Nhiều nước đã công bố loại trừ bệnh sởi nhưng dịch vẫn quay lại. Theo Bộ Y tế, "kịch bản" sởi ở Việt Nam có thể quay lại năm 2014 nếu không quyết liệt trong công tác tiêm chủng.
PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, thống kê trong năm 2018, bệnh sởi đang diễn biến phức tạp không riêng miền Bắc mà cả phía Nam. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 1.100 ca dương tính với sởi tại 40 tỉnh, thành phố; 1 ca tại Hưng Yên tử vong.
Trong đó, Hà Nội có số mắc cao nhất, 405 ca, kế đó là các tỉnh vùng núi như Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Quảng Ninh, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Đồng Nai.
Theo ông Phu, dù số ca mắc có tăng so với 2017 nhưng bệnh chỉ diễn ra rải rác, không tập trung thành ổ dịch, so với giai đoạn 2010-2014 còn thấp hơn rất nhiều. Trong đó gần 90% trường hợp mắc chưa được tiêm chủng hoặc tiêm không đủ mũi. Độ tuổi mắc chủ yếu ở nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi (chiếm 21,4%) và 1-4 tuổi (37,8%).
Bác sĩ thăm khám cho các bệnh nhận bị bệnh sởi
Năm 2018-2019 bắt đầu bước vào chu kỳ dịch sởi sau 4 năm (tại Hà Nội dịch bệnh sởi xuất hiện và bùng phát vào năm 2014), mặc dù tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vắc xin sởi của Hà Nội luôn đạt so với tỷ lệ chung của quốc gia (từ 95 - 97%). Thế nhưng, hàng năm vẫn còn khoảng 3-5% trẻ không được tiêm vắc xin sởi, là đối tượng dễ mắc bệnh.
"Tại nhiều nước trên thế giới, dịch sởi quay lại đều rơi vào nhóm đối tượng không tiêm chủng. Việt Nam cũng vậy, không quyết liệt dịch sẽ quay trở lại, nặng nề như năm 2014. Bởi dù số lượng tiêm vắc xin sởi đạt đến 90%, chỉ 10% còn sót không tiêm chủng, tích lũy trong 4- 5 năm số trẻ không được tiêm đã gần bằng số trẻ sinh ra trong một năm và đây chính là yếu tố khiến sởi xảy ra", PGS Phu giải thích.
Bên cạnh đó, hàng năm, thường xuyên có nhiều trẻ em, học sinh, sinh viên, người lao động các tỉnh, thành phố đến Hà Nội sinh sống, học tập, làm việc chưa được tiêm chủng đầy đủ sẽ tạo thành khối cảm thụ đủ lớn không có miễn dịch với bệnh sởi sẽ làm tăng nguy cơ về bệnh.
Hiện Bộ Y tế đã có chỉ đạo tiêm chiến dịch sởi trong tháng 12 và quý 1 năm 2019. "Mục tiêu làm sao tuyên truyền để những trẻ trước chưa được tiêm, chưa từng tiêm giờ phải đi tiêm phòng. Nếu làm không tốt, số trẻ này vẫn sót lại, nguy cơ dịch sởi xảy ra vẫn rất lớn", Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhận định.
Đại diện Cục Y tế dự phòng cũng cho biết, trước tình hình dịch trên, ngành Y tế đã tăng cường giám sát chủ động tại cộng đồng, cửa khẩu qua giám sát thường xuyên và giám sát trọng điểm để phát hiện sớm ca bệnh, cách ly và xử lý triệt để ổ dịch; kiện toàn nâng cấp phòng xét nghiệm; thường xuyên cập nhật, ban hành các khuyến cáo phòng chống dịch bệnh và các biện pháp phòng bệnh tại cộng đồng.