Trong mùa khô 2023 – 2024, tỉnh Long An đã có nhiều biện pháp nhằm ứng phó hạn, ngăn mặn xâm nhập do tác động của hiện tượng El Nino, bảo vệ nguồn nước tốt các vùng sản xuất tại địa phương và đời sống dân sinh trên địa bàn.
Ngay từ đầu mùa khô, UBND tỉnh Long An ban hành kế hoạch phòng ngừa, ứng phó hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024, nhằm bảo vệ nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho rằng, để ứng phó với hạn mặn xâm nhập, cần chủ động triển khai các giải pháp phòng ngừa, ứng phó với từng kịch bản hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn có thể xảy ra trong mùa khô năm 2023-2024, đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất;
Đồng thời, quản lý chặt chẽ chất lượng, vệ sinh nguồn nước để phục vụ cấp nước sinh hoạt cho Nhân dân. Bố trí cơ cấu mùa vụ cây trồng phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, đảm bảo khả năng cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất và bảo đảm xuống giống sớm, đúng lịch gieo sạ vụ Đông Xuân năm 2023-2024 đối với các địa phương thường xuyên thiếu nước vào mùa khô nhằm hạn chế, giảm thiểu rủi ro thiệt hại do thiên tai hạn, xâm nhập mặn gây ra.
Đặc biệt, có kế hoạch vận hành, điều tiết hợp lý các cống đầu mối, trạm bơm điện... nhằm đảm bảo ngăn mặn hiệu quả, điều hoà, phân bổ, cấp nước hợp lý góp phần đáp ứng nguồn nước ngọt cho nhu cầu sinh trưởng và phát triển của cây trồng cũng như cấp nước sinh hoạt cho Nhân dân suốt mùa khô năm 2023-2024. Cần phân bổ kế hoạch vốn hợp lý để ưu tiên đầu tư các công trình thuỷ lợi cấp bách phục vụ cho nhu cầu chống hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn.
Thực trạng hạn, xâm nhập mặn và mức độ thiệt hại trên địa bàn tỉnh Long An trong năm 2015-2016 khoảng 194 tỷ đồng; năm 2019-2020 hơn 55 tỷ đồng; năm 2020-2021 thiệt hại gần 1,1 tỷ đồng. Con số thiệt hai ngày càng giảm đã minh chứng cho việc UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo kịp thời đến với các cấp chính quyền trong tỉnh và người dân kịp thời đối với tình trạng xâm nhập mặn hang năm này.
Trong mùa khô năm 2023-2024 này, trên địa bàn các huyện có nguy cơ xâm nhập măn cao như: Thủ Thừa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Châu Thành, Tân Trụ và thành phố Tân An, có khoảng 19.662 ha diện tích cây trồng bị ảnh hưởng bởi hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Ngay từ tháng 1/2024, UBND tỉnh Long An đã chủ động ban hành kế hoạch chỉ đạo các sở, ban, ngành chủ phòng ngừa, ứng phó hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn. UBND tỉnh phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho từng ngành, địa phương với quyết tâm chủ động triển khai các giải pháp phòng ngừa, ứng phó với từng kịch bản hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn có thể xảy ra trong mùa khô năm 2023-2024, bảo đảm ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất; quản lý chặt chẽ chất lượng, vệ sinh nguồn nước để phục vụ cấp nước sinh hoạt cho nông dân.
Cụ thể như: khoanh vùng các khu vực thường xuyên xảy ra khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn để thực hiện các giải pháp công trình như nạo vét; đắp đập tạm, lắp đặt các trạm bơm dã chiến để kịp thời bơm dẫn nước, trữ nước phục vụ sản xuất; tuyên truyền, vận động nhân dân tranh thủ lấy nước, trữ nước trong thời gian cống điều tiết vận hành mở để lấy nước ngọt khi độ mặn ngoài sông giảm để chủ động nguồn nước sử dụng trong thời gian các cửa cống phải đóng kín để ngăn mặn.
Cơ quan được giao vận hành khai thác công trình thủy lợi phải thường xuyên theo dõi diễn biến xâm nhập mặn để vận hành hợp lý các cống ngăn mặn, trạm bơm điện, để mở cống lấy nước, bơm chuyển nước bổ sung nguồn nước vào hệ thống thủy lợi để tích trữ phục vụ trong những tháng nước mặn xâm nhập sâu và kéo dài.
Rà soát, tổng hợp các danh mục công trình ưu tiên cấp bách cho triển khai ngay bằng các nguồn lực sẵn có của tỉnh, Quỹ Phòng, chống thiên tai tỉnh, nguồn Trung ương hỗ trợ hoặc huy động trong nhân dân nhằm đảm bảo ngăn mặn, bảo vệ nguồn nước ngọt hiện có trong khu vực nội đồng. Kiểm tra các tuyến đê bao, bờ bao xung yếu, cống đầu mối để kịp thời phát hiện sự cố hư hỏng và sửa chữa, khắc phục, xử lý ngay từ đầu không để nước mặn rò rỉ, xâm nhập vào bên trong nội đồng.
Ông Châu Văn Xuân thành viên HTX Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Hạnh (huyện Thủ Thừa) có hơn 2.000m2 rau màu, nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật và nạo vét kênh, mương, bơm tích trữ nước trước khi mùa hạn, mặn đến nên tưới đủ hoa màu trong mùa khô. Đặc biệt, ông Xuân còn thả bèo hoa dâu vừa làm phân bón cho cây trồng và để biết chất lượng nguồn nước. Nếu bèo hoa dâu chuyển thành màu trằng thì nguồn nước bị ô nhiễm hoặc nhiễm mặn, còn màu xanh thì nguồn nước đảm bảo chất lượng. Chính vì vậy mà việc trồng trọt và doanh thu của gia đình ông Xuân vẫn đảm bảo an toàn.
Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền và sự chủ động phối hợp trong ứng phó với hạn, xâm nhập mặn giữa chính quyền địa phương và nhân dân cho đến nay tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An chưa bị ảnh hưởng, vẫn đảm bảo ổn định.