Gần đây, dư luận lại tiếp tục nóng lên khi hàng loạt luật sư bị xâm hại sức khỏe, tính mạng hoặc bị đánh “dằn mặt”. Có nhiều quan điểm khác nhau về cách xử lý hiện tượng này. Thậm chí, chính các luật sư cũng có những nhìn nhận không đồng nhất…
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp
Bị đốt nhà, tạt axit vì hành nghề luật sư
Gần đây nhất, ngày 12-8-2012, một số thanh niên đi trên 3 xe máy đem theo can xăng đến trước cổng nhà luật sư Nguyễn Đình Ứng (Ngọc Lâm, Hà Nội) phóng hỏa đốt cổng nhà. Trước khi đốt, nhóm trên đã dùng xích xe đạp khóa cổng lại. May mắn thời điểm đó có người dân phát hiện nên lửa không lan vào trong nhà, nguyên nhân theo ông Ứng, có thể xuất phát từ việc hành nghề của ông.
Nghiêm trọng hơn cả là trước đó mấy ngày, ngày 7-8 tại trước cửa Văn phòng Luật sư Lĩnh Chính Thắng (Kiến An, Hải Phòng), ông Trần Hồng Lĩnh - Trưởng văn phòng bị 2 đối tượng hất thẳng một lượng lớn axit vào mặt rồi tháo chạy. Ông Lĩnh được đưa đến bệnh viện trong tình trạng bỏng nặng toàn bộ vùng mặt, vai, ngực và 2 bàn tay. Mắt trái của nạn nhân bị rất nặng, mắt phải cũng trong tình trạng hết sức nghiêm trọng nếu không được xử lý kịp thời.
Đánh dằn mặt vì dám… bào chữa
Đó là tình cảnh mà luật sư Phạm Văn Khánh, công tác tại Văn phòng Luật sư Phạm Khánh và Cộng sự (Đoàn Luật sư tỉnh Hải Dương) gặp phải. Theo đó, cách đây gần 2 năm, ngay sau phiên toà sơ thẩm mà anh tham gia bào chữa cho thân chủ của mình do TAND tỉnh Quảng Trị xét xử, anh và một người em ngồi uống nước tại một quán cà phê. Bất ngờ, một thanh niên từ ngoài xông vào quán, dùng mũ bảo hiểm đánh tới tấp vào mặt và đầu. Sau đó, thanh niên này còn cầm ly thuỷ tinh ném mạnh vào mặt anh Khánh và nói “Đánh cho mày khỏi vào đây bào chữa”…
Anh Khánh đã được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị để cấp cứu. Các y, bác sĩ ở đây cho biết, bệnh nhân Khánh bị đa chấn thương ở vùng mặt và đầu, phải khâu tổng cộng 10 mũi.
Các luật sư nói gì?
Bảo vệ quyền và lợi ích hành nghề hợp pháp của luật sư, bảo đảm hành nghề theo pháp luật của họ là một trong những nhiệm vụ, đồng thời là quyền hạn quan trọng của Liên đoàn luật sư Việt Nam và các Đoàn luật sư địa phương. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có quy định cụ thể về phạm vi cũng như phương thức bảo vệ luật sư trong các vụ việc như trên mà chủ yếu vẫn chỉ dừng lại ở việc tư vấn, hỗ trợ luật sư khi họ gặp các vấn đề khúc mắc khi hành nghề, khi gặp rào cản từ các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan tiến hành tố tụng. Nhiều luật sư đề nghị Liên đoàn Luật sư nên bảo vệ quyền lợi của các thành viên cả trong và ngoài hoạt động tố tụng vì có những hành vi tấn công hay gây trở ngại có nguyên nhân từ hoạt động hành nghề từ trước đó của luật sư.
Luật sư Trần Hồng Lĩnh bị tạt axit
Cho đến nay, quan điểm bảo vệ luật sư theo phạm vi và cách thức nào cũng không thống nhất. Luật sư Nguyễn Huy Thiệp - Phó Chủ nhiệm Ủy ban bảo vệ quyền lợi luật sư (VBF) cho hay, khi gặp những rào cản phát sinh từ cơ quan tiến hành tố tụng địa phương khác hoặc cấp Bộ - ngành nhất là khó khăn phát sinh từ quy định thì tiếng nói của Đoàn luật sư các tỉnh thành càng ít tác dụng.
Ông Thiệp khẳng định: VBF chỉ lên tiếng bảo vệ luật sư khi những sự xâm hại đó nguyên nhân xuất phát từ hoạt động hành nghề hoặc trong hoạt động hành nghề. Nếu vì nguyên nhân khác thì VBF sẽ trả lời cho người yêu cầu biết để gửi yêu cầu đến các cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền và theo quy định.
Luật sư Phạm Văn Khánh bị đánh ngay sau
Luật sư Đào Ngọc Lý (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, một trong những tiêu chí để bảo vệ luật sư đó là vì lý do hành nghề luật sư. Theo luật sư Lý, ranh giới cản trở và xâm phạm là khá mỏng manh. Thực tế luật sư hay bị các đối tượng khác vu khống khi tham gia hoạt động tố tụng, đa phần chứng cứ này đều mờ nhạt cũng gây ảnh hưởng đến hoạt động của luật sư.
Tuy nhiên, làm thế nào chứng minh hành vi xâm phạm luật sư là vì lý do hành nghề? “Nếu Liên đoàn Luật sư bảo vệ luật sư của mình gay gắt nhưng khi chứng minh ra là lý do vì liên quan đến mâu thuẫn cá nhân thì uy tín của Liên đoàn Luật sư sẽ ra sao?”, ông Thiệp lo ngại.
Trong những năm gần đây, đã có bước chuyển rất cơ bản trong nhận thức xã hội và quan niệm của các cơ quan tiến hành tố tụng về người hành nghề luật sư. Tuy nhiên, ở một phạm vi hẹp, có hiện tượng một số luật sư đã bị đương sự tố cáo sai sự thật, rượt đuổi đánh ngay tại phiên tòa, bị xâm phạm trực tiếp và gây thương tích trên thân thể, bị đe dọa, hành hung, tung tin ác ý, thậm chí đặt vòng hoa, đưa quan tài… đến tận Văn phòng luật sư để đe dọa, nhục mạ. Để ngăn chặn tình trạng đó tái diễn, rất cần một sự đồng thuận trong xã hội lên án các hành vi xâm phạm đến quyền hành nghề của luật sư và sự cần thiết xử lý kịp thời, nhanh chóng, nghiêm khắc của các cơ quan chức năng và tiến hành tố tụng đối với hành vi vi phạm nói trên.
Tống Toàn