Các quyết định mới của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ có hiệu lực từ ngày 20/11/2024. Các ngân hàng đang áp dụng mức lãi suất tiền gửi thế nào?
Ngân hàng Nhà nước cho biết, nhằm bảo đảm tính thống nhất về căn cứ pháp lý với các thông tư quy định về lãi suất tiền gửi, cơ quan này vừa ban hành các Quyết định 2410/QĐ-NHNN và 2411/QĐ-NHNN quy định về lãi suất tiền gửi. Trong đó chỉnh sửa căn cứ pháp lý ban hành và không thay đổi các mức lãi suất tiền gửi.
Cụ thể, Quyết định số 2410/QĐ-NHNN ngày 1/11 quy định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng USD của tổ chức và cá nhân đều là 0%/năm.
Quyết định số 2411/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VNĐ đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng ở mức 0,5%/năm; kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 4,75%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VNĐ tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô ở mức 5,25%/năm.
Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Các quyết định này có hiệu lực từ ngày 20/11/2024.
Ở một diễn biến có liên quan, ngày 13/11 một số ngân hàng điều chỉnh tăng mạnh lãi suất với các kỳ hạn khác nhau.
Đơn cử, Ngân hàng Viet A Bank tăng mạnh lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tăng thêm 0,3%/năm lên mức 3,7%/năm; lãi suất ở kỳ hạn 2 tháng tăng thêm 0,4%/năm lên mức 3,9%/năm; kỳ hạn 3 tháng tăng 0,3%/năm, lên 4%/năm; kỳ hạn 4-5 tháng cũng tăng thêm 0,3%/năm lên 4,1%/năm.
Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 - 8 tháng cũng tăng 0,4%/năm lên mức 5,2%/năm; kỳ hạn 9-11 tháng tăng 0,6%/năm lên 5,4%/năm; kỳ hạn 12-13 tháng tăng thêm 0,3%/năm lên 5,7%/năm; kỳ hạn 15 tháng cũng tăng lên 5,8%/năm; kỳ hạn 18 và 24 tháng lần lượt tăng thêm 0,2% và 0,1%/năm, hiện được niêm yết tại mức 5,9%/năm. Lãi suất kỳ hạn 36 tháng chạm mốc 6%/năm sau khi tăng thêm 0,2%/năm.
Trước đó, từ đầu tháng 11 trở lại đây, một số nhà băng đã điều chỉnh lãi suất tiết kiệm như ngân hàng VIB, ngân hàng MB, Techcombank, ABBank, Agribank,...
Theo kết quả điều tra của Vụ Dự báo, Thống kê - Ngân hàng Nhà nước, tính chung cả năm 2024, các tổ chức tín dụng dự báo mặt bằng lãi suất huy động tăng nhẹ (0,1%) và mặt bằng lãi suất cho vay giảm nhẹ (0,09%) so với cuối năm 2023.
Nhìn vào diễn biến lãi suất huy động thời gian qua, MBS Research dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 0,5% lên mức 5,2 - 5,5% vào cuối năm 2024.
Đối với nhóm ngân hàng quốc doanh, lãi suất huy động kỳ vọng sẽ đi ngang hoặc thậm chí giảm nhẹ vào cuối năm.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân vẫn còn áp lực tăng nhẹ lãi suất huy động nhằm thu hút vốn để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng. Nhóm ngân hàng có mức độ phụ thuộc lớn vào tiền gửi khách hàng và cơ cấu huy động vốn thiếu linh hoạt sẽ chịu áp lực lớn hơn trong việc duy trì lãi suất.
Liên quan đến tiền gửi tiết kiệm, số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước vừa công bố, tính đến cuối tháng 8/2024, lượng tiền gửi tiết kiệm của dân cư chảy vào hệ thống ngân hàng xấp xỉ 7 triệu tỷ đồng, đạt hơn 6,92 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm ngoái.
Còn so với cuối tháng 7/2024 lượng tiền gửi tiết kiệm của dân cư tăng thêm hơn 86.000 tỷ đồng, bình quân mỗi ngày có gần 3.000 tỷ đồng gửi vào hệ thống ngân hàng.
Trong khi đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng tính tới cuối tháng 8 cũng hơn 6,83 triệu tỷ đồng, giảm nhẹ so với cuối năm ngoái. Như vậy, tổng huy động vốn từ dân cư và tổ chức tín dụng của hệ thống ngân hàng đạt hơn 13,75 triệu tỷ đồng.