Lừa người qua mạng và bị bắt cũng vì... mạng

congly.com.vn| 13/04/2012 11:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mãi tới bây giờ, khi phải đón một cái Tết trong trại giam, chờ ngày hầu tòa, Bùi Văn Huy, SN 1992, trú tại huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên vẫn không lý giải nổi tại sao mình lại bị bắt nhanh đến thế.

Không thạo tin học lắm song Huy cũng thừa khôn ngoan để mỗi khi thực hiện thành công một vụ lừa đảo, lại lập một nickname mới để tiếp tục thực hiện. Điều khiến hắn ân hận là đã để cha mẹ mất một cái Tết chạy ngược chạy xuôi, đau khổ vì hắn. Tuy nhiên, cũng chỉ khi nhìn thấy những sợi tóc bạc xuất hiện hai bên thái dương của mẹ, Huy mới cảm thấy day dứt.


Là con út trong một gia đình có ba anh chị em, dẫu kinh tế không khấm khá lắm song Huy vẫn được bố mẹ chiều chuộng hơn hai anh chị bởi quan niệm “giàu con út, khó con út”. Mọi người hy vọng Huy sẽ có tương lai sáng sủa bởi so với các anh chị trong nhà, cậu là người thông minh và nhanh nhẹn, năm nào cũng mang về giấy khen vì đạt học sinh giỏi. Sự đời chẳng ai lường hết được bởi những năm tiểu học, trung học cơ sở, Huy học giỏi và chăm chỉ là thế, vậy mà khi lên PTTH, chỉ được năm lớp 10 là Huy còn tu chí học, sau đó thì việc đến trường với Huy chỉ là nghĩa vụ. Sở dĩ Huy chểnh mảng việc học hành là do anh ta bắt đầu tìm thấy sự hứng thú ở những trò chơi điện tử trên mạng Internet trong các quán hàng gần trường. Vậy là từ đó, thay vì chăm chỉ học hành, Huy bắt đầu biết tới trốn học, biết nói dối bố mẹ để xin tiền ra ngồi quán. Kết cục của 1 năm học hành kiểu “chuồn chuồn chấm nước” là Huy không tốt nghiệp. Cha mẹ sững sờ, buồn tủi bởi không nghĩ con mình lại sa đà đến vậy. Để thoát khỏi sự quản lý của gia đình, Huy xin bố mẹ lên Hà Nội tìm việc với lý do không đủ sức khỏe để làm việc nặng nhọc, nhưng sẽ tìm một việc làm phù hợp với trình độ và sức lực của mình.

Bùi Văn Huy


Chân ướt chân ráo lên Hà Nội, ban đầu Huy cũng đi tìm việc làm nhưng ở đâu cũng thế, chỉ làm được một thời gian là anh ta thấy chán, thấy đồng lương quá bèo nên nghỉ. Trong lúc chưa kiếm được việc, anh ta sa vào các quán điện tử, vừa để thỏa thích đam mê chơi bời vừa tìm thông tin việc làm. Tuy nhiên với một kẻ mà bằng cấp không có nhưng lại muốn có công việc nhàn hạ, thu nhập cao như Huy thì khó có chỗ làm việc nào như thế. Số tiền mang theo vơi dần cũng là lúc anh ta nảy ra một ý nghĩ sẽ lừa người đưa sang Trung Quốc bán. Thực ra lúc đầu Huy chẳng biết gì về việc buôn bán người nhưng qua chat chít trên mạng, anh ta được một số đối tượng làm quen, bày cho cách lừa đảo. Theo lời những kẻ này thì Huy chỉ việc lừa các cô gái nhẹ dạ, đưa ra cửa khẩu rồi liên lạc với họ thì chỉ nửa tiếng sau sẽ có người tới nhận hàng, thanh toán tiền. Mỗi cô gái trẻ, nếu lừa qua biên giới Huy sẽ nhận được 20 triệu đồng, còn nếu chỉ dụ được đến đường biên thì số tiền công được nhận chỉ là một nửa.


Có người chỉ dẫn, có mối bán hàng, Huy bắt đầu kế hoạch lừa đảo. Anh ta lên mạng, thấy nickname của ai sáng đèn là “gõ cửa” làm quen. Huy giới thiệu mình là người buôn bán, thường đánh hàng từ biên giới về Hà Nội, cần tuyển người vác hàng, trả lương theo thỏa thuận. Với thủ đoạn dùng nhiều tên giả, nhận tuyển lao động hứa trả lương cao, Huy đã lừa được 7 cô gái đưa ra nước ngoài bán. Theo lời Huy thì có người anh ta lừa bằng chiêu thuê đi vận chuyển hàng, có người thuê làm kế toán, tính sổ sách song cũng có cô, anh ta “giăng tình” rồi rủ đi chơi… nghĩa là tùy từng đối tượng để đưa ra chiêu lừa đảo. Huy không ngờ chính cái bẫy mà lâu nay anh ta vẫn sử dụng làm phương tiện lừa bán người, cuối cùng lại khiến hắn sa lưới.


Huy còn nhớ như in cái buổi chiều bị sa lưới pháp luật đó là ngày 17-12-2011, khi anh ta đang ngồi thiền tại một quán nét ở phố Trần Nhân Tông. Thường thì mọi khi, Huy lên mạng sau một giấc ngủ dài, đến khoảng 10 giờ sáng nhưng hôm đó không hiểu sao, anh ta bỏ bữa cơm trưa ngồi thiền luôn tại quán. Lý do là lúc đó, anh ta cảm thấy sắp “câu” được một con mồi là một thiếu nữ mới quen, thông báo vừa ở quê ra Hà Nội, đang muốn tìm việc làm nên không muốn thoát khỏi mạng. Cứ nấn ná trò chuyện, Huy khéo léo đưa đẩy ý định của mình vào đó nhưng khi “đối tác” vừa đồng ý cùng Huy làm một chuyến lên biên giới chơi thì những chiến sỹ Công an xuất hiện. Huy tái mặt khi thấy trước mặt mình là Nguyễn Thị Phượng, một nạn nhân mà anh ta bán cách đó khoảng vài tháng. Biết không thể chối cãi được, Huy chỉ biết lầm lũi theo chân lực lượng Công an về trụ sở.


Theo lời khai của Huy thì anh ta không nhớ mình đã dùng bao nhiêu tên giả, nói những gì song chỉ nhớ rằng đã lừa được 7 cô gái đưa sang Trung Quốc bán. Tuy nhiên, theo đơn trình báo của nạn nhân Phượng thì Huy nói dối tên mình là Quân, đang có cửa hàng bán quần áo ở chợ Hàng Da. Huy rủ Phượng tới cửa hàng của mình chơi, sẽ bán kỷ niệm cho vài bộ quần áo hợp thời trang với giá rẻ. Theo lời Huy thì anh ta tự nghĩ ra mẫu sau đó mang sang Đông Hưng, Trung Quốc, đơn đặt hàng nên quần áo bày bán ở cửa hàng của anh ta bao giờ cũng đẹp và phong cách. Vốn là một cô gái quê, vừa rời lũy tre làng lên Hà Nội làm sinh viên nên khi nghe Huy quảng cáo về bản thân thế, Phượng đã tin tưởng ngay. Cô nhờ Huy thiết kế cho mình một bộ quần áo hợp với thể hình và phải lạ hơn so với mọi người. Huy đồng ý và rủ Phượng nếu có thời gian rỗi hay cùng anh ta sang Đông Hưng một chuyến để lựa vải may luôn. Không một chút đắn đo, Phượng xem lịch học rồi hẹn ngày cùng Huy lên biên giới.

Chỉ tới khi tới đây, kẻ vẫn nhận là chủ cửa hàng quần áo, biết nhiều mẫu thiết kế mới lộ bộ mặt buôn người khi đẩy cô cho bọn tú ông, lôi đi mặc cho cô khóc lóc van xin. Bị đẩy vào nhà chứa, bắt phải bán dâm, Phượng đã khóc lóc, tìm cách tuyệt thực để chống đối nhưng trước sự đánh đập tàn ác của bọn bảo kê đã phải chấp thuận làm thân phận gái bán hoa. Trong một lần bán dâm, thấy khách làng chơi có vẻ dễ dãi, Phượng đã năn nỉ họ cho mượn điện thoại và tận dụng giây phút ngàn vàng ấy, cô lên mạng gửi thông tin về cho gia đình, thông báo việc mình bị lừa bán, đang ở một thị trấn ở Trung Quốc. Thông tin Phượng bị lừa bán nhanh chóng được trình báo cơ quan Công an. Tuy nhiên trong lúc gia đình và lực lượng Công an đang tìm kiếm nơi Phượng bị giam nhốt để giải cứu thì Phượng đã trốn thoát về Việt Nam. Căm hận kẻ đã làm hại đời mình, Phượng lang thang khắp các ngõ ngách ở Hà Nội, thấy quán internet nào cũng ngó vào để tìm kẻ lừa đảo. Sau một thời gian tìm kiếm, cô đã gặp may khi phát hiện ra Huy đang có mặt tại một quán điện tử, liền bí mật thông tin cho Cơ quan điều tra.


Rồi đây, kẻ lười lao động, muốn có tiền bằng việc làm phạm pháp sẽ phải chịu sự phán xét nghiêm khắc của pháp luật.


Nguyễn Lam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lừa người qua mạng và bị bắt cũng vì... mạng