Khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) rất mong đợi những chính sách mới sẽ tác động, hỗ trợ nhiều hơn nữa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội XIV vào ngày 12/6 tới đây và câu hỏi DN được hưởng gì từ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được đặt ra trong buổi tọa đàm trực tuyến do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 6/6.
Cộng đồng doanh nghiệp DN mong muốn có một bộ luật có thể giải quyết tất cả những khó khăn của doanh nghiệp
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, cần xác định đâu là Luật khung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật đưa ra những chính sách cơ bản để đảm bảo tính lâu dài của Luật. ”Chúng tôi cố gắng đưa những gì cụ thể nhất, đột phá trong Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa và có tính toán đến tính khả thi của Luật” ông Đông nói.
Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV cũng đã xác định được phạm vi hỗ trợ, nhóm đối tượng hỗ trợ. Theo đó, sẽ hỗ trợ những dịch vụ cơ bản mà doanh nghiệp nào cũng cần và tập trung hỗ trợ cho số đông, số lớn doanh nghiệp.Các nội dung hỗ trợ đảm bảo định hướng doanh nghiệp phát triển theo chủ trương phát triển của Chính phủ cũng như của đất nước trong từng thời kỳ, từng giai đoạn.
Cụ thể, gồm có 3 chương trình: đó là hỗ trợ doanh nghiệp mới chuyển đổi từ hộ gia đình; hỗ trợ hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, kiến tạo; hỗ trợ phát triển cụm liên kết ngành, bám theo những sản phẩm chủ lực, tạo quỹ giá trị bền vững cho sản phẩm đó tồn tại trên thị trường.
Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng khẳng định, đây là Luật rất cần thiết cho quá trình phát triển của nền kinh tế mà trực tiếp là phát triển DN, trong đó có cộng đồng DNNVV.
Đại diện cho cộng đồng DN, ông Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết kỳ vọng lớn nhất là khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành, việc tổ chức triển khai cần phải rất nhanh, đặc biệt ở các địa phương trong cả nước.
Theo ông Nam, DNNVV hiện đang gặp rất nhiều khó khăn về mặt bằng, tiếp cận tín dụng, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực, thị trường…Do đó, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn có một bộ luật có thể giải quyết tất cả những khó khăn của doanh nghiệp. Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết ban soạn thảo Luật đã tiếp cận theo “cầu” nghĩa là xem DN thiếu và yếu điều gì, phân tích nhu cầu của DN để xây dựng luật.
Một trong những vấn đề khó khăn đối với DNNVV hiện nay là tiếp cận nguồn vốn. Phân tích của ông Tô Hoài Nam cho thấy hiện nay quy định của ngân hàng là rất chặt chẽ và thường DN buộc phải đi theo và điều chỉnh đạt chuẩn quy định của NH. Do đó, ông Nam cho rằng ngân hàng nên xem xét lại việc này bởi nếu Luật DNNVV buộc ngân hàng đưa ra chuẩn tín dụng mới cho nhóm này thì rất khó.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đặng Huy Đông khẳng định ban soạn thảo đưa ra khái niệm khuyến khích các ngân hàng, tổ chức tín dụng cố gắng đạt mức tối thiểu 30% dự nợ tín dụng trong hệ thống để cho DNNVV vay. Trên thực tế hiện nay đã ghi nhận nhiều ngân hàng đã và đang hướng đến đối tượng khách hàng là DNNVV. Luật hỗ trợ DNNVV tạo điều kiện để DN và ngân hàng đến gần nhau hơn nhưng “không áp đặt ngân hàng hay tổ chức tín dụng phải cho DNNVV vay”, ông Đông nhấn mạnh.
Một vấn đề được các chuyên gia chỉ ra là riêng 4 tháng đầu năm 2017, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường là 27.400 doanh nghiệp, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2016, do đó nếu Luật DNNVV không sớm triển khai thì mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 1 triệu DN hoạt động hiệu quả là khó khăn. Tuy nhiên Thứ trưởng Đặng Huy Đông khẳng định Luật ra đời sẽ góp thêm động lực để sớm đạt mục tiêu 1 triệu DN hiệu quả vào năm 2020 như Chính phủ đã đề ra.