Lời ru buồn sau “cổng trời” xứ Thanh

Thanh Phương| 02/12/2015 07:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cuộc sống nghèo đói, bị chia cắt với thế giới bên ngoài, kèm theo đó là những phong tục, tập quán lạc hậu đã buộc chặt con người nơi đây trong vòng tù túng, cơ cực.

Tình trạng tảo hôn đã và đang đoạt đi quyền được học tập, vui chơi của trẻ em gái dân tộc, miền núi ở Thanh Hóa. Họ buộc phải sống trong sự lạc hậu, nghèo đói với rất nhiều nguy cơ tổn hại về sức khỏe, tinh thần…

Lấy chồng từ thủa 13

Vì muốn gia đình bớt đi một miệng ăn, những người lớn sớm cho con cái đi lấy chồng ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Rồi, những đứa trẻ ấy trở thành bố, thành mẹ khi kinh tế gia đình chỉ có một túp lều, con dao, cái dựa và sắn ở trên nương...

Lời ru buồn sau “cổng trời” xứ Thanh

Một góc huyện Mường Lát nghèo xơ xác

Vùng dân tộc, miền núi Thanh Hóa có 6 dân tộc thiểu số: Mường, Thái, Mông, Thổ, Dao, Khơ mú, cư trú trên địa bàn 11 huyện miền núi. Trong những năm qua, nhiều chủ trương, giải pháp được triển khai một cách sâu rộng, đa số việc kết hôn của các dân tộc thiểu số thực hiện theo Luật Hôn nhân gia đình. Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn còn diễn ra trong cả 6 dân tộc thiểu số.

Theo số liệu thống kê từ năm 2011 đến tháng 6/2015, toàn vùng dân tộc miền núi có 1.207 cặp tảo hôn, bình quân hàng năm có từ 250 đến gần 400 cặp tảo hôn, tập trung ở các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Ngọc Lặc. Sau khi kết hôn, hầu hết họ chưa thể sống tự lập vì tuổi còn quá nhỏ, những trường hợp bố mẹ cho ra ở riêng gặp rất nhiều khó khăn. Hậu quả của vấn nạn tảo hôn để lại rất lớn làm suy giảm về chất lượng dân số, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người mẹ và tính mạng của trẻ sơ sinh.

Sau bao dự định, cuối cùng chúng tôi quyết định vượt gần 300km đến những huyện vùng biên xa nhất tỉnh Thanh Hóa. Hơn 11 giờ vật lộn trên đường những lúc tưởng chạm tới mây trời, lúc lại lao xuống vực sâu thẳm, PV mới đến được “cổng trời”, nơi có độ cao hơn 700m so với mặt nước biển. Mới 2 giờ chiều nhưng sương mù đã dày đặc, ánh đèn xe le lói như điểm sáng nhỏ nhoi giữa đêm đen mịt mùng. Qua rất nhiều cung đường hình chữ U kéo dài, Mường Lát hiện ra với vẻ đẹp nguyên sơ như bức tranh thủy mặc giữa núi rừng. Trong bức tranh hùng vỹ đó, những bản làng nằm ẩn hiện trong sương núi, những ngôi nhà sàn đơn sơ, trống hơ, trống hoác, những người mẹ trẻ địu con trên lưng với những đôi mắt đượm buồn, những đứa trẻ với chiếc áo mỏng, bùn đất lấm lem… là những “nốt trầm” khiến chúng tôi không khỏi nhói lòng. Mường Lát đẹp, thơ mộng nhưng còn nghèo đói, xơ xác!

Mười lăm tuổi, Thao Thị Lau ở bản Chim, xã Nhi Sơn, huyện vùng cao Mường Lát đẹp như đóa hoa rừng e ấp nở giữa đại ngàn, bất cứ gã trai bản nào cũng muốn “hái” cho bằng được về làm của riêng mình. Ở tuổi ấy, phụ nữ trong bản đã bị bắt làm vợ, riêng Lau ôm ấp khát khao được đi học, được biết cái chữ và được làm cô giáo cắm bản như những cô giáo miền xuôi. Nhiều lần thầy cô cùng cán bộ về tận nhà vận động cha mẹ, cho chị em Lau được đến trường. Tuy nhiên, bố Lau là một người suốt ngày say sưa, theo ông, cái chữ không làm cho cái bụng no được, chỉ có lên nương làm rẫy mới có cái để ăn.

Lời ru buồn sau “cổng trời” xứ Thanh

Mới 20 tuổi nhưng Lau đã có đến 2 mặt con

Cũng như bao cô gái Mông khác, 14 tuổi, Lau bị bắt làm vợ trong một đêm đông cuối mùa thu hoạch, người chồng Lau là Lâu A Dế. Dế hiền lành, ham việc và cũng chỉ hơn Lau 2 tuổi. Ngày sinh đứa con đầu lòng khi mới 15 tuổi, Lau khóc như mưa vì đau đớn. Đứa con đầu lòng bé quá, chỉ nặng 1,5kg khiến việc nuôi con vô cùng vất vả...

Đến năm 17 tuổi, Lau đã kịp đẻ cho nhà chồng 2 mặt con. Rồi vợ chồng Lau được cho ra ở riêng, Lau chỉ biết ngày ngày lầm lụi cắm mặt vào vạt nương, vào xó bếp, nhếch nhác một nách 2 đứa con thơ dại… Sau 2 lần sinh đẻ kề nhau, quanh năm cắm mặt vào nương rẫy, vẻ đẹp ngây thơ ngày nào giờ đã biến mất, thay vào đó là mái tóc khét nắng, buông lòa xòa che đi một phần khuôn mặt, đôi bàn tay, bàn chân Lau hằn những nứt nẻ chai sạn, khắc khổ… 

Đi tìm lời giải cho nạn tảo hôn ở vùng núi xứ Thanh

Bên bếp lửa và chén rượu ngô, Trưởng ban Dân số xã Nhi Sơn Sung Văn Tho bộc bạch: Phần đông đồng bào dân tộc Mông ở đây đều mù chữ và không nói sõi tiếng Kinh, chính những điều này đã trở thành vật cản rất lớn để bà con có thể hòa nhập với miền xuôi và phát triển kinh tế. Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách như tuyên truyền, hỗ trợ về kinh tế, an sinh xã hội, giáo dục để giảm thiểu tình trạng tảo hôn trong đồng bào người Mông nhưng hiệu quả đem lại cũng không được là bao. Con gái không được đi học thì cũng chỉ khoảng 13 - 15 tuổi đã bị bắt làm vợ.

Khi đang học lớp 5 Trường Tiểu học Quang Chiểu (Mường Lát), Vi Thị Điều buộc phải nghỉ giữa chừng vì gia đình quá nghèo. Ngày ngày, Điều lên nương theo cha mẹ đi hái măng rừng, trồng ngô, sắn kiếm ăn qua ngày. Từ một cô học trò nhỏ hồn nhiên, em phải làm quen với cuộc sống nhọc nhằn nơi nương rẫy. Điều nghỉ học ở nhà phụ giúp bố mẹ nửa năm thì lấy chồng, lúc em tròn 13 tuổi. Năm nay ở tuổi 14, em đã sinh con đầu lòng và hằng ngày địu con lên nương làm rẫy…

Lời ru buồn sau “cổng trời” xứ Thanh

Người mẹ trẻ Vi Thị Điều

Theo số liệu của Trung tâm dân số kế hoạch hóa gia đình Mường Lát, bình quân hằng năm trên địa bàn Mường Lát xảy ra hàng trăm vụ tảo hôn. Chỉ tính riêng trong năm 2014, toàn huyện có gần 300 trường hợp, chủ yếu là người Mông. Tục bắt vợ trong dịp Tết cuối mùa thu hoạch hằng năm của người Mông đang là trở ngại lớn trong việc chấm dứt nạn tảo hôn nơi biên viễn xứ Thanh.

Do ảnh hưởng của những quan niệm, phong tục tập quán lạc hậu lâu đời của các dân tộc thiểu số ở vùng cao nên việc kết hôn vẫn dựa trên cơ sở phong tục, tập quán cũ, việc lấy vợ, lấy chồng phụ thuộc vào sự đồng ý của cha mẹ. Bên cạnh đó, người dân tộc thiểu số có quan niệm, họ muốn con cái yên bề gia thất sớm, có người nối dõi và có thêm lao động để giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.

Lời ru buồn sau “cổng trời” xứ Thanh

Ông Lương Văn Tưởng, Trưởng ban dân tộc tỉnh Thanh Hóa

Trao đổi với PV, ông Lương Văn Tưởng, Trưởng Ban dân tộc tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trước thực trạng đáng báo động về nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt “Đề án giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”. Đây là việc làm hết sức cần thiết, có ý nghĩa quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia về DS-KHHGĐ. Mục tiêu của Đề án là đến năm 2020 sẽ ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của đồng bào dân tộc, giảm dần sự chênh lệch giữa miền núi và miền xuôi. Bên cạnh đó, Đề án thực hiện sẽ góp phần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ cơ sở về những hệ lụy của nạn tảo hôn.

“Đề án thực hiện trên phạm vi rộng, nhiều nội dung, liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương. Vì vậy, trong quá trình tổ chức thực hiện cần có sự phối hợp chặt chẽ, sự kiểm tra, đôn đốc thường xuyên của các ngành chức năng và lồng ghép thực hiện các nguồn vốn để Đề án đạt hiệu quả cao nhất”, ông Tưởng cho biết thêm.

Để người dân loại bỏ được những phong tục, tập quán lạc hậu, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục, Nhà nước cần có cơ chế đặc thù, đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, chuyển đổi cây trồng, áp dụng khoa học công nghệ, tạo công ăn việc làm giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Đó mới là căn nguyên giải quyết tận gốc các hủ tục đang tồn tại ở các vùng sâu, vùng xa của tỉnh Thanh Hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lời ru buồn sau “cổng trời” xứ Thanh