“Lửa nghề” luôn cháy trong tim nữ Chánh án vùng cao

Minh Quân| 04/03/2018 08:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hơn 15 năm công tác trong ngành Tòa án cũng là ngần ấy thời gian nữ Thẩm phán, Chánh án TAND huyện Sơn Tây- Lâm Thị Ánh Tuyết gắn bó cuộc đời mình với huyện vùng cao Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi, mảnh đất đầy khó khăn, thiếu thốn…

“Lửa nghề” luôn cháy trong tim nữ Chánh án vùng cao

Chánh án TAND huyện Sơn Tây Lâm Thị Ánh Tuyết

“Cõng” công lý lên non

Một ngày cuối tháng 11, thời tiết bắt đầu chuyển đông với những cơn mưa xối xả đầu mùa, tôi vượt quảng đường gần 100km từ trung tâm TP Quảng Ngãi mới đến được huyện Sơn Tây, một trong những huyện miền núi nghèo nhất tỉnh. Mặt dù, đường đến huyện Sơn Tây nay đã được mở rộng và sửa sang lại vậy mà cũng mất rất nhiều thời gian tôi mới có thể đến được nơi đây.

Nói như vậy mới có thể tưởng tượng ra con đường đi lên mảnh đất này của hơn 15 năm trước khó khăn, gian khổ biết nhường nào mà đặc biệt hơn nữa là đối với những cô gái đôi mươi mới vừa ra trường. Vậy mà, có biết bao nhiêu người đã vượt núi, đặt chân lên mảnh đất này để công tác, cống hiến cuộc đời mình cho vùng núi cao. Trong số đó có cả những cán bộ ngành Tòa án, những người được ví von là “cõng công lý lên non” để góp phần bảo vệ trật tự của địa phương, mang lại sự bình yên cho nhân dân và chị Lâm Thị Ánh Tuyết, Chánh án TAND huyện Sơn Tây là một trong những cán bộ đã cống hiến tuổi xuân của mình với mảnh đất đầy khó khăn, thiếu thốn này.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất vùng cao huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi, nơi có hơn 80% là người dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí và nhận thức pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế. Ngay từ khi còn là cô bé đang ngồi trên nghế nhà trường, Lâm Thị Ánh Tuyết đã quyết tâm học thật tốt để thay đổi tương lai và góp một phần nhỏ công sức của mình vào sự phát triển xã hội, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân nơi đây. Chính quyết tâm này đã đưa Lâm Thị Ánh Tuyết bước vào giảng đường của trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh.

Sau khi tốt nghiệp, trong khi nhiều người bạn của mình bám trụ lại nơi thành phố phồn hoa để tìm kiếm việc làm thì Lâm Thị Ánh Tuyết đã quyết định quay trở về quê hương để thực hiện mong ước từ bé của mình. Năm 2002 chị được nhận vào làm việc tại TAND huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi với chức danh Thư ký.

Nhớ lại những ngày đầu lên đơn vị công tác, chị chia sẻ, mặt dù được sinh ra và lớn lên cũng tại một huyện miền núi, nhưng mới vừa đặt chân lên mảnh đất mới mà mình sẽ nhận công tác, chị không nghĩ nơi này lại khó khăn đến vậy. Đường xá xa xôi, hiểm trở, khó đi giữa một bên là vách núi cheo leo và một bên là vực thẳm sâu hút. Trụ sở làm việc chỉ là vách gỗ, nền đất và diện tích thì chưa tới 100m2, đồng thời cũng chính là nơi anh em trong đơn vị dùng làm nơi ở. Mỗi lần đi công tác xuống địa bàn, lại phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.

Thời đó đường xá đi lại khó khăn, chỉ men theo những con đường mòn nhỏ. Không thể đi bằng xe máy, chị đành phải đi bộ hàng chục km mới tới được thôn bản để làm việc, có khi xử lý công việc chưa xong chị phải xin ngủ lại trong bản để chờ ngày mai tiếp tục. Tuy nhiên, với lòng yêu nghề, sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, cô gái trẻ Lâm Thị Ánh Tuyết đã bỏ lại sau lưng tất cá những khó khăn này để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Nhờ vậy, chị được lãnh đạo tin tưởng cử đi học lớp đào tạo Thẩm phán và vinh dự được bổ nhiệm Thẩm phán năm 2009.

Đáp lại sự tin tưởng của cấp trên, chị Lâm Thị Ánh Tuyết luôn cố gắng học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước và ra sức phấn đấu, trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời tự trau dồi cho mình bản lĩnh chính trị vững vàng, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao phó. Với sự phấn đấu không ngừng nghỉ của bản thân, năm 2012 chị được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chánh án, đến năm 2015 chị được bổ nhiệm Chánh án TAND huyện Sơn Tây.

Sâu sát  cơ sở

Là người trực tiếp tham gia xét xử hàng trăm vụ việc, nhưng có những vụ án đã để lại nổi đau đến xé lòng, cùng sự xót thương trong trái tim của vị nữ Thẩm phán này. Chị kể lại việc thụ lý và xét xử vụ án về tội “Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người” do người chồng uống rượu say về đánh vợ và trong men say người chồng đã vô tình đánh chết vợ mình. Vụ án được đưa ra xét xử lưu động, với một bản án nghiêm khắc dành cho người chồng, trong tiếng vỗ tay đồng tình của những người tham dự phiên tòa. Tuy nhiên, đều làm chị áy náy và xót xa nhất chính là 4 đứa trẻ, con của bị báo và bị hại đang nheo nhóc, tương lai không biết sẽ như thế nào khi mẹ chết, bố thì phải thi hành án tù, trong khi ngôi nhà duy nhất làm nơi sinh sống của gia đình cũng đành phải bán để lo ma chay. Là người phụ nữ hơn ai hết chị biết được cảnh khó khăn mà 4 đứa trẻ tội nghiệp này phải đối mặt. Sau khi phiên tòa kết thúc, chị đã tìm đến UBND xã đề nghị với lãnh đạo xã cần phải quan tâm, lo lắng cho 4 đứa trẻ không để chúng phải bơ vơ, đồng thời chị về đơn vị quyên góp tiền bạc, quần áo mang lên cho bọn trẻ. Mãi đến sau này, dù có bận việc gì thì lâu lâu chị cũng dành ít thời gian để đến thăm và động viên các cháu.

Sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi, người dân chủ yếu là người đồng bào thiểu số, chị luôn thấu hiểu được những khó khăn, vất vả, thiếu thốn mà người dân đối diện. Cho nên, khi tiếp nhận hồ sơ vụ việc chị ít khi triệu tập đương sự đến Tòa án mà tự mình trực tiếp xuống địa bàn, tìm gặp các bên đương sự để tìm hiểu rõ nguyên nhân sâu xa dẫn đến những tranh chấp, từ đó đưa ra cách giải quyết tốt nhất. Đồng thời, chị tăng cường các phiên tòa xét xử lưu động và hòa giải tại cơ sở để tuyên truyền cho người dân hiểu luật hơn.

 “Mặc dù mình không phải là người đồng bào thiểu số nhưng sống cùng với họ từ nhỏ nên mình hiểu được những khó khăn của họ, và may mắn là mình biết được tiếng của các dân tộc thiểu số nơi đây, cùng những phong tục tập quán nên mình vận dụng để xuống cơ sở nắm bắt tâm tư của các bên đương sự, nhờ vậy tất cả các vụ án thụ lý, xét xử luôn thấu tình đạt lý, nhận được sự đồng thuận cao”, chị Tuyết tâm sự.

Không chỉ là một cán bộ làm tốt công tác chuyên môn, chị còn đảm nhiệm công việc của một người lãnh đạo, luôn quan tâm động viên đời sống cán bộ, đồng nghiệp cấp dưới nhất là những cán bộ ở vùng xuôi mới chuyển lên. Mỗi khi Thẩm phán, Thư ký trẻ gặp khó khăn trong công việc giải quyết án, chị luôn nhiệt tình giúp đỡ, luôn là người đi đầu trong các phong trào của đơn vị, nhờ vậy tạo được sự đoàn kết, đồng thuận cao trong cơ quan.

Dưới sự lãnh đạo, điều hành của Chánh án Lâm Thị Ánh Tuyết trong nhiều năm qua TAND huyện Sơn Tây luôn đạt tỷ lệ xét xử 100% tất cả các loại án, việc ra quyết định thi hành án hình sự năm nào cũng làm kịp thời, đúng thời gian quy định, đặc biệt TAND huyện Sơn Tây chưa khi nào để án tồn đọng, hay án quá hạn luật định…

Ít ai biết rằng thời gian mà chị gắn bó với mảnh đất này cũng chính là thời gian chị phải chấp nhận cuộc sống xa gia đình, xa chồng, xa con. Chị cho biết, hai vợ chồng quen nhau khi còn là sinh viên, anh là dân gốc TP Hồ Chí Minh. Sau khi ra trường, chị quyết định quay trở về phục vụ quê hương và nhận công tác tại TAND huyện Sơn Tây, dù cách xa nhau hơn 1.000 km nhưng cả hai vẫn dành cho nhau tình cảm sâu đậm nên quyết định kết hôn. Sau khi kết hôn chị tiếp tục công tác tại vùng đất này, còn anh vẫn sinh sống tại TP Hồ Chí Minh thời gian hai vợ chồng bên nhau rất ít, chỉ có những ngày Tết hoặc ngày lễ chị mới vào thăm anh và con vài ngày sau đó lại quay về, những lúc nhớ con, nhớ chồng, chị chỉ biết mang những tấm ảnh ra nhìn.

Ngày tôi gặp chị, chị đang đi cặp nạng gỗ do bị gãy chân trong một lần đi công tác vào trung tuần tháng 7/2017. Chị kể, do bị gãy chân nên việc đi lại, sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn, chị không thể tự lo cho bản thân mình được, trong khi người thân thì không có, nên anh đành phải sắp xếp công việc ở TP. Hồ Chí Minh để về chăm sóc chị. Đáng thương nhất là bé gái đang học lớp 4 trong đó do bố về không ai chăm sóc nên cũng xin chuyển trường về học tại trường Tiểu học Sơn Dung, hết năm học này sẽ xin chuyển cháu vào học lại.

Qua những dòng tâm sự của chị, tôi cảm nhận được sự công hiến, hy sinh mà những cán bộ Tòa án như chị đã trải qua để mang lại sự bình yên cho người dân nơi đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Lửa nghề” luôn cháy trong tim nữ Chánh án vùng cao