Ngày 27-4-2013, tại xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, Huyện ủy, UBND huyện Cần Giuộc tổ chức Lễ đặt tên Trường THCS Trương Văn Bang và đón nhận Danh hiệu trường đạt chuẩn quốc gia.
Đến dự Lễ có ông Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC; ông Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Long An cùng lãnh đạo các cơ quan ban ngành của tỉnh Long An, của huyện Cần Giuộc và đại diện gia đình ông Trương Văn Bang; những nhà hảo tâm, thầy cô giáo và các em học sinh trường THCS Trương Văn Bang.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Thiệp, Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc đã ôn lại công lao to lớn của người chiến sĩ cách mạng Trương Văn Bang (thân sinh của Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình), nguyên Bí thư Quận ủy Cần Giuộc, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ.
Ông Trương Văn Bang sinh năm 1912, trong một gia đình nông dân, ở làng Phước Lại, tổng Phước Điền Hạ, nay là xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Sớm giác ngộ cách mạng, năm 18 tuổi, ông đã gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam, là một trong những người Đảng viên đầu tiên của Cần Giuộc. Trong suốt quãng đời chiến đấu, ông luôn tỏ ra là người chiến sĩ cách mạng kiên trung. Ông được tổ chức tin tưởng giao nhiều trọng trách quan trọng trong những năm tháng khó khăn ác liệt nhất.
Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cảm ơn chính quyền và nhân dân huyện Cần Giuộc đã lấy tên cha mình đặt tên cho Trường THCS Tân Kim thành Trường THCS Trương Văn Bang.
Tháng 8/1930, khi Quận ủy Cần Giuộc được thành lập, ông được phân công làm Phó Bí thư Quận ủy, rồi làm Bí thư Quận ủy Cần Giuộc vào năm 1931. Năm 1932, ông được bầu làm Tỉnh ủy viên Chợ Lớn. Tháng 10/1932, thực dân Pháp khủng bố ác liệt, cơ sở Đảng ở Nam Kỳ bị tan vỡ, ông đã xây dựng và khôi phục lại Tỉnh bộ Chợ Lớn và Thành ủy Sài Gòn – Gia Định. Ông làm Bí thư Thành ủy kiêm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn. Năm 1933, ông được bầu làm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, kiêm Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Gia Định. Năm 1934, ông bị bắt giam ở Khám Lớn Sài Gòn sau đó bị đày ra Côn Đảo.
Đến năm 1936, Mặt trận Bình Dân lên cầm quyền ở Pháp, ông được thả về và tiếp tục xây dựng cơ sở Đảng ở Long An và Mỹ Tho. Sau đó, ông được Xứ ủy điều về miền Đông Nam Bộ để thành lập Tỉnh ủy lâm thời Thủ Dầu Một, làm Bí Thư Ban Cán sự (tức Tỉnh ủy lâm thời) tỉnh Bà Rịa. Sau đó làm Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa (Đồng Nai - Bình Phước ngày nay).
Lễ đặt tên trường THCS Trương Văn Bang
Năm 1941, sau Nam Kỳ khởi nghĩa, ông bị bắt và bị đày ra Bà Rá. Đầu năm 1945, ông cùng ông Trần Văn Giàu và nhiều đồng chí khác tổ chức vượt ngục Bà Rá. Vừa về, ông tham gia ngay vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy Chợ Lớn để cùng tổ chức lãnh đạo khởi nghĩa Cách Mạng Tháng Tám năm 1945. Ông được phân công đứng ra tổ chức và thành lập Lực lượng vũ trang cách mạng do Đảng lãnh đạo lấy tên là Bộ Đội Cần Giuộc do ông làm Tiểu đoàn trưởng, sau đổi tên là Tiểu đoàn Nguyễn An Ninh, hoạt động ở miệt Cần Giuộc, Cần Đước, Nhà Bè, Trung Huyện (Bình Chánh, Bến Lức ngày nay), đồng thời ông còn là Phó Bí Thư phân khu Duyên Hải. Ông là người đầu tiên đưa Bộ đội Cần Giuộc về xây dựng chiến khu ở Rừng Sác; xây dựng phát triển cơ sở Đảng trong lực lượng Bình Xuyên.
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình nhận hoa chúc mừng của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Long An
Năm 1946, Tiểu đoàn Nguyễn An Ninh sáp nhập với Chi đội 15 thành Trung đoàn 308 hoạt động ở khu vực tỉnh Chợ Lớn, Tân An (Long An ngày nay) do ông làm Bí thư Trung Đoàn ủy.
Năm 1951, ông công tác ở Xứ ủy Nam Kỳ, Trưởng ban tổ chức phân liên khu Miền Đông. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, làm Chính ủy Lâm trường Lam Sơn, do mắc bệnh hiểm nghèo ông về công tác ở Cục cán bộ Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình chụp ảnh lưu niệm tại Lễ đặt tên trường Trương Văn Bang
Sau giải phóng (tháng 5/1975) ông về nghỉ tại Tp. Hồ Chí Minh và mất tại đây năm 1981. Do có những công lao đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, ông đã được Đảng và Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Tiếp nối truyền thống quý báu của dân tộc “uống nước nhớ nguồn” và để ghi nhớ công lao to lớn của đồng chí Bí thư Quận ủy Cần Giuộc – Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ - Trương Văn Bang đã hiến trọn tuổi thanh xuân cho quê hương, đất nước và để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ của huyện Cần Giuộc, theo nguyện vọng của các cán bộ cách mạng lão thành, Đảng bộ và nhân dân huyện Cần Giuộc quyết định lấy tên đồng chí Trương Văn Bang - Bí thư Quận ủy Cần Giuộc – Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ để đặt tên cho Trường THCS Tân Kim. Trong buổi lễ này, Trường THCS Trương Văn Bang cũng vinh dư đón nhận Danh hiệu Trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2012 - 2017.
Thay mặt gia đình ông Trương Văn Bang, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cảm ơn chính quyền và nhân dân huyện Cần Giuộc đã lấy tên cha mình đặt tên cho Trường THCS Tân Kim thành Trường THCS Trương Văn Bang. Chánh án Trương Hòa Bình mong muốn thầy và trò Trường THCS Trương Văn Bang tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, xứng đáng với mong đợi của chính quyền và nhân dân huyện Cần Giuộc giao phó, đào tạo những thế hệ học sinh trở thành “con ngoan trò giỏi”, có kiến thức vững vàng để làm nền tảng cho những cấp học cao hơn, tiếp bước cha anh xây dựng quê hương đất nước.
Tại buổi lễ, những nhà hảo tâm đã trao tặng tiền, phương tiện học tập cho Trường THCS Trương Văn Bang và trao tặng 19 căn nhà tình thương cho các hộ nghèo huyện Cần Giuộc.