Chính trị

Luật hóa quy định riêng về thoát nạn

Duy Tuấn 27/06/2024 - 19:20

Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, dự thảo Luật cần có một chương riêng quy định về thoát nạn. Chương này sẽ quy định trách nhiệm hướng dẫn người dân, học sinh, sinh viên, trẻ em quy trình thao tác thoát nạn ở các không gian vị trí, hoàn cảnh khác nhau.

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 7, chiều 27/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Bổ sung lực lượng y tế cơ sở tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Cho rằng phần lớn các nạn nhân tử vong do không biết cách thoát nạn khi các lực lượng cứu nạn chưa đến kịp, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định đề nghị Luật nên chia ra 5 phần chính gồm: Phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn, cứu nạn, cứu hộ.

canh1.jpeg
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định.

Theo đại biểu, Luật cần có một chương riêng quy định về thoát nạn. Chương này sẽ quy định trách nhiệm hướng dẫn người dân, học sinh, sinh viên, trẻ em quy trình thao tác thoát nạn ở các không gian vị trí, hoàn cảnh khác nhau.

Cho rằng ở nhiều nước khi có tình huống khẩn cấp, có cháy nổ, họ điều động cùng một lúc 3 lực lượng cảnh sát, chữa cháy, y tế.... Tuy nhiên, đối với Việt Nam, chưa đủ điều kiện để huy động cả 3 lực lượng trong tất cả các trường hợp cháy nổ. Do vậy, cần bổ sung lực lượng y tế cơ sở vì "cháy nổ thường có liên quan đến hô hấp và bỏng da".

"Đề nghị quy định khi phát hiện cháy, đơn vị y tế cơ sở nhanh chóng điều động người đến nơi cháy để phục vụ cấp cứu người bị nạn. Nếu lực lượng y tế có mặt sớm sẽ giúp ích nạn nhân sơ cứu ban đầu tốt hơn" - đại biểu Cảnh nêu quan điểm.

thang1.jpeg
Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị

Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Đức Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho rằng, Điều 5 về nguyên tắc phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, trình bày như dự thảo Luật là chưa đầy đủ.

Bởi vì, khi thực hành hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn trong khi nhấn mạnh vai trò của lực lượng và phương tiện tại chỗ, "thì việc chuẩn bị và vận hành cơ chế chỉ huy tại chỗ với phương châm bốn tại chỗ là rất quan trọng, không thể thiếu được". Do đó, đại biểu đề nghị "chỉnh sửa nguyên tắc này theo hướng làm rõ phương châm hành động bốn tại chỗ".

Quy định chặt chẽ chất lượng, tiêu chuẩn phương tiện phòng cháy chữa cháy

Cho rằng xảy ra cháy nổ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội thường xảy ra cháy gây chết người..., đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị nên phân biệt các loại hình cơ sở sản xuất kinh doanh dễ cháy nổ, cần phải quy định khắt khe về quy chuẩn kỹ thuật phòng cháy.

hoa1.jpeg
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Những nơi cháy hiểu là khu dân cư xuống cấp, dịch vụ karaoke, nhà trọ mini, nhà ở hẻm, ngõ, ngách gây khó khăn trong công tác chữa cháy...

Đối với nhà ở, đại biểu Hòa đề nghị có quy định thêm phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh và cho lưu trú để khắc phục bất cập hiện nay; vì đối tượng này rất nguy hiểm về cháy nổ.

Ông Hòa cũng đề nghị bỏ quy định hộ gia đình trong phạm vi khả năng điều kiện tự trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy.

"Quy định này dễ bị lạm dụng. Vì hiện nay đã có hiện tượng cán bộ chuyên trách đến hộ gia đình, khu dân cư động viên mua dụng cụ chữa cháy. Việc này là cần thiết cho những nơi nhà ở dễ cháy, khó cứu chữa kịp thời; còn những nơi thuận lợi cho việc chữa cháy là không nhất thiết", đại biểu nhấn mạnh.

tc1.jpeg
Toàn cảnh phiên họp.

Theo đại biểu Đào Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ, thực tế trong thời gian qua, tình hình cháy nổ diễn biến rất phức tạp, nhiều vụ cháy đã xảy ra ở các thành phố lớn, các khu đô thị tập trung đông dân cư, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản.

Nguyên nhân dẫn đến cháy nổ, có thể xuất phát từ việc đầu tư lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy không đạt tiêu chuẩn hoặc phương án thoát hiểm khi xảy ra sự cố cháy nổ không bảo đảm an toàn, ý thức của hộ kinh doanh về phòng cháy, chữa cháy còn hạn chế. Chính vì vậy, đại biểu cho rằng, cần phải có giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật hóa quy định riêng về thoát nạn