Luật phá sản 2014 có nhiều nội dung mới so với Luật phá sản năm 2004, trong đó có chế định Quản tài viên, và một số quy định khác. Nhiều chuyên gia, Thẩm phán dự hội thảo “Tổng kết thực tiễn thi hành Luật Phá sản năm 2014” ngày 4/12 đã đề cập đến thực trạng bất cập liên quan đến nội dung này hiện nay.
Hội thảo được nghe đại diện Vụ Pháp chế và quản lý khoa học TANDTC báo những điểm bất cập, vướng mắc từ thực tiễn thi hành Luật phá sản 2014. Qua đó có những nghiên cứu giải quyết, đề xuất việc hướng dẫn áp dụng thống nhất, các giải pháp khác nhằm giảm thời gian, chi phí phá sản doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả và tỷ lệ doanh nghiệp, hợp tác xã phục hồi hoạt động kinh doanh, bảo vệ tốt hơn quyền của chủ nợ..., đồng thời đánh giá tính cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung Luật này trong giai đoạn hiện nay.
Lợi dụng luật ép doanh nghiệp phá sản
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày tham luận về thực tiễn xét xử tại đơn vị mình và đưa ra những kiến nghị, đề xuất; trong đó đáng chú ý là những nội dung được Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Dung- Chánh Tòa kinh tế, TAND TP Hồ Chí Minh nêu ra tại hội nghị.
Bà Dung cho biết: Qua công tác thống kê tại hai cấp Tòa án cho thấy, thời gian giải quyết một vụ việc phá sản nhanh nhất là 02 năm. Các loại vụ việc phá sản chiếm tỷ lệ nhỏ trong các tranh chấp về kinh doanh thương mại. Tuy nhiên, hầu hết các vụ việc phá sản mang tính chất rất phức tạp, bao gồm nhiều quan hệ pháp luật như các loại hợp đồng tín dụng, thế chấp, gia công, mua bán… cho đến quan hệ về tiền lương, bảo hiểm, thuế… có những hồ sơ vụ việc phá sản phải giải quyết hàng trăm hồ sơ tín dụng, có hàng trăm chủ nợ, con nợ…với thời gian giải quyết kéo dài nhiều năm. Vì vậy đòi hỏi Thẩm phán không những phải nắm vững kiến thức về Luật Phá sản mà còn phải nắm vững kiến thức của các lĩnh vực liên quan.
Bên cạnh đó, việc nhận thức về pháp luật phá sản chưa đầy đủ của doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã và cá nhân cũng là một trong những nguyên nhân của tình trạng này.
Một số cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng quy định của Luật Phá sản đã nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản để ép các doanh nghiệp, hợp tác xã mắc nợ phải trả nợ mà không chọn khởi kiện đòi nợ. Hoặc có nhiều doanh nghiệp muốn trốn tránh trách nhiệm trả nợ đã yêu cầu tuyên bố phá sản cho chính doanh nghiệp của mình; nhiều doanh nghiệp không hợp tác, không chấp hành pháp luật, không nộp tài liệu, chứng cứ quan trọng để giải quyết vụ án. Những trường hợp này, đều hiểu không đúng về ý nghĩa và bản chất của Luật phá sản, gây nhiều khó khăn trong quá trình giải quyết vụ việc.
Đặc biệt, có rất nhiều hồ sơ mở thủ tục phá sản nhưng người bị yêu cầu không hợp tác, không đến Tòa án, không cung cấp được các tài liệu, chứng cứ cần thiết để giải quyết vụ việc như hồ sơ doanh nghiệp, các chứng từ, báo cáo tài chính, báo cáo giải trình công nợ….
Các vụ việc thời gian thụ lý giải quyết kéo dài nhiều năm chiếm số lượng lớn, hoặc thụ lý trên 10 năm chưa giải quyết được. Ví dụ như: Yêu cầu tuyên bố phá sản Công ty TNHH TM&DV Viễn Đông, có Quyết định mở thủ tục phá sản ngày 06/8/2008 đến nay vẫn chưa giải quyết xong vì đương sự không hợp tác giải quyết, không đến Tòa án làm việc theo giấy triệu tập; có nhiều vụ việc trong tình trạng tương tự…
Quản tài viên còn thiếu kỹ năng, kiến thức
Về Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản: Nghị định số 22/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản, việc cấp Chứng chỉ hành nghề cho các Quản tài viên và đăng ký hoạt động cho doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đã được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi, tạo điều kiện cho việc hình thành đội ngũ Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản trong thời gian ngắn.
Theo số liệu thông kê của Bộ Tư pháp, tính đến tháng 4/2020, cả nước có 270 Quản tài viên hành nghề với tư cách cá nhân; hơn 40 doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đang hoạt động. Danh sách Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đã được Bộ Tư pháp đăng tải trên Công thông tin của Bộ Tư pháp. Các Quản tài viên, doanh nghiẹp quan lý, thanh lý tài sản đã được cơ quan Tòa án chỉ định trong các vụ việc phá sản doanh nghiệp mà Tòa án đã thụ lý giải quyết.
Tuy nhiên, theo bà Dung, nghề Quản tài viên là một nghề mới xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2015. Do đó, đội ngũ quản tài viên còn thiếu kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng xử lý vụ việc phá sản. Trong khi đó, theo Luật Phá sản thì vai trò của Quản tài viên rất quan trọng như xác minh, thu thập, quản lý tài liệu chứng cứ liên quan đến hoạt động quản lý của doanh nghiệp, lập bảng kê danh sách tài sản của chủ nợ, danh sách người mắc nợ; bảo quản tài sản, bán tài sản…
Nhưng do chi phí chi trả cho Quản tài viên không cao, nhiều doanh nghiệp không còn khả năng nộp chi phí nên các Quản tài viên không thực hiện hết trách nhiệm khi được chỉ định làm Quản tài viên; có trường hợp Quản tài viên không thực hiện hết nhiệm vụ của mình là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm giải quyết vụ việc và Thẩm phán phải thay đổi Quản tài viên.
Bà Dung cho hay, hiện nay, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 84 Quản tài viên và 18 doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản. Các Quản tài viên này xuất thân từ Luật sư, Kiểm toán viên, người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng. Tuy nhiên, số lượng Quản tài viên tham gia phụ trách vụ việc phá sản tại Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh rất ít, trong đó số Quản tài viên đã có kinh nghiệm giải quyết vụ việc phá sản chỉ vài người.