Lời giải nào cho dự án 8B Lê Trực?

Gia Thành| 19/08/2016 09:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dù chưa được duyệt phương án phá dỡ, chưa có đơn vị thẩm tra, tư vấn giám sát nhưng ngày 4/8 vừa qua, đơn vị chức năng của quận Ba Đình và phường Điện Biên đã tổ chức cưỡng chế phá dỡ toà nhà 8B Lê Trực.

Hiện tại tòa nhà có nguy cơ bị lún nứt không đảm bảo an toàn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu, tuổi thọ phần công trình còn lại.

Doanh nghiệp thiệt đủ đường

Ngày 3/8, UBND TP Hà Nội đã có văn bản số 6672/VP-ĐT về việc thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ về Dự án Đầu tư xây dựng số 8B Lê Trực - Ba Đình (Hà Nội). Nội dung công văn đã nêu rõ, phía đơn vị phá dỡ là Công ty CP Hạ tầng Phương Bắc hiện vẫn chưa hoàn thiện được phương án phá dỡ và phải khẩn trương hoàn thiện trong thời gian tới.

Theo văn bản hướng dẫn số 11579 của Sở Xây dựng Hà Nội thì phương án phá dỡ phải được thực hiện trong thời gian dài và phải được thực hiện qua nhiều bước. Tuy nhiên, chỉ sau 1 ngày khi văn bản số 6672 ban hành, cơ quan chức năng đã nhanh chóng cho phá dỡ công trình. Đây là lần thứ 3 liên tiếp, UBND quận Ba Đình và các đơn vị quản lý cho tổ chức cưỡng chế phá dỡ công trình khi chưa có phương án.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án 8B Lê Trực đã được UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tại Quyết định 2452 với các chỉ tiêu quy hoạch: công trình cao 17 tầng (chưa bao gồm 2 tầng kỹ thuật, tầng mái, tum thang), tổng cộng là 20 tầng với chiều cao tối đa 70m.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cũng đã phê duyệt chấp thuận Quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 và phương án thiết kế kiến trúc kèm theo Văn bản số 499 với các chỉ tiêu quy hoạch 20 tầng (17 tầng, 2 tầng kỹ thuật, 1 tầng mái, tum thang).

Tuy nhiên, sau 4 năm, công trình lại bị hồi tố khi Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép xây dựng điều chỉnh từ toà nhà cao 20 tầng với chiều cao 69,1m thành toà nhà chỉ còn 18 tầng với chiều cao 53m.

Lời giải nào cho dự án 8B Lê Trực?

Phá dỡ không đúng cách sẽ gây thiệt hại cho tòa nhà 8B Lê Trực

Chính việc quy hoạch một đằng, cấp giấy phép một nẻo, đã khiến doanh nghiệp gặp muôn vàn khó khăn đối với các vấn đề kỹ thuật, công năng sử dụng của các tầng trong toà nhà. Qua điều tra cho thấy, dự án được cấp phép 18 tầng với chiều cao bình quân các tầng là 2,94m (53m:18 tầng +2,94m), trong khi chiều dày bê tông dầm sàn, trần đã chiếm tới 0,6m. Như vậy chiều cao thông thuỷ chỉ còn lại khoảng 2,4m, không đạt tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam về thiết kế phòng ở nhà cao tầng là không được nhỏ hơn 3m.

Chưa kể, mọi trang thiết bị cơ điện, phòng cháy chữa cháy đã được chủ đầu tư mua sắm lắp đặt cho chiều cao mỗi tầng là 3,3m như phương án ban đầu đã được duyệt. Do vậy, để công trình có thể hoàn thiện, doanh nghiệp đã phải nâng chiều cao lên thêm 1,9m (đã bao gồm chiều dày của sàn bê tông, dầm sàn, trang thiết bị cơ điện, phòng cháy chữa cháy).

Đối với 5 tầng văn phòng của toà nhà để đảm bảo không gian bố trí hệ thống phòng cháy chữa cháy, điều hoà thông gió, chủ đầu tư nâng chiều cao mỗi tầng lên khoảng 0,5m. Bởi nếu không nâng, thì chiều cao mỗi tầng sau khi trừ đi phần bê tông, dầm sàn, hệ thống kỹ thuật và thiết bị phòng cháy chữa cháy thì chiều cao thông thuỷ của tầng chỉ còn 1,9m.

Ai phải chịu trách nhiệm?

Điều khiến cho chủ đầu tư đến nay không “tâm phục, khẩu phục” chính là sự không đồng nhất của khâu quy hoạch chi tiết và Giấy phép xây dựng như đã đề cập ở trên dẫn đến việc công trình 8B Lê Trực xây vượt tầng và quá chiều cao. Việc điều chỉnh quy hoạch chỉ căn cứ vào Quyết định 2452 chứ chưa có một quyết định hay quy hoạch khác nào thay thế.

Như vậy, bản thân văn bản điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng này là đã không phù hợp với quy hoạch chi tiết 1/500. Mặt khác, UBND TP Hà Nội và Sở Quy hoạch - Kiến trúc mới chỉ có các văn bản với nội dung thông báo.

Trong khi vốn dĩ trình tự điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng đã được quy định rõ tại Điều 39, Chương quy hoạch xây dựng Luật Xây dựng 2014. Trên thực tế, các nhà quản lý và đơn vị có thẩm quyền trong điều chỉnh quy hoạch xây dựng đã bỏ qua các bước này, thậm chí còn không công khai quy hoạch.

Mặc dù điều kiện điều chỉnh quy hoạch xây dựng đã được quy định cụ thể tại khoản 2, Điều 35, Mục 6 về điều chỉnh quy hoạch, Chương Quy hoạch Xây dựng, Luật Xây dựng 2014, song chẳng có mấy dự án nào trên địa bàn Hà Nội áp dụng theo đúng các quy định này.

Có thể khẳng định, sự dễ dãi này đã và đang gây những thiệt hại lớn về tiền của, hạ tầng xã hội cũng như hạ tầng đô thị như câu chuyện của dự án 8B Lê Trực. Người có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường thiệt hại do việc cấp giấy phép sai hoặc cấp giấy phép chậm theo quy định của pháp luật theo khoản 5, Điều 104 Luật Xây dựng 2014. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lời giải nào cho dự án 8B Lê Trực?