỉ đồng của PVN thì phải chứng minh số tiền 49 tỉ đồng đó thuộc quyền sở hữu của PVN.
“Tử hình bị cáo về tội danh mà không đủ chứng cứ chứng minh thì các luật sư cảm thấy rất nhói lòng. Trong phiên xử công khai của tòa án, chúng tôi có đủ căn cứ đề nghị HĐXX xem xét lại tội danh tham ô cho bị cáo”, vị luật sư này nói.
Liên quan tới tội danh “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” với số tiền 69 tỉ đồng thu phí qua Công ty BSC, luật sư Tâm nhận định: “Sơn không lợi dụng, không thể lợi dụng uy tín của PVN để buộc Thắm chi tiền cho mình”. Luật sư Tâm đã trưng ra văn bản do Chủ tịch HĐTV PVN Đinh La Thăng ký, yêu cầu các đơn vị thành viên thuộc PVN và các nhà thầu dầu khí phải thực hiện mở tài khoản tại OceanBank, thực hiện các giao dịch qua tài khoản tại OceanBank.
Theo luật sư Tâm, điều này có ý nghĩa rất quan trọng để xác định hành vi của Nguyễn Xuân Sơn. Từ nội dung đó có thể rút ra kết luận quan hệ giữa PVN và OceanBank đã được hai Chủ tịch của hai đơn vị thống nhất, thỏa thuận và triển khai cam kết hỗ trợ tối đa. Thời điểm đó, Nguyễn Xuân Sơn chưa được PVN giới thiệu sang OceanBank công tác.
Luật sư Nguyễn Minh Tâm bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn
Về mặt pháp lý, luật sư cho rằng quan hệ giữa hai pháp nhân PVN và OceanBank đã được xác lập bằng văn bản thỏa thuận cam kết tháng 9/2008 do chính ông Đinh La Thăng ký với Hà Văn Thắm. Hơn nữa, tinh thần và nội dung văn bản thỏa thuận này còn được chính Tổng giám đốc PVN và đích thân Chủ tịch PVN quán triệt đến từng đơn vị thuộc Tập đoàn bằng văn bản nêu trên.
“Từ đó có thể suy ra, ở PVN không ai có thể làm trái thỏa thuận cam kết đó để thực hiện mục đích cá nhân, kể cả Nguyễn Xuân Sơn. Tài thánh cũng không cho phép Nguyễn Xuân Sơn làm trái văn bản này. Nguyễn Xuân Sơn có dám dùng tư cách cá nhân yêu cầu các đơn vị gửi tiền vào PVN hay không? Đương nhiên là không! Vì thế không thể quy buộc bị cáo đã lợi dụng uy tín, vị thế và sự phụ thuộc của OceanBank vào nguồn tiền của PVN để gây áp lực và chi phối lãnh đạo OceanBank phải chi tiền lãi ngoài, nhằm thực hiện mục đích cá nhân”, luật sư Tâm nhấn mạnh.
Tiếp tục phần bào chữa, luật sư Tâm trích dẫn lại lời khai của các bị cáo trong phần xét hỏi: Sơn không bàn bạc, thảo luận với Thắm để thu phí thông qua Công ty BCS, không bàn bạc về tỉ lệ 1%. Sơn cũng không giới thiệu Nguyễn Minh Thu thay mình giữ chức Tổng giám đốc OceanBank.
“Sơn không thỏa thuận với Thắm trong việc chi lãi ngoài mà chỉ trao đổi về việc chăm sóc khách hàng. Chương trình chăm sóc khách hàng do Sơn xây dựng và được HĐQT nhất trí, thông qua khiến ngân hàng có lãi suất gần 1.000 tỉ đồng. Viện Kiểm sát cho rằng chăm sóc khách hàng là chi lãi ngoài là lập luận suy đoán chủ quan, mang tính quy buộc cho bị cáo”, luật sư nói.
Ngoài ra, vị luật sư cũng dẫn chứng, trong quá trình xét xử, bị cáo Sơn có sự thay đổi lời khai nhưng bị cáo đã giải thích rõ về sự thay đổi đó. Lời khai chi tiền của Sơn đã có địa chỉ cụ thể, ông Ninh Văn Quỳnh - nguyên Phó tổng giám đốc OceanBank đã bị khởi tố. Cơ quan điều tra Bộ Công an cũng đã khởi tố thêm 3 vụ án hình sự “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” (liên quan đến đại án OceanBank) xảy ra tại Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro (VSP); Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR); Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP).
Theo luật sư Tâm, những khách hàng nhận tiền từ bị cáo Sơn khai như thế nào còn chưa biết nhưng Viện Kiểm sát đã vội kết tội bị cáo. Vị luật sư Tâm tiếp tục cho rằng với những điều chưa được chứng minh, HĐXX đừng vội kết luận, đừng tạo sự yên tâm cho những người đã nhận tiền.
Phiên tòa sẽ tiếp tục làm việc trở lại vào 8h sáng ngày mai (14/9).