Ngày 17/4, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức họp phiên mở rộng để thẩm tra sơ bộ dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì buổi họp.
Bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu
Trình bày Tờ trình dự án Luật Cư trú (sửa đổi) tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết: Luật Cư trú năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú năm 2013 được ban hành đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp của Nhà nước ta, góp phần từng bước hoàn thiện quy định của pháp luật về cư trú, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, yêu cầu quản lý dân cư, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Việc sửa đổi Luật Cư trú nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về cư trú bảo đảm phù hợp với chủ trương cải cách hành chính và tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.
Toàn cảnh phiên họp
Bên cạnh đó, việc sửa đổi Luật cũng nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật quy định về các giấy tờ của công dân; đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội. Cùng với đó là thực hiện chủ trương hiện đại hóa và đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến công tác quản lý dân cư; bảo đảm tốt hơn nữa tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Theo đó, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo mã số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cở sở dữ liệu về cư trú; thay thế việc quản lý cư trú (thường trú, tạm trú) từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý bằng việc sử dụng mã số định danh cá nhân. Tiếp đến là quy định về trình tự, thủ tục đăng ký cư trú theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính: Việc thực hiện quản lý dân cư thông qua phương thức mới bằng mã số định danh cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú sẽ dẫn đến việc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ 13 nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký, quản lý thường trú, tạm trú của công dân.
Băn khoăn về tính khả thi
Tại phiên họp thẩm tra, đa số các ý kiến đồng tình với việc sửa đổi toàn diện Luật Cư trú và các chính sách lớn của dự án Luật nhất là việc bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú. Các đại biểu cho rằng đây là phương thức quản cư trú hiện đại dựa trên việc ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với xu thế phát triển được một số quốc gia trên thế giới áp dụng.
Một số ý kiến cho rằng đây là dự án Luật rất quan trọng, tác động trực tiếp đến quyền tự do cư trú của công dân đồng thời ảnh hưởng đến nhiều quyền khác như học tập, lao động, khám chữa bệnh…do đó cần sớm được ban hành như Tờ trình của Chính phủ.
Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến băn khoăn về nội dung này và đề nghị lùi dự án luật sang Kỳ họp thứ 10. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung băn khoăn: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện và đã chậm về tiến độ so với yêu cầu của Luật Căn cước công dân. Tờ trình của Chính phủ cũng đã nêu, đến nay mới có 16 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân. Như vậy, việc bỏ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khi Luật này có hiệu lực (năm 2021) trong khi còn một khối lượng lớn công việc cần phải thực hiện để hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hàng chục triệu công dân cần được cấp số định danh cá nhân là vấn đề cần cân nhắc thận trọng.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc trình bày Tờ trình dự án Luật tại phiên họp
Còn theo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền, việc triển khai thi hành Luật phụ thuộc vào tiến độ hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (theo kế hoạch là năm 2021) cũng như việc cấp số định danh cá nhân cho tất cả công dân Việt Nam. Mặt khác, hồ sơ dự án Luật gửi chậm so với quy định, việc đánh giá tác động các chính sách và tổng kết thực tiễn chưa đầy đủ nhất là đánh giá các nội dung đề xuất sửa đổi.
Đại biểu Bùi Văn Xuyền đề nghị cân nhắc thời điểm trình dự án Luật này, có thể lùi thời gian trình sang Kỳ họp thứ 10 (chứ không phải Kỳ hợp thứ 9 như Chính phủ trình) để bảo đảm xem xét kỹ lưỡng các nội dung, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay việc tham vấn, lấy ý kiến, khảo sát thực tiễn bị hạn chế nên khó có thể đánh giá được một cách đầy đủ, do Kỳ họp thứ 9 tới Quốc hội không họp tập trung được nhiều thời gian.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang đề xuất: Tại Kỳ họp thứ 9 sẽ trình Quốc hội bổ sung dự án Luật Cư trú (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2020, theo đó sẽ trình dự án Luật Cư trú tại Kỳ họp thứ 10.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua thảo luận tại phiên họp thẩm tra sơ bộ, các ý kiến đều đánh giá cáo nỗ lực của cơ quan soạn thảo trong hoàn thiện hồ sơ, mạnh dạn đưa ra giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý dân cư, quản lý cư trú trong tình hình mới. Tất cả các ý kiến đều nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật này để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền tự do cư trú, kịp thời ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao hiệu quả công tác quản lý.
Do dự án Luật tác động lớn đến người dân, các cơ quan tổ chức nên cần rà soát đánh giá kĩ các nội dung sửa đổi, lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng chịu sự tác động để khi Luật ban hành đi vào cuộc sống, không làm phát sinh vướng mắc trong việc thực hiện quyền của người dân cũng như việc cung cấp các dịch vụ công. Vậy nên, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định nhất là báo cáo tổng kết, đánh giá tác động, bảo đảm tính thuyết phục của những đề mà Chính phủ đề xuất sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị.