Ngày 25/7, UBND tỉnh Long An tổ chức “Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Long An”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự và có bài phát biểu quan trọng, trong đó nhấn mạnh nội dung trên.
Dự hội nghị còn có ông Trương Tấn Sang - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; ông Trương Hòa Bình - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương trong vùng; đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Ngày 13/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 686/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh Long An là địa phương thứ 10 cả nước và là tỉnh đầu tiên khu vực phía Nam được phê duyệt quy hoạch tỉnh.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Long An là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam; trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long; kết nối chặt chẽ với TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ; đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia.
Hình thành được các hành lang kinh tế, vùng, trung tâm phát triển và đô thị động lực; thích ứng với biến đổi khí hậu. Người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Còn về tầm nhìn đến năm 2050, Long An là tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có trình độ phát triển tương đương các tỉnh vùng Đông Nam Bộ.
Xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn và văn minh; con người phát triển toàn diện. Môi trường sống trong lành và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó tỉnh Long An còn hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, tạo đột phá trong nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài, đặc biệt là trong các ngành và lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, vận tải, logistics và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo trên các ngành, lĩnh vực quan trọng của tỉnh, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số.
Huy động, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm mọi nguồn lực, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại và thích ứng với biến đổi khí hậu; ưu tiên đầu tư giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất triển khai các dự án trọng điểm có khả năng kết nối liên vùng, liên tỉnh, có tính lan tỏa, nhất là về hạ tầng giao thông, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng đô thị…
Tại hội nghị, đại diện các nhà đầu tư phát biểu bày tỏ đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam nói chung, tỉnh Long An nói riêng ngày càng được cải thiện mạnh mẽ, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư; bày tỏ quyết tâm mở rộng quy mô đầu tư, cam kết làm ăn lâu dài tại Việt Nam.
Đồng thời, đại diện các nhà đầu tư bày tỏ mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, tỉnh Long An ngày càng quan tâm, đồng hành, tháo gỡ mọi khó khăn vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh...
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Được, Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Long cho biết, tỉnh Long An cam kết, sẽ luôn “mở rộng cửa” để chào đón và đồng hành với các nhà đầu tư trong và ngoài nước; quan điểm của tỉnh là luôn xem “người dân và doanh nghiệp làm chủ thể, là trung tâm phục vụ; doanh nghiệp là động lực, nguồn lực cho quá trình phát triển”.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Long An sẽ luôn đồng hành cùng với sự phát triển của các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, để thực hiện thành công dự án và phát triển bền vững tại tỉnh Long An.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng, đánh giá cao Long An đã khẩn trương xây dựng, hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thủ tướng nêu rõ, có quy hoạch tốt thì mới có chương trình, dự án tốt, có chương trình, dự án tốt thì mới có nhà đầu tư tốt.
Đây là sự kiện quan trọng được tổ chức nhằm tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Long An nói riêng, mới nhất là Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh Long An khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Quy hoạch tỉnh, nhất là các ngành, lĩnh vực là tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Trong đó, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh 2 nội dung quan trọng gồm: Ưu tiên bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả không gian phát triển theo mô hình "Một trung tâm – Hai hành lang – Ba vùng kinh tế xã hội – Sáu trục động lực"; chú trọng công tác điều phối, quản lý thống nhất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn, định hướng phát triển tổng thể, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển KTXH.
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh, dựa trên nền tảng chuyển đổi số, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đẩy mạnh hợp tác công tư, thu hút nguồn lực, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng KTXH, nhất là hạ tầng giao thông, hệ thống đô thị, khu công nghiệp và cụm công nghiệp, hạ tầng xã hội, hạ tầng văn hóa, giáo dục, y tế. Chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; trong đó tạo thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, huy động các doanh nghiệp và người dân tham gia. Tập trung phát triển logistics, đóng vai trò trung chuyển cho vùng ĐBSCL.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường đối thoại, kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Xây dựng bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả gắn với xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có chất lượng, được đào tạo bài bản...
Chú trọng nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; đầu tư hơn nữa cho giáo dục, đào tạo, nhất là dạy nghề, phục vụ những ngành, lĩnh vực chủ lực của tỉnh. Chú trọng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn.
Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế; chú trọng tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia, khai thác hiệu quả vai trò đầu mối giao thương, hợp tác với các địa phương của Campuchia.