Từ đầu năm đến nay toàn thành phố đã ghi nhận 45 trường hợp mắc sởi, 1 ca tử vong. Điều quan ngại nhất hiện nay là có đến gần nửa số bệnh nhi mắc sởi là chưa được tiêm chủng.
Đó là thông tin được TS.BS Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đưa ra tại Hội nghị tăng cường phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân khu vực phía Bắc 2017-2018 diễn ra ngày 3/11.
Theo đó, tổng số 45 ca mắc sởi nằm rải rác ở 40 xã, phường của 21 quận, huyện. Xu hướng bệnh tăng nhanh trong các tuần gần đây, với trung bình 4-5 bệnh nhân mắc mới/tuần.
Ông Cảm cho biết, sởi là bệnh lưu hành ở nhiều địa phương trong đó có Hà Nội. Số mắc vẫn rải rác quanh năm tuy nhiên số mắc tăng cao trong những tháng Đông Xuân. Thời gian qua, thời tiết bắt đầu lạnh chính vì vậy số ca mắc bệnh sởi tăng nhanh là theo đúng chu kỳ.
Tiêm vắc xin phòng sởi đầy đủ là biện pháp phòng dịch hiệu quả trong tình hình bệnh sởi đang gia tăng người mắc
"Dịch sởi ở Hà Nội cao nhất là vào năm 2014, theo số liệu thống kê thì có đến 1.741 trường hợp bị mắc trong đó có đến 14 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, đến năm 2015 và 2016 thì dịch bệnh này được kiểm soát hoàn toàn, cả 2 năm này chỉ có 42 trường hợp bị mắc và không có trường hợp nào tử vong", ông Cảm thông tin.
Theo TS Nguyễn Văn Lâm - Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, trong vòng 2 tháng gần đây, trung bình mỗi tháng khoa tiếp nhận hơn 20 bệnh nhân mắc sởi, chủ yếu ở độ tuổi dưới 9 tháng.
TS Lâm cũng cho biết, hiện tại chưa phải mùa của bệnh sởi nhưng những tuần gần đây, số trẻ mắc sởi đã có dấu hiệu tăng lên bất thường nên cần phải đề phòng để tránh bùng phát lây lan thành dịch. Hơn nữa, bệnh sởi thường biến chứng rất nguy hiểm như: Viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong.
Tại Hội nghị, TS. Trần Như Dương - Trưởng ban Quản lý Dự án Tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc cho hay, tính đến tháng 10/2017, toàn miền Bắc đã ghi nhận 99 ca bệnh sởi, chủ yếu ở Hà Nội (chiếm gần 50% số ca mắc toàn miền Bắc), Hải Dương, Nghệ An... Tuy số ca mắc chưa cao, không có ổ dịch lớn nhưng đáng chú ý là địa bàn phân bố ca bệnh rộng, rải rác trên nhiều địa bàn nên việc phòng chống dịch cũng cần hết sức lưu ý.
Ông Dương lưu ý, đối với bệnh sởi, biện pháp quan trọng nhất để chủ động phòng bệnh là tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Nếu chúng ta lơ là công tác tiêm chủng thì nền miễn dịch trong cộng đồng giảm xuống, nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao.
Để ngăn chặn bệnh sởi bùng phát thành dịch, Sở Y tế Hà Nội đang phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện các biện pháp như: Vệ sinh môi trường; tiến hành điều tra xử lý tại cộng đồng các ca bệnh sởi đã ghi nhận.
Chỉ đạo các bệnh viện của Hà Nội tổ chức tốt việc phân tuyến, phân luồng bệnh nhân để đảm bảo công tác cấp cứu điều trị kịp thời bệnh nhân sởi và các dịch bệnh khác.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền cho cộng đồng về các biện pháp chủ động phòng chống dịch. Hướng dẫn người dân tiêm chủng đầy đủ vắc xin sởi cho trẻ để phòng bệnh. Đặc biệt, thời gian tới, Hà Nội sẽ triển khai tổ chức tiêm vắc xin phòng sởi cho trẻ 1 tuần/lần thay vì 1 tháng/lần như hiện nay.