Môi trường

Long An: Cần hơn 1.300 tỷ đồng để khắc phục tình trạng sạt lở

Thái Đoàn 14/07/2023 - 19:41

Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Long An, để khắc phục tình hình thiên tai do sạt lở, sụt lún trên địa bàn tỉnh từ năm 2023 – 2025 cần nguồn kinh phí dự kiến với số tiền hơn 1.300 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh Long An có 7 điểm sạt lở tại các huyện: Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Cần Giuộc, Tân Trụ và Cần Đước.

Cụ thể, tại huyện Tân Thạnh có một điểm sạt lở nguy hiểm tại vị trí Ngã tư bờ Đông kênh Cà Nhíp và bờ Bắc kênh Tân Hòa với chiều dài sạt lở khoảng 205m, lấn sâu vào bờ từ 3-5m, chiều sâu từ mặt đất đến đáy kênh khoảng 7m.

thanh-dong-thanh-hoa.png
Khu vực bờ sông Vàm Cỏ Tây áp Bến Kè, Nước Trong, Voi Đình), xã Thuỷ Đông, huyện Thạnh Hóa với tổng chiều dài sạt lở khoảng 50m

Huyện Thạnh Hóa, có 2 điểm sạt lở đặc biệt nghiêm trọng: điểm thứ 1 là khu vực bờ sông Vàm Cỏ Tây áp Bến Kè, Nước Trong, Voi Đình), xã Thuỷ Đông, huyện Thạnh Hoá với tổng chiều dài sạt lở khoảng 50m, đất sạt lở và lún sâu từ mặt đất hiện trạng xuống đáy sông khoảng 4 - 6m (dạng hàm ếch), chiều rộng sạt lở sâu vào phía bờ khoảng12-13m. Ngoài ra, trong khu vực sạt lở còn xuất hiện nhiều vết nứt rộng từ 2-10cm, phạm vi xuất hiện vết nứt có chiều dài khoảng 160m và có khả năng tiếp tục xảy ra sạt lở.

Ước thiệt hại khoảng 250m3 đất bị nước cuốn trôi hoàn toàn, sụp đổ 15m đường bê tông, 45 mét hàng rào, 20m tường rào và cổng rào, ước kinh phí thiệt hại khoảng 1,1 tỷ đồng: điểm thứ 2 tại khu vực cầu Bún Bà Của (Km 65+400), Quốc lộ 62 - Quốc lộ N2 thuộc ấp 2, xã Thủy Tây xảy ra 01 vụ sạt lở làm sạt lở lề đường phía kênh Dương Văn Dương với chiều dài 20m, bị sụp lún 90cm so với mặt đường hiện trạng làm hư hỏng hàng rào bảo vệ an toàn đường giao thông và gây khó khăn cho phương tiện tham gia giao thông.

Huyện Cần Giuộc có 2 điểm sạt lở: điểm thứ 1 nằm trên bờ sông Cần Giuộc (ĐT.826C), xã Phước Lại, cách bến đò Tân Thanh khoảng 500m, thuộc lý trình từ Km6+300 -Km6+620. Chiều dài sạt lở khoảng 1.200m, đã làm cuốn trôi xuống sông Cần Giuộc hoàn toàn 7 căn nhà của 2 hộ dân (trong đó có 05 ki ốt và 02 căn nhà) với chiều dài sạt lở khoảng 40m, độ sâu sạt lở khoảng 6m, bề rộng sạt lở 15m, nhiều khe nứt xuất hiện giữa ĐT.826C và có nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở trong thời gian tới.

bau-le-1.jpg
Khu Rạch Bàu Le giáp với sông Kênh Hàn, thuộc ấp Thạnh Trung, xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc bị sat lở, sụt lún với chiều dài khoảng 80m

Điểm thứ 2 có vị trí Rạch Bàu Le giáp với sông Kênh Hàn, thuộc ấp Thạnh Trung, xã Phước Vĩnh Đông bị sat lở, sụt lún với chiều dài khoảng 80m, trong đó làm sạt lở, sụt lún nghiêm trọng một đoạn đường dân sinh khoảng 20m, chiều sâu sụt lún từ 2-3m, sạt lở lấn sâu từ bờ rạch đến sát mép hàng rào nhà dân khoảng 8m làm cắt đứt hoàn toàn tuyến đường dân sinh (đan bê tông rộng 1m) của 16 hộ dân sinh sống bên trong (trong khu vực có khoảng 30 hộ sinh sống). Ngoài ra còn nhiều vị trí bị sạt lở làm ảnh hưởng đến phần đất và cây trồng của các hộ dân.

Huyện Tân Trụ có một điểm sạt lở tại khu vực bờ sông Vàm Cỏ Tây thuộc ấp Bình Hòa, xã Đức Tân, chiều dài sạt lở khoảng 50m, bề rộng từ điểm sạt lở đến mép đất nhà dân khoảng 10m, độ sâu từ 6-8m; sạt lở đã làm cuốn trôi xuống sông một cây dừa và một ao cá của người dân. Hiện người dân đã gia cố tạm thời bằng bẹ dừa nước và cây tràm để ngăn sạt lở.

Huyện Cần Đước, có một điểm sạt lở tại khu vực sạt lở tại vị trí Rạch Ông Bán (tuyến đường giao thông liên ấp 3-4), xóm Trễ, xã Phước Đông với chiều dài khoảng 150m, trong đó có một đoạn khoảng 20m bị sạt lở nghiêm trọng, chiều sâu sụt lún từ 1-3m, lấn sâu từ bờ rạch đến sát mép đường bê tông khoảng 10m.

picture1.png
Gia cố bờ sông phòng chống trạng sạt lở

Ông Võ Kim Thuần, Chi Cục trường Chi Cục phát triển Nông thôn và Thủy Lợi cho biết, trên địa bàn tỉnh Long An còn rất nhiều khu vực, điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân cư.

Để có đủ nguồn lực tiếp tục triển khai thực hiện các dự án phòng chống, xử lý sạt lở trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Long An kiến nghị các bộ ngành Trung ương xem xét tổng hợp, báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ bố trí ngân sách từ nguồn vốn đầu tư công, trung hạn giai đoạn 2023-2025 hỗ trợ cho tỉnh thực hiện các dự án xử lý sạt lở cấp bách.

Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Long An để phòng chống và khắc phục sự cố sạt lở, sụt lún trong giai đoạn 2023-2025 đã đề xuất kinh phí với tổng số tiên hơn 1.300 tỷ đồng.

Cụ thể, dự án Kè sông Bảo Định (đoạn từ đường Võ Văn Môn đến Ranh Tiền Giang), phường 7, xã An Vĩnh Ngãi, TP Tân An, chiều dài 5.354m, tổng kinh phí đề xuất 967 tỷ đồng; Dự án Kè chống sạt lở bờ sông Vàm Cỏ Tây khu vực khu phố Bình Hòa, thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ, chiều dài 1.100 m, kinh phí đề xuất 121 tỷ đồng.

Dự án Kè chống sạt lở bờ kênh Dương Văn Dương (đoạn từ cầu treo Hậu Thạnh Đông đến ranh Trung tâm Nông sản Hậu Thạnh Đông), chiều dài sạt lở 400m với kinh phí đề nghị 60 tỷ đồng; Dự án phòng chống sạt lở bờ sông Cần Giuộc cặp ĐT.826C từ bến phà Cần Giuộc (phía bờ Phước Lại) hướng về xã Phước Vĩnh Tây, chiều dài 300m, kinh phí đề xuất 50 tỷ đồng;

Dự án Kè xử lý sạt lở khu vực Ngã 3 Xóm Câu (Ngã 3 sông Hàn - sông Giồng), ấp Mương Chài, xã Phước Lại tại đoạn cuối đê Bà Kiểu - Mương Chài, huyện Cần Giuộc, chiều dài 480m, kinh phí đề xuất 50 tỷ đồng; Dự án Kè bảo vệ bờ sông Vàm Cỏ Tây (từ cầu mới Tân An đến tiếp giáp kè Vịnh Đá Hàn), kinh phí đề xuất hỗ trợ 67 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Long An: Cần hơn 1.300 tỷ đồng để khắc phục tình trạng sạt lở