Vài tháng trở lại đây, xảy ra nhiều vụ thảm án đau lòng trong các gia đình mà thủ phạm gây án đều là người quen hoặc có quan hệ thân thiết với nạn nhân.
Giải mã hiện tượng này, nhiều chuyên gia cho rằng sự chủ quan, cảnh giác phòng ngừa của người dân là một trong nhưng nguyên nhân dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Công tác phòng ngừa tội phạm còn lỏng lẻo
Những vụ thảm án đang đau lòng xảy ra trong thời gian qua đang có xu hướng gia tăng trong xã hội, đặc biệt là ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đang trở thành nỗi lo đối với cộng đồng. Trong số những vụ thảm án điển hình gây xôn xao dư luận xảy ra gần đây như ở Bình Phước, Nghệ An, Lào Cai, Yên Bái có nhiều nạn nhân là các em nhỏ vô tội, không có khả năng tự vệ cũng bị sát hại một cách không thương tiếc.
Gần đây nhất, vụ thảm án xảy tại thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh khiến 4 bà cháu trong một gia đình bị sát hại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những đối tượng tội phạm “đội lốt quỷ” đang ẩn mình trong bóng đêm chưa được ngăn chặn.
Có thể thấy sự gia tăng những vụ thảm án là một điều đáng lo ngại, phán ánh sự tàn nhẫn trong các mối quan hệ xã hội giữa con người với con người. Thật khó có thể tìm ra nguyên nhân chính xác dẫn dắt con người đi đến tội ác, nhưng dường như đang có sự mất kiểm soát về hành vi đạo đức.
Lý giải nguyên nhân về những vụ thảm án xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, phần lớn các vụ thảm sát xảy ra, thủ phạm gây án thường có quan hệ nhất định với nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân. Động cơ gây án có thể do thù tức cá nhân, mâu thuẫn trong đời sống xã hội, tình cảm, tiền bạc.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm
Bằng kinh nghiệm thực tiễn tham gia bào chữa nhiều cho các bị can, bị cáo phạm các tội đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của công dân xảy ra tại địa bàn Hà Nội cũng như tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam, luật sư Nguyễn Anh Thơm đã đưa ra một số kỹ năng phòng và chống tội phạm, tự bảo vệ mình trong những trường hợp cần thiết và cấp bách.
Theo Luật sư Thơm, đối tượng gây án vì thường có quan hệ nhất định với nạn nhân nên sẽ biết và nắm được hoàn cảnh gia đình, tài sản, tiền bạc cũng như qui luật sinh hoạt của nạn nhân và gia đình để tìm cơ hội thích hợp gây án hoặc để trả thù nạn nhân.
Trong trường hợp nếu bị kẻ trộm đột nhập vào nhà thì mục đích đầu tiên của tên trộm là lấy tài sản. Do đó, nếu gia chủ không biết cách ứng xử mà lao vào bắt trộm thì theo khả năng tự vệ dẫn dắt, tên trộm sẽ chống trả bằng mọi cách để chạy thoát, thậm chí là giết người để bịt đầu mối. Bởi vậy, trong tình huống này, cần phải hết sức bình tĩnh. Nếu xét thấy không có khả năng chống lại thì cũng vờ như không biết. Trong tình huống bị trộm khống chế thì cố gắng bình tĩnh đáp ứng tốt nhất những yêu cầu của chúng. Sau đó cố gắng nhớ đặc điểm của chúng để thông báo ngay cho cơ quan Công an ngay khi chúng bỏ đi.
Đối với các cơ quan, doanh nghiệp, cần nắm rõ lý lịch công nhân, không nhận những đối tượng có lai lịch bất minh vào làm việc. Có lắp đặt hệ thống camera theo dõi bên trong và ngoài doanh nghiệp để chủ động phát hiện, phòng ngừa những cá nhân có biểu hiện bất thường. Đặc biệt, cần phải bố trí lực lượng bảo vệ túc trực hàng ngày tại doanh nghiệp. Tuyệt đối không cho bạn bè người quen của các nhân viên bảo vệ ngủ qua đêm tại doanh nghiệp. Đối với các cá nhân, gia đình, khi thuê người giúp việc, công nhân làm thuê phải nắm rõ nhân thân, lai lịch có được chính quyền địa phương xác nhận. Nếu cho ngủ qua đêm phải đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật.
Trong quan hệ tình cảm nam nữ, nếu phát sinh mâu thuẫn dẫn đến chia tay thì các bên cũng cần có những ứng xử có văn hóa. Chúng ta không nên khi chia tay lại tỏ thái độ thách thức, xúc phạm, coi thường nhau thì sẽ dẫn tới những suy nghĩ rất tiêu cực của người bị tổn thương trong việc chấm dứt tình cảm. Nếu khi chia tay mà một bên vẫn thường xuyên đe dọa bên kia thì cần phải nhẹ nhàng khuyên bảo, không nên thách thức. Nếu cần thiết phải thông báo cho gia đình và chính quyền địa phương nơi cư trú của đối tượng đe dọa để cơ quan pháp luật có những biện pháp răn đe, ngăn chặn, cảnh báo đối tượng.
Hạn chế xung đột
Nhìn nhận về một số vụ thảm án diễn ra gần đây, luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng kẻ phạm tội hành động, thực hiện hành vi giết người thường là mâu thuẫn bột phát về tình cảm, về quyền lợi kinh tế, chứ không phải là những mâu thuẫn lớn, lợi ích kinh tế lớn.
Qua một số vụ thảm án, có thể thấy điểm chung ở loại tội phạm này hầu hết là ở độ tuổi còn rất trẻ, học vấn không cao, bị sốc về tâm lý, thiếu thốn về mặt tình cảm, không cân bằng trong điều kiện phát triển nhân cách. Họ thực hiện hành vi giết người hàng loạt một cách hết sức bất ngờ, không ghê tay nhưng sau khi sự việc xảy ra thì lại rất sợ hãi, day dứt, dằn vặt.
Theo phân tích của Luật sư Cường, hành động giết người bắt nguồn từ nhân cách được hình thành từ gia đình, nhà trường và xã hội. Những đứa trẻ sinh ra, lớn lên trong một gia đình không có hạnh phúc, thiếu thốn tình cảm của cha mẹ, bị đối xử tàn ác, bất bình đẳng thì thường sẽ có “khuyết tật” về sự hình thành nhân cách còn những đưa trẻ được đến trường, được giáo dục một cách đầy đủ, bài bản kết hợp với sự quan tâm, giáo dục của gia đình thì sẽ phát triển tốt về nhân cách.
Bên cạnh đó, môi trường sống lạc hậu, phạm vi giao tiếp hẹp cũng có thể dẫn đến những nhận thức không đầy đủ về quyền con người, quyền sống, quyền được tôn trọng, bảo vệ về tính mạng, sức khỏe.
Thêm vào đó là nhận thức pháp luật không đầy đủ, không hiểu được hậu quả pháp lý mà mình phải gánh chịu nếu thực hiện hành vi giết người. Chính vì thế mà các đối tượng phạm tội ở vùng sâu, vùng xa thường lạnh lùng, tàn độc hơn những đối tượng có học thức, có nhận thức, được giáo dục đầy đủ ở môi trường đồng bằng, thành thị.
Nghi phạm vụ thảm án ở Quảng Ninh chính là cháu rể gia đình nạn nhân
Bởi vậy, sự quan tâm, giúp đỡ của những người xung quanh là một trong những vấn đề nhằm giảm thiểu những vụ án mạng đáng tiếc xảy ra. Nếu một người rơi vào tình thế khó khăn nhưng vẫn cảm nhận được sự quan tâm của những người khác thì họ sẽ vượt qua được những ý nghĩ đen tối. Phải có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội, phải có hệ thống pháp luật đầy đủ, hoàn chỉnh, nhân văn và phải tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để mọi công dân đều biết, chấp hành và sử dụng để bảo vệ mình.
Nói về bài học sâu sắc qua những vụ thảm án, Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học, hiện đang làm việc tại báo Công an nhân dân trong chia sẻ, trong tâm lý tội phạm, tất cả các đối tượng tội phạm nói chung chúng đều có một nỗi sợ hãi là bị phát hiện, bị bắt giữ và sợ bị xử lý trừng trị bởi pháp luật.
Cựu cảnh sát hình sự cho rằng, sự chủ quan, cảnh giác phòng ngừa của người dân là một trong nhưng nguyên nhân dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Do đó, biện pháp đầu tiên để phòng ngừa là mỗi người dân phải rèn luyện kỹ năng tự bảo vệ cho mình trước những tình huống nguy hiểm, hạn chế xung đột, hiềm khích trong các mối quan hệ xã hội.
Mặt khác, trong mỗi gia đình, hệ thống cửa phải kiên cố, đặc biệt là cửa tầng tum, cửa sổ phải gia cố cẩn thận để khi xảy ra những sự cố trong đêm chủ nhà có thể đưa những người không có khả năng tự vệ trong đó để khóa lại thì sẽ ngăn cách được với bên ngoài, bảo vệ người ta trong cái phạm vi an toàn.