Trong phiên tòa xét xử chiều nay, luật sư Phan Trung Hoài - bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh - nguyên CT HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) cho rằng cần đánh giá đúng bối cảnh xảy ra vụ việc lúc đó.
Luật sư Hoài dẫn chứng, lúc đầu, bản thân Tập đoàn Thiên Thanh đề nghị Bộ Xây Dựng đề xuất hình thành mô hình Ngân hàng Xây Dựng nhưng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không chấp thuận mà buộc phải chọn mua ngân hàng yếu kém để tái cơ cấu. Theo luật sư, trước khi nhận chuyển nhượng, Đại Tín rơi vào nhóm 9 ngân hàng phải tái cơ cấu, chịu sự giám sát đặc biệt của NHNN, vốn chủ sở hữu âm 2.800 tỷ đồng, tỉ lệ nợ xấu 95%. Chính cơ quan thanh tra giám sát của NHNN, năm 2010 đã kiến nghị NHNN đặt Đại Tín vào ngân hàng kiểm soát đặc biệt.
Vì vậy, Phạm Công Danh tiếp nhận Đại Tín khi ngân hàng là một trong 9 ngân hàng yếu kém. Liên quan đến khoản vay 500 tỷ đồng của Công ty Trung Dung (công ty sân sau của Phạm Công Danh) tại OceanBank, luật sư Hoài nhắc lại lời khai của bị cáo Trần Văn Bình cũng xác định là ký tại văn phòng của Hứa Thị Phấn.
Về tài sản cầm cố trong khoản vay 500 tỷ đồng, theo luật sư Hoài nó đều có giá trị pháp lý, nhưng việc định giá tài sản đảm bảo này chưa đúng thẩm quyền và giá trị giao dịch tài sản. Vì vậy, luật sư Hoài đề nghị truy nguyên đường đi của dòng tiền và buộc bà Phấn hoàn trả số tiền 500 tỷ đồng; tiếp tục kê biên tài sản của Hứa Thị Phấn để đảm bảo khoản vay 500 tỷ đồng.
Luật sư Phan Trung Hoài, bào chữa cho Phạm Công Danh tại phiên tòa xét xử
Vẫn tiếp tục đưa ra quan điểm bảo vệ cho thân chủ của mình, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng không bỗng dưng Hứa Thị Phấn lại cho Danh mượn tài sản để vay tiền, vì việc vay tiền này nhằm tất toán cho khoản vay trước đó của bà Phấn tại Ngân hàng Đại Tín, sau này đổi tên thành VNCB.
Tiếp tục liên quan đến khoản vay 500 tỷ đồng, trước đó, trong phần luận tội, VKS cũng đề nghị mức án từ 17 – 18 năm tù với bị cáo Hứa Thị Phấn và buộc Phấn phải có trách nhiệm hoàn trả số tiền vay đã thụ hưởng cùng với số lãi theo quy định cho OceanBank.
Luật sư Nguyễn Thị Thanh Thảo - bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn cho rằng ngay từ đầu, Viện KSND đã không khách quan. Từ khi vụ án được khởi tố, toàn bộ hồ sơ vụ án chỉ có 4 lời khai của Hứa Thị Phấn, nhưng với 3 tư cách tố tụng khác nhau. Trong số lời khai đó, có những lời khai được lấy khi Phấn phải cấp cứu.
Theo luật sư Nguyễn Thị Thanh Thảo, Hứa Thị Phấn năm nay đã ngoài 70 tuổi, chỉ còn 7% sức khỏe, nhiều bệnh nan y, không có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nên sẽ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, bị cáo Phấn không phạm tội Vi phạm quy định cho vay với vai trò đồng phạm tích cực.
Luật sư phân tích: “Trong quá trình làm thủ tục chuyển nhượng ngân hàng, Hà Văn Thắm có lời lẽ đe dọa nên Hứa Thị Phấn mới đồng ý cho Danh mượn tài sản. Ngoài ra, các nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh cũng xác nhận khoản vay của Trung Dung thực ra là khoản vay tiếp nối của những khoản vay trước đó giữa 2 bên. Và từ ngày 6/9/2012, Phạm Công Danh đã thực sự toàn quyền kiểm soát Đại Tín”.
Luật sư Nguyễn Thị Thanh Thảo, bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn tại phiên tòa chiều nay
Theo vị luật sư này, khi Danh kiểm soát Đại Tín sau này đổi thành VNCB nhưng Hà Văn Thắm không hỗ trợ thanh khoản như lời hứa trước đó. Một thời gian sau, Thắm mới đồng ý hỗ trợ Danh số tiền 500 tỷ đồng để tăng thanh khoản cho ngân hàng bằng cách vay từ OceanBank.
Ngày 23/11/2012, Hứa Thị Phấn ký Hợp đồng cho mượn tài sản với Tập đoàn Thiên Thanh do Danh đại diện. Sau đó Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng các tài sản do bà Phấn cho mượn để làm thủ tục vay vốn Oceanbank. “Tôi tự tin khẳng định, bà Phấn không phạm tội với vai trò là đồng phạm tích cực, không đồng ý chí, không phải là nhân viên của OceanBank… Xuyên suốt quá trình lập hồ sơ vay, không có sự góp mặt, tác động của Hứa Thị Phấn”, luật sư khẳng định.
Cũng tiếp tục ở phần bào chữa của mình, luật sư Nguyễn Thị Thanh Thảo cũng chỉ ra, số tiền 500 tỷ đồng đã được Phạm Công Danh sử dụng, định đoạt và thụ hưởng được thể hiện rõ thông qua việc kiểm soát, quyết định phương thức, mục đích và thời điểm sử dụng số tiền đó.
Phiên tòa sẽ tiếp tục được làm việc trở lại vào 8h sáng ngày mai (19/9).