Lời ru buồn trên đỉnh núi

15/11/2013 14:43
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thẳm sâu trong các bản làng nơi biên viễn, có một bộ phận không nhỏ đồng bào người Mông, người Thái vẫn còn giữ thói quen dựng vợ, gả chồng cho con từ rất sớm.

Thậm chí, có những cô bé, cậu bé vừa mới bước qua tuổi 15, 16 chưa được bao lâu thì đã kịp làm cha, làm mẹ. Và từ đó, cuộc sống của những cặp vợ chồng mũi dãi này bắt đầu nảy sinh biết bao bi kịch, đớn đau và nước mắt…

 

Phong tục từ thuở hồng hoang

 

Nhìn trên bản đồ, xã Sơn Vỹ (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) chỉ là một chấm tròn nhỏ bé, ấy vậy mà chúng tôi nghe mãi vẫn không hết những câu chuyện buồn đến tê tái của những cô gái trẻ người Mông trót sớm “theo chồng bỏ cuộc chơi”. Các cô, phần lớn mới ở ngưỡng 19 - 20 tuổi nhưng đã kịp tay bồng, tay bế. Còn chồng của các cô, đa số cũng chỉ bằng tuổi vợ. Thế nên, cuộc sống của những đôi vợ chồng trẻ này chưa bao giờ thoát ra khỏi cảnh đói nghèo, tăm tối. Ở những xóm, bản nơi biên giới, người ta rất dễ dàng bắt gặp những cảnh đời như thế. Song, có một điều lạ là bất chấp những tuyên truyền giáo dục của các cơ quan, bất chấp những tấm gương khổ ải tày liếp, những chàng trai, cô gái Mông vẫn tiếp tục truyền thống lập gia đình từ khi còn trẻ, mặc cho khó khăn, bất trắc có thể xảy ra.

 

Như cặp vợ chồng Giàng Thị Sua và Vàng A Tếnh (cùng SN 1992, ở Sơn Vỹ) cưới nhau năm 2008. Khi đó, cả Sua và chồng mới gần 17 tuổi. Nhà ít nương, lại không được đi học nên lấy chồng là giải pháp tốt nhất đối với Sua. Lấy nhau mới được vài năm mà Sua cũng đã kịp 3 lần làm mẹ. Ba đứa con Sua, đứa lớn nhất sinh đầu năm 2009, còn đứa út mới vài tháng tuổi. Đói ăn, rách mặc, cả 3 đứa đều còi cọc, gầy còm và nhếch nhác.

Lời ru buồn trên đỉnh núi

 

Mẹ con Giàng Thị Sua

 

Từ ngày lấy chồng, phần lớn thời gian của Sua chỉ để dành cho chuyện mang thai và sinh nở. 5 năm làm vợ, Sua 27 tháng vác bụng bầu, còn lại là nuôi con nhỏ. Mọi việc trong gia đình, ban đầu Sua đều trông cả vào chồng. Thế nhưng, Vàng Anh Tếnh, chồng Sua cũng nghề nghiệp không có, nói tiếng Kinh như nhặt thóc, lại vẫn còn “thiếu niên tính” nên cuộc sống của gia đình Sua, bữa đói nhiều hơn bữa no. Ngày ngày, dân bản đều thấy Sua bụng mang dạ chửa vác dao, đeo gùi vào rừng hái măng, chặt củi mang xuống chợ đổi rau và gạo. Cuộc sống lam lũ khiến Sua già hơn tuổi rất nhiều. Thoạt nhìn khuôn mặt nhàu nhĩ, khắc khổ của Sua, ít ai nghĩ rằng cô mới vừa tròn 21 tuổi.

 

Mẹ thì như vậy nên lũ trẻ, con Sua cũng nhem nhuốc không kém. Lớn lên trong đói khát, lại không nhận được sự chăm sóc đầy đủ nên đứa nào đứa nấy gầy gò, ốm yếu. Đứa con đầu của Sua dù đã hơn 4 tuổi nhưng chưa một lần được mẹ mua cho cân đường, hộp sữa. Món quà lớn nhất mà nó được nhận tính đến giờ là mấy thanh kẹo mút. Hai đứa con thứ hai và ba của Sua cũng vậy. Chúng sinh ra, lớn lên tự nhiên như cây cỏ. Sua cũng chả nghĩ nhiều đến chuyện cho con đi khám thử một lần xem chúng có bị suy dinh dưỡng hay không. Mặc dù nhìn đám con Sua, bất cứ người cha, người mẹ bình thường nào cũng nhận ra sự thiếu dưỡng chất trong cơ thể chúng.

 

Ở cái nơi “vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây” này, không chỉ riêng mình Sua lâm vào cảnh khốn cùng vì trót mang gánh nặng mưu sinh từ quá sớm, mà mẹ Sua, bà ngoại, bà cố ngoại Sua cũng đều như vậy. Trong số họ, không ai biết được chính xác phong tục lấy vợ, lấy chồng sớm có tự bao giờ. Đồng thời, họ cũng không hề biết Luật Hôn nhân - Gia đình ra sao, kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, nuôi dưỡng trẻ sơ sinh, kế hoạch hóa gia đình thế nào, bởi tập tục tảo hôn đã ăn sâu trong suy nghĩ của đồng bào đã quá lâu rồi. Thế nên, cứ đời nọ nối đời kia, con gái bản Mông mới lớn lên, chưa kịp làm dáng trước ánh mắt đàn ông đã vội vàng làm vợ. 

 

Dọa “ăn lá ngón” để được lấy chồng

 

Trong những năm qua, nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn, công tác tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình luôn được chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể ở xã Sơn Vỹ tích cực lồng ghép tuyên truyền. Từ đó, giúp người dân nói chung và đồng bào dân tộc Mông nói riêng biết được độ tuổi kết hôn mà Nhà nước quy định. Tuy nhiên, nhiều khi "phép vua" vẫn phải thua "lệ làng", chuyện tảo hôn ở một số bản giáp biên thảng hoặc vẫn xảy ra. Nhiều gia đình biết rằng cưới vợ, cưới chồng cho con khi chúng chưa đủ tuổi là sai quy định, là bị phạt, nhưng đôi khi họ vẫn cứ giết gà, mổ lợn tổ chức hôn lễ bình thường, vài năm sau mới nhắc nhở con mình đi đăng ký. Những trường hợp như thế, chính quyền rất khó để xử lý. Thế nên, có một thực trạng là nhiều cặp vợ chồng trẻ ở đây đã “ăn cùng mâm, ngủ cùng giường” đến vài năm, sinh con đẻ cái đề huề rồi mới bồng bế, dắt díu nhau đến ủy ban, vừa làm giấy kết hôn cho cha mẹ, vừa khai sinh cho con.

 

Anh Vàng A Chờ, cán bộ văn hóa xã Sơn Vỹ bảo: Từ xưa đến nay, người dân ở đây vẫn quan niệm con gái 16 - 17 tuổi mà chưa lấy chồng hoặc chưa có ai dạm hỏi thì bị chê là quá lứa, lỡ thì, thậm chí, còn bị mang nhiều điều tiếng xấu. Lúc đến tuyên truyền vận động, người ta cứ nghe rồi ậm ừ ra chiều thông hiểu lắm, nhưng khi bóng cán bộ vừa khuất đầu bản thì đâu lại vào đấy cả thôi, cứ như thể gió thổi đỉnh rừng. Phần nữa là vì đời sống của dân bản giờ đây khấm khá lên nhiều, con gái, con trai 16 – 17 tuổi là nhìn đã phổng phao chả khác gì người lớn. Chúng tự do tìm hiểu, yêu đương rồi nằng nặc đòi cưới, không được thì dọa uống thuốc sâu, ăn lá ngón tự tử, bố mẹ biết phải làm sao?”.

 

Lời ru buồn trên đỉnh núi

 

Vàng Thị Mẩy nhìn già hơn cái tuổi 20 rất nhiều

 

Cũng chính nhờ “màn kịch” “cưỡi lá về trời” ấy mà Vàng Thị Mẩy (SN 1993) được bố mẹ đồng ý cho lấy chồng khi mới gần 17 tuổi. Chồng Mẩy, người cùng bản, hơn vợ 2 tuổi. Ba năm làm vợ, Mẩy sinh liền hai đứa con. Cuộc sống vợ chồng hạnh phúc chẳng được bao, chồng Mẩy sa đà rượu chè và hay đánh đập vợ con. Miếng cơm, manh áo ghì sát đất biến Mẩy thành người đàn bà khác, tàn tạ và héo úa. Ông Chua, bố Mẩy bảo rằng: “Biết chứ, con Mẩy không đủ 18 tuổi mà lấy chồng là bị xã phạt, nhưng đêm nào cũng thấy nó và thằng người yêu tí toáy nhắn tin, gọi điện cho nhau suốt. Yêu thế mà không cho cưới, lỡ chúng nó rủ nhau làm liều thì mình mất con à? Mà con gái trong vùng này ở tuổi đó đều đi lấy chồng hết rồi, con mình không lấy sớm thì sau này chỉ lấy thằng vợ chết, vợ bỏ thôi!". 

 

Theo anh Chờ thì tình trạng tảo hôn ở vùng cao xuất phát từ trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán lạc hậu, nhận thức của người dân về Luật Hôn nhân và Gia đình còn hạn chế; nhiều gia đình chưa quan tâm đến việc giáo dục con em về quan hệ nam nữ không lành mạnh, đã có một số trường hợp xảy ra "sự cố" buộc cha mẹ phải tổ chức đám cưới vì bọn trẻ đã trót "ăn cơm trước kẻng". Hơn nữa, do xã hội phát triển, phương tiện đi lại thuận tiện, thiết bị liên lạc rộng khắp nên điều kiện giao tiếp của thanh thiếu niên ngày nay cũng không bị bó hẹp trong các mối quan hệ làng bản. Chỉ cần bỏ ra vài trăm nghìn là các em đã có thể sắm cho mình một chiếc điện thoại di động để liên lạc với nhau, nhiều cuộc hôn nhân cũng bắt đầu từ đó.

 

Một hủ tục cần xóa bỏ

 

Dường như, giác ngộ với lối sống tân tiến, các sơn nữ giờ đây cũng đã biết cặp kè, yêu đương từ rất sớm. Dù rằng cuộc sống vùng cao có ngày một thay đổi thì phần lớn các em ở đây vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi trong quá trình tiếp cận tri thức, hiểu biết xã hội so với các bạn cùng trang lứa dưới đồng bằng. Ngày ngày, phần lớn các em vẫn phải một nắng, hai sương giúp bố mẹ việc nương rẫy, thế nên, nhiều em vẫn hồn nhiên xem chuyện yêu hoặc thích ai đó rồi thành vợ, thành chồng bất kể tuổi tác là chuyện bình thường. Các em chưa ý thức được rằng, đằng sau những cuộc hôn nhân vội vã đó ẩn chứa những hiểm họa khôn lường.

 

Không chỉ riêng gì Sơn Vỹ, mà trên thực tế nhiều bản làng vùng cao vẫn đang phải đối mặt với nạn tảo hôn. Bởi, khi đời sống xã hội càng phát triển thì bao giờ cũng kéo theo nhiều hệ lụy. Nếu không được trang bị đầy đủ kiến thức, lớp trẻ rất dễ dẫn đến những hành động, hành vi không kiểm soát. Trong những cặp vợ chồng lấy nhau khi chưa đủ độ tuổi pháp luật cho phép thì không ít cặp phải cưới “theo chỉ định của bác sỹ”. Hơn nữa, do không được học hành đến nơi đến chốn, không nghề nghiệp ổn định nên phần lớn các thiếu nữ vùng cao chỉ 18,19 tuổi đã con bồng, con bế. Họ sớm khép thời thiếu nữ rong chơi, mơ mộng của mình bằng những gánh nặng lo toan cơm áo, gạo tiền. Có nhiều cặp mà bản thân cả chồng lẫn vợ chưa kịp lớn khôn đã vội làm cha, làm mẹ, gia đình cãi cọ liên miên. Thậm chí, có những gia đình mà cộng tuổi của cả chồng, cả vợ, cả con cũng không được 40. 

 

Theo kết quả một số nghiên cứu cho thấy: Trẻ sinh ra bởi các cặp tảo hôn có tỷ lệ nhẹ cân (dưới 2.500g), còi cọc, phát triển chậm và dị tật bẩm sinh cao hơn so với những đứa trẻ khác. Việc mang thai và sinh đẻ khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, chưa đủ sức khỏe để nuôi dưỡng bào thai sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ người mẹ và sự phát triển bình thường của thai nhi, là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới đẻ non, trẻ sơ sinh nhẹ cân, dị dạng, dị tật, thậm chí tử vong. Mặt khác, phần lớn các cặp vợ chồng tảo hôn khi tuổi đời còn ít, phải nghỉ học, mất cơ hội học tập, thiếu kiến thức xã hội, thường rơi vào cảnh nghèo túng, nhiều cặp tan vỡ hạnh phúc gia đình, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của trẻ em.

 

Nam Hoàng

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lời ru buồn trên đỉnh núi