Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) Nên hay không nên quy định vấn đề ly thân?

11/12/2013 11:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thảo luận về Dự thảo Luật Hôn nhân gia đình sửa đổi tại Quốc hội, nhiều đại biểu đã bàn về chế định ly thân. Đây là quy định đã có trong lịch sử và vẫn diễn ra trong thực tế…

Theo giáo lý Thiên Chúa giáo, những đôi vợ chồng theo đạo không được phép ly dị. Do đó, giáo hội đã đặt ra chế định ly thân như là một giải pháp cho những đôi vợ chồng không thể tiếp tục sống chung với nhau. Bộ luật dân sự 1804 của Pháp đã quy định chế định ly thân nhằm đáp ứng yêu cầu của những đôi vợ chồng theo đạo Thiên chúa không thể ly dị. Về sau, chế định ly thân còn được coi như là một giải pháp giúp cho đôi vợ chồng có cơ hội hòa giải đoàn tụ với nhau, nếu vẫn không đoàn tụ được thì mới ly hôn.

 

Khi xâm chiếm Việt Nam, người Pháp đã quy định chế định ly thân ở bộ Dân luật giản yếu 1883 áp dụng ở Nam kỳ - lúc đó được coi là lãnh thổ hải ngoại của Pháp, bộ dân luật Trung kỳ và bộ Dân luật Bắc kỳ không quy định về vấn đề này.

 

Luật gia đình 1959 của Việt Nam cộng hòa chỉ quy định về ly thân mà không quy định về ly hôn. Ở chương “Sự ly thân” của Luật này, Điều 55 viết: “Để khuyến khích và tán trợ sự thuần nhất của gia đình, nay cấm chỉ sự vợ chồng ruồng bỏ nhau và sự ly hôn…”; Điều 56 viết: “Người vợ cũng như người chồng có thể xin ly thân…”.

 

Sau đó, sắc luật 15-64 ngày 23/7/1964 “Quy định giá thú tử hệ, và tài sản cộng đồng” và Bộ luật Dân sự 1972 của Việt nam cộng hòa đã quy định cả chế định ly thân và chế định ly hôn. Coi ly thân như là phương pháp hữu hiệu để giải quyết những mối bất hòa giữa hai vợ chồng. Theo quy định của hai đạo luật trên, thủ tục ly thân như sau:

 

-Lý do xin ly thân cũng giống như lý do xin ly hôn;

 

- Vợ hay chồng muốn ly thân phải tự mình nộp đơn xin ly thân đến Tòa án;

 

- Thẩm phán gọi đôi vợ chồng đến Tòa để hòa giải; nếu không thành thì 03 tháng sau sẽ hòa giải lần thứ hai;

 

- Sau hai lần hòa giải không thành, Thẩm phán sẽ mở phiên tòa xét xử, bản án quyết định cho ly thân cũng phải phân chia tài sản, quy định trách nhiệm nuôi dạy con như bản án cho ly hôn.

 

- Án ly thân không chấm dứt danh nghĩa vợ chồng, do đó vợ chồng vẫn có các nghĩa vụ với nhau, trừ nghĩa vụ cùng chung sống;

 

- Sự ly thân chấm dứt khi đôi vợ chồng đoàn tụ và phải được xác nhận bằng chứng thư chưởng khế hay biên bản do lục sự tòa án lập và phải được ghi chú vào giấy giá thú và án văn ly thân.

 

- Trong thời hạn ba năm kể từ ngày có án ly thân, mỗi bên vợ chồng đều có thể xin chuyển án ly thân sang án ly hôn, đơn yêu cầu đương nhiên được chấp nhận.

 

Như vậy, chế định ly thân là do người Pháp cấy ghép vào nước ta (Nam kỳ) và sau đó được chính quyền miền Nam tiếp nhận. Nếu tính đến năm 1975, thì chế định ly thân đã tồn tại ở miền Nam nước ta gần 92 năm. Tuy nhiên, hiệu quả của chế định này như thế nào thì chúng ta không rõ.

 

Vấn đề đặt ra là Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) có nên quy định chế định ly thân? Những người đề nghị cần phải quy định chế định này, dựa trên ba lý do chính sau đây: (i) Ly thân là vấn đề thực tiễn, là giải pháp mà nhiều cặp vợ chồng lựa chọn vì ngại ly hôn sẽ ảnh hưởng đến con và ngại dư luận của họ hàng, bạn bè…; (ii) Ly thân là giải pháp hữu ích của những cặp vợ chồng theo đạo Thiên chúa; (iii) Ly thân là biện pháp vợ, chồng tránh tình trạng bạo lực gia đình, tạo điều kiện cho vợ chồng có thời gian để cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định ly hôn.

 

Có thể thấy những lý do đó chưa thật sự thuyết phục: (i) Căn cứ vào đâu để nhận định “nhiều cặp vợ chồng mong muốn chọn giải pháp ly thân”; hơn nữa, ly thân do Tòa án giải quyết thì không thể “giấu” con, họ hàng, bạn bè được; (ii) Trong thời gian vừa qua việc giải quyết mâu thuẫn của những cặp vợ chồng theo đạo Thiên chúa được thực hiện như thế nào: giáo lý có còn cấm ly hôn nữa không và mâu thuẫn giữa họ do Nhà thờ giải quyết hay Tòa án giải quyết? (iii) Nếu giải quyết vấn đề bạo lực gia đình thì có lẽ áp dụng quy định của Luật phòng, chống bao lực gia đình hoặc Bộ luật hình sự sẽ hữu hiệu hơn áp dụng chế định ly thân.

 

Trong trường hợp thấy cần thiết phải quy định chế định ly thân, thì Dự thảo luật cần được nghiên cứu và quy định rõ:

 

- Việc ly thân được giải quyết như việc ly hôn (bắt buộc phải hòa giải, bắt buộc phải giải quyết vấn đề tài sản, nuôi con…);

 

- Về thời hạn ly thân (tham khảo các luật của chính quyền miền Nam trước đây, quy định thời hạn ly thân là 03 năm; Bộ luật dân sự của Cộng hòa

Pháp (Điều 306) quy định thời hạn ly thân là 02 năm);

 

- Thủ tục xác nhận khi đôi vợ chồng chấm dứt ly thân, trở về đoàn tụ (phải xác nhận vào bản án cho ly thân của Tòa án hay do cơ quan hộ tịch xác nhận?);

 

- Hết thời hạn ly thân, nếu đôi vợ chồng yêu cầu chuyển sang ly hôn thì đương nhiên được chấp nhận (không phải hòa giải nữa);

 

- Nếu trong thời hạn ly thân mà một bên hoặc cả hai bên vợ chồng xin chuyển sang ly hôn thì vẫn phải giải quyết theo thủ tục thông thường (bắt buộc phải hòa giải).

 

Ngô Cường

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) Nên hay không nên quy định vấn đề ly thân?