Đã hơn sáu thập kỷ trôi qua, nhưng ký ức về những ngày tháng chiến đấu, giành giật với địch từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của những “Chiến sỹ Điện Biên” năm xưa. Với họ, đó là quãng thời gian đáng nhớ và hào hùng.
“Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”
Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng trong lòng cựu chiến binh Hoàng Văn Bảy (SN 1933, Tổ dân phố 1, phường Thanh Trường, TP. Ðiện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) chưa bao giờ nguôi nỗi nhớ, lòng tự hào về những năm tháng tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Mỗi dịp tháng 5, ký ức thời binh lửa lại ùa về trong ông, như một thước phim quay chậm...
Cựu chiến binh Hoàng Văn Bảy (bên phải) kể lại những tháng ngày binh lửa của mình
Ông Bảy là con út trong một gia đình có 7 người con ở tỉnh Nghệ An. Lớn lên vào thời li loạn, phải chứng kiến cảnh đất nước bị thực dân đô hộ, người dân lầm than, đói khổ nên ông đã sớm nuôi chí căm thù giặc. Năm 1952, khi vừa mới tròn 19 tuổi, ông Bảy tình nguyện tham gia kháng chiến.
Những ngày đầu tham gia quân ngũ, ông được biên chế vào Tiểu đoàn 10, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316, làm công tác hậu cần, chuyên vận chuyển gạo, súng đạn, lương thực, thực phẩm… Tuy nhiên, khi quân ta đánh chiếm Ðồi A1, nhiều chiến sĩ hy sinh nên ông Bảy xung phong trực tiếp chiến đấu. Ðó là những ngày tháng ông cùng với đồng đội chiến đấu ngày đêm để giành giật với địch từng tấc đất.
“Ðể đánh chiếm Ðồi A1, quân ta phải đào hệ thống giao thông hào sát mục tiêu. Do quân địch ở trên cao, tầm quan sát rộng nên quân ta phải tiến hành đào giao thông hào mỗi khi đêm xuống và đào hào đến đâu lại lấy cây sặt để chắn đạn và ngụy trang; còn ban ngày thì trở về thế phòng thủ. Ngày nắng thì không sao nhưng mỗi khi mưa xuống giao thông hào ngập nước, chúng tôi như chìm trong bùn đất. Nhiều khi ăn cơm còn lẫn bùn, ngủ cùng với đất, nhưng nhất quyết không rời vị trí chiến đấu. Thời điểm chiến dịch bước vào đợt 2, chính là thời kỳ ác liệt nhất. Quân ta hy sinh nhiều, nhìn đồng đội cứ ngã xuống ngay trước mặt mình, lúc đầu tôi cũng sợ hãi, nhưng rồi càng làm chúng tôi thêm quyết tâm giành chiến thắng, không nghĩ gì đến sự sống hay cái chết nữa”, ông Bảy kể.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với ông Bảy chính là vào ngày 7/5/1954. Sáng hôm đó, quân đội ta tổng công kích trên toàn chiến trường Điện Biên Phủ. Trong một trận chiến, không may ông Bảy bị trúng đạn vào bắp đùi và phải đưa về tuyến sau. “Lúc đó tôi đang bị thương và phải nằm trên cáng để lực lượng quân y đưa về hậu phương chữa trị. Trên đường về thì chiều tối hôm đó nghe tin báo quân đội ta đã tiêu diệt hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và địch ra hàng. Tất cả ai ai cũng vui mừng nhảy múa, tôi đang bị thương nằm trên cáng nhưng cũng muốn nhảy xuống ôm mọi người vì hạnh phúc vô cùng”, ông Bảy bồi hồi nhớ lại.
Cũng giống như cựu chiến binh Hoàng Văn Bảy, trong những ngày tháng 5 lịch sử này, người lính Ðiện Biên Trần Trọng Bình (ở Tổ dân phố 29, phường Mường Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) lại tự hào kể về chiến công của quân và dân ta trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, trong đó có một phần đóng góp không nhỏ của ông và đồng đội năm xưa.
Năm 1953, rời quê hương Hà Tĩnh, chàng trai Trần Trọng Bình gia nhập quân đội và được biên chế vào Ðại đội 38, Tiểu đoàn 215, Trung đoàn 198, Sư đoàn 316. Sau đó, đơn vị của ông sang giải phóng vùng Thượng Lào; đến tháng 11/1953 thì quay về tham gia giải phóng thị xã Lai Châu. Ông Bình còn nhớ mãi lần đơn vị ông đuổi địch về đến xã Mường Pồn thì kẻ thù bất ngờ quay lại phản công. Tại đây, chiến sĩ Bế Văn Ðàn, cùng Trung đoàn với ông đã hy sinh.
Đến năm 1954, đơn vị ông Bình được lệnh kéo về khu Tà Lèng, để chuẩn bị cho Chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Nhiệm vụ của đơn vị lúc đó là đào giao thông hào từ suối Hồng Líu lên Ðồi C1. Sau gần 2 tháng thực hiện, đơn vị ông đã đào gần 5km giao thông hào, bao vây Ðồi C1. Hệ thống công sự đan xen nhau, có chỗ ngập đầu người và được ngụy trang như một mạng nhện nên nhiều chiến sĩ không quen, không thông thuộc địa hình bị lạc trong trận địa. Cuối tháng 3/1954, đơn vị tấn công Ðồi C1 và sau đó đánh tiếp Ðồi C2.
Cũng tại trận đánh này, người Tiểu đội trưởng của ông Bình đã hy sinh. Hình ảnh người chỉ huy bị thương nhưng vẫn ra lệnh cho ông cầm lấy khẩu AK tấn công về phía quân thù khiến ông không thể nào quên. Ðến khi đồng đội quay trở lại thì bom đạn đã cày nát nơi anh nằm. Sự ra đi của người lính quả cảm ấy đã khiến toàn đơn vị vô cùng thương xót. Tinh thần sẵn sàng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của anh đã góp phần thôi thúc đồng đội của mình quyết tâm làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Nhớ mãi thời khắc lịch sử
“Tuổi cao, sức yếu, có thể tôi quên nhiều thứ, song ký ức về những ngày tháng hào hùng đó không thể nào phai”. Đó là lời chia sẻ của cụ Phạm Bá Miều (SN 1930, ở Tổ 17, phường Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), người Tiểu đội trưởng từng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ quan trọng là chỉ huy tiểu đội của mình đánh chiếm đồi A1 bằng bộc phá vào đêm 6/5/19543, góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ.
Cụ Miều sinh năm 1930, quê làng lúa Thùy Dương, Thái Thụy, Thái Bình. Cuối năm 1949, nghe theo lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, cụ Miều lên đường nhập ngũ. Khi đi không có ai tiễn, chỉ có anh xã đội trưởng tiễn một đoạn và nhắn nhủ: “Làng mình gần đồn địch, giờ nếu tổ chức tiễn đưa ồn ào quá không có lợi. Ngộ nhỡ “nó” biết, “nó” sẽ quay lại bắn phá, lúc đó bao nhiêu người già, trẻ con trong làng khó mà sống được! Thôi, em đi chân cứng đá mềm...”. Hôm đó, cụ Miều vừa tròn 19 tuổi.
Cụ Phạm Bá Miều
Kể từ đó, bước chân trường chinh của chàng thanh niên quê lúa trải khắp dải đất Cao - Bắc - Lạng đến Thượng Lào, Hạ Lào, rồi cuối cùng quay trở về giải phóng Lai Châu. Đó là vào khoảng cuối năm 1953. Tháng 3/1954, cụ Miều được cấp trên điều về Đại đội 76, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với hàm Tiểu đội trưởng.
Ngày đó, từ chỗ đơn vị cụ Miều đóng quân nhìn xuống, vùng lòng chảo Điện Biên to lớn và đồ sộ. Cứ điểm quân sự Điện Biên Phủ khác hoàn toàn so với tất cả các cứ điểm mà cụ đã từng chinh chiến. Ở đây, quân địch bố trí công sự, hệ thống giao thông hào kiên cố, xe tăng, máy bay rất hiện đại và đồ sộ. “Lúc đó, bộ đội ta phần lớn chỉ có vũ khí thô sơ, trong khi địch được trang bị toàn những vũ khí tối tân, hiện đại. Sau nhiều ngày quan sát thực tế, chúng tôi nhận định đánh trận này sẽ rất khó khăn, thế nhưng tất cả các đơn vị đều sẵn sàng xung trận. Với phương châm “đánh nhanh thắng nhanh”, Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ nêu rõ quyết tâm phải tiêu diệt địch trong vòng 5 – 7 ngày”, cụ Miều kể.
Tuy nhiên, sau vài trận đánh ác liệt, bộ đội ta vẫn không thể nào xuyên thủng được hàng phòng thủ của địch. Trong khi đó quân Pháp liên tục được tăng cường lực lượng xuống Điện Biên Phủ, tuyến phòng ngự của chúng ngày càng kiên cố. Sau đó, Sở chỉ huy chiến dịch đã quyết định thay đổi phương châm tác chiến sang “đánh chắc, tiến chắc”, phân bố lực lượng, bao vây, cắt đứt liên lạc giữa các cứ điểm của địch và tiêu diệt từng cứ điểm một.
Lúc đấy, Trung đoàn 174 nơi cụ Miều “đầu quân” được giao nhiệm vụ đánh chiếm đồi A1, nơi Sở chỉ huy cứ điểm Điện Biên Phủ của quân Pháp đóng quân. Đồi A1 lúc bấy giờ có tất cả 4 hướng lên, trận địa ở đây được quân Pháp bố trí rất chặt chẽ và kiên cố. Phía dưới chân đồi là tầng tầng lớp lớp hàng rào dây thép gai dày 4m, cao 1m kèm theo 2 xe tăng bảo vệ. Phía trên đồi, cứ 20m quân Pháp đặt 1 lô cốt kiên cố, trên mỗi lô cốt có 2 khẩu đại liên “chéo cánh sẻ” đua nhau bắn phá. Cụ Miều nhớ lại: “Ở dưới đất thì có xe tăng quần, trên trời 4 – 5 chiếc máy bay thi nhau ném bom, nã đạn, có nhiều lúc chúng tôi đánh chiếm được nữa quả đồi nhưng lại bị nó đánh bật ra. Hai bên cứ dền dứ, giành giật nhau từng tức đất, từng đoạn giao thông hào ở trên đồi A1 như thế”.
Một ký ức trong trận đánh Đồi A1 mà cụ Phạm Bá Miều không thể nào quên, đó là quãng thời gian Tiểu đội do cụ làm Tiểu đội trưởng kết hợp với Đại đội công binh đào đường hầm ngầm từ chân đồi vào Sở chỉ huy của địch để đặt khối bộc phá. Lúc đó là vào khoảng tháng 4/1954, Điện Biên đang là mùa mưa, bầu trời xám xịt màu chì, mưa tầm tả suốt mấy ngày liền nhưng với quyết tâm và niềm tin rằng: Bộc phá là chìa khóa để tiêu diệt cứ điểm Đồi A1. Thế nên hàng trăm chiến sỹ trong đại đội thay nhau đào hầm ngầm bất chấp sự bất lợi từ thời tiết.
“Đất ở Đồi A1 rất cứng, dụng cụ chỉ có cuốc chim và xẻng gấp thô sơ nên tiến độ bị chậm. Phải mất 13 ngày chúng tôi mới hoàn thành đường hầm ngầm đặt khối bộc phá nặng 960kg. Trong quá trình đào hầm nhiều chiến sỹ đã hy sinh vì bị ngạt. Đêm 6/5/1954, chúng tôi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ kích nổ khối bộc phá, tiêu diệt gần một đại đội của địch. Đồng thời, trước khí thế hừng hực, trước tiếng hô xung kích dậy đất của quân ta, số quân địch còn lại hết sức choáng váng, chống cự yếu ớt. Thừa cơ, Trung đoàn 174 đánh chiếm toàn bộ cứ điểm A1 chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Bên cạnh đó, tiếng nổ của khối bộc phá trên còn là hiệu lệnh tổng công kích đợt cuối cùng của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đó là những ngày tháng hào hùng và đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi”, cụ Miều nhớ lại...
Trở về với cuộc sống đời thường, những người lính Ðiện Biên như ông Bảy, ông Bình hay cụ Miều vẫn tiếp tục phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ để xây dựng quê hương. Thế nhưng câu chuyện về họ, về những người lính đã chiến đấu không tiếc máu xương, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Ðiện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” này sẽ mãi còn được các thế hệ sau nhắc nhớ.