Mới đây, TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm theo đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Hoàng Văn Tú (SN 1987, trú tại xã Tân Dân, Sóc Sơn, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo bản án sơ thẩm, ngày 12/5/2017, Nguyễn Văn Q (SN 1989, trú tại xã Đông Phong, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) và bạn đã trộm cắp màn hình điện thoại di động tại Công ty SamSung.
Hinh minh họa
Sau khi bị Công an tỉnh Bắc Ninh triệu tập lên làm việc, do sợ bị bắt, Q không đến làm việc theo yêu cầu mà tìm người nhờ “chạy án”.
Do có quen biết Đào Ngọc L, Q đã kể cho L nghe về việc mình đang bị Công an điều tra về hành vi trộm cắp tài sản và nhờ L tìm người lo hộ để Q không liên quan gì đến vụ trộm cắp đó.
Do có quen biết với Hoàng Văn Tú và biết Tú làm ở Công an TP Hà Nội có thể lo được cho Q nên L nhờ Tú và Tú ra giá 300 triệu đồng. Tin tưởng Tú, nên L báo lại cho Q và được Q đồng ý.
Đầu tháng 6/2017, Q cùng L mang 300 triệu đồng đến một quán cà phê ở Nam Thăng Long - Hà Nội gặp và đưa tiền cho Tú. Lúc đó, Tú có đưa cho Q xem thẻ ngành Công an của Tú và ngồi nói chuyện với nhau một lúc thì có Đỗ Trọng Tâm đến (theo Tú giới thiệu là người có thể giúp cho Q giải quyết việc trộm cắp).
Tại buổi gặp hôm đó, Q đã đưa cho Tú số tiền 300 triệu đồng. Hai ngày sau, Tâm hẹn gặp anh Q và trả lời không giúp được Q. Tuy nhiên do đang cần tiền nên Tâm đã vay lại của Q 150 triệu đồng và được anh này đồng ý. Vì vậy, Tâm nhờ vợ đưa trả cho Q 150 triệu đồng, còn nợ lại 150 triệu đồng.
Sau khi biết Tâm không giúp được Q, Tú tiếp tục nói với L và Q có quen một người đàn ông tên Phong ở Cầu Giấy - Hà Nội có thể lo cho Q được trắng án, nhưng phải chi phí hết 700 triệu đồng. Tin tưởng Tú, Q đồng ý và đã nhiều lần đưa cho Tú tổng cộng hơn 1 tỷ đồng.
Theo lời khai của người bị hại, Tú có đưa Q đến gặp ông Phong một lần, nhưng Q không biết nhân thân lại lịch và địa chỉ cụ thể của ông Phong. Tuy nhiên sau đó Q vẫn bị các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bắc Ninh khởi tố, truy tố và xét xử về tội "Trộm cắp tài sản". Do vậy, Q đã nhiều lần tìm gặp Tú để đòi lại tiền.
Do không có tiền trả cho người bị hại, khoảng tháng 1/2018, Tú trả cho Q. một viên đá màu xanh ngọc để gán nợ. Đến ngày 23/1/2018, Q gửi đơn tố cáo Tú đến CQĐT, đề nghị giải quyết.
Ngày 11/6/2018, Tú bị bắt tạm giam. Lúc này, Tú tự nguyện nộp lại 193 triệu đồng để trả cho Q. Trong thời gian Tú bị tạm giam, người nhà của Tú cũng trả lại tiền cho Q để khắc phục hậu quả.
Đến nay, anh Q đã nhận đủ số tiền của mình, không có yêu cầu gì về việc bồi thường và có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho Tú.
Tại cơ quan điều tra, Tú khai đã đưa cho người đàn ông tên Phong 150 triệu đồng. Với hành vi trên, tháng 9/2019, HĐXX sơ thẩm TAND tỉnh Bắc Ninh tuyên phạt Tú 7 năm 6 tháng tù vì tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sau đó Tú có đơn kháng cáo xin giảm hình phạt.
HĐXX của TAND cấp cao tại Hà Nội cho rằng, quá trình điều tra và tại hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, bị cáo chỉ thừa nhận đã nhận của anh Q. 593 triệu đồng để lo cho anh Q được trắng án.
Tuy nhiên, căn cứ vào các tài liệu có trong vụ án, xác định, từ tháng 6-7/2017, Tú đã nhận của anh Q hơn 1 tỷ đồng. Sau khi nhận tiền, Tú không làm gì giúp cho anh Q như đã hứa. Bản thân anh Q đã bị các cơ quan tố tụng khởi tố, truy tố, xét xử về tội “Trộm cắp tài sản”.
Trước khi anh Q làm đơn tố giác, Tú trả cho người bị hại 1 viên đá màu xanh ngọc, hai bên thỏa thuận trị giá 300 triệu đồng. Còn số tiền 743 triệu đồng, bị cáo chiếm đoạt. Dù bị cáo có hành vi gian dối từ trước, nhưng sau đó bị cáo đã trả lại cho người bị hại một phần tài sản.
Do vậy, cấp sơ thẩm không xem xét toàn bộ số tiền bị cáo đã nhận là hơn 1 tỷ đồng, mà chỉ xem xét hành vi chiếm đoạt của bị cáo đối với số tiền còn lại là 743 triệu đồng là có lợi cho bị cáo. HĐXX cấp phúc thẩm nhận định, không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo nên quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm với bị cáo Hoàng Văn Tú.