Báo Công lý nhận được nhiều đơn thư phản ánh việc trường Đại học Thái Bình Dương (ĐH TBD) bổ nhiệm hai Phó Hiệu trưởng là ông Nguyễn Huy Thông và ông Phạm Văn Hải khi hai ông này chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.
Đơn thư cũng phản ánh, Ban Giám hiệu trường có nhiều việc làm gây sức ép với Trung tâm Tin học - Ngoại ngữ của Trường.
Bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng chưa đủ tiêu chuẩn?
Trường ĐH TBD là Trường đại học tư thục được thành lập theo Quyết định số 1929/QĐ-TTg ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Trụ sở chính của trường đặt tại số 99 Nguyễn Xiển, xã Vĩnh Phương, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Trước đó, TS Võ Văn Tuấn Dũng được bổ nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng nhiệm kỳ đầu tiên năm 2009 - 2014, nhưng ông Dũng đã có đơn từ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng trước khi kết thúc nhiệm kỳ.
Theo đơn thư phản ánh, Ban giám hiệu trường ĐH TBD nhiệm kỳ 2013 - 2017 gồm có 4 thành viên. PGS.TS Quách Đình Liên giữ chức vụ Hiệu trưởng, 3 Phó Hiệu trưởng gồm TS Đỗ Văn Ninh, ThS Phạm Văn Hải và ThS Nguyễn Huy Thông. Tuy nhiên, ông Phạm Văn Hải và ông Nguyễn Huy Thông được bổ nhiệm khi chưa đủ tiêu chuẩn để giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng. Cụ thể căn cứ khoản 2 Điều 35 Điều lệ trường ĐH được Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 58/2010/QĐ-TTg ngày 22/9/2010; Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục theo các Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg và số 63/2011/QĐ-TTg thì Phó Hiệu trưởng được bổ nhiệm phải có đủ tiêu chuẩn: “…và đã có ít nhất 5 năm tham gia giảng dạy và quản lý giáo dục đại học”. Tuy nhiên, 2 Phó Hiệu trưởng Phạm Văn Hải và Nguyễn Huy Thông là những người chưa từng là giảng viên đại học và tham gia quản lý giáo dục đại học. Ông Phạm Văn Hải hiện là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần địa ốc ACB (trực thuộc Ngân hàng Á Châu - ACB), còn ông Nguyễn Huy Thông là Phó Hiệu trưởng kiêm Trưởng phòng Tổ chức hành chính của trường ĐH TBD.
Để làm rõ những nội dung đơn phản ánh, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Quách Đình Liên, Hiệu trưởng trường ĐH TBD. Ông Liên thừa nhận, ông Thông chưa tham gia quản lý giáo dục đại học mà chỉ tham gia quản lý ở bậc cao đẳng. Còn ông Hải chỉ tham gia dạy thỉnh giảng ở một số trường ở TP Hồ Chí Minh mà chưa tham gia các hoạt động quản lý giáo dục trước khi được bổ nhiệm vào vị trí Phó Hiệu trưởng của trường ĐH TBD.
Trường Đại học Thái Bình Dương
Có hay không việc gây sức ép với CIFOL?
Ngoài ra, Báo Công lý tiếp tục nhận được đơn thư của Trung tâm Tin học - Ngoại ngữ Trường ĐH TBD (viết tắt theo tên bằng tiếng Anh là CIFOL) và một số CBNV Trung tâm tố cáo Ban Giám hiệu nhà trường cản trở, gây khó khăn cho hoạt động của Trung tâm này.
Theo đơn khiếu nại, từ tháng 5/2013, Ban Giám hiệu Trường ĐH TBD luôn tìm mọi cách để cản trở những hoạt động bình thường của CIFOL, như gây khó khăn cho cán bộ Trung tâm khi làm việc, không cho Trung tâm mở chi nhánh ở ngoài khuôn viên trường và thu hồi con dấu của CIFOL sai quy định, liên tục lập hai đoàn thanh kiểm tra toàn diện mọi hoạt động của Trung tâm từ khi thành lập chỉ trong vòng hơn một tháng.
Ngày 9/7/2013, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH TBD ra quyết định thành lập đoàn thanh tra toàn diện CIFOL. Điều đáng nói là thành phần của Đoàn thanh tra phần lớn là những người của Ngân hàng Á Châu - ACB mà không phải là cán bộ của trường. Điều này đã vi phạm quy định theo Thông tư số 51/2012/TT-BGDĐT ngày 18/12/2012, quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra của cơ sở giáo dục đại học, trường trung cấp chuyên nghiệp. Ở các Điều 3,8,10 và 12 của Thông tư này quy định rõ, các hoạt động thanh tra nội bộ như thế này phải do công chức, viên chức hoặc người lao động đã ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với trường thực hiện theo Quyết định của Hiệu trưởng và đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hiệu trưởng, thanh tra cấp trên và chỉ đạo nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành của thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, việc thanh tra đối với các hoạt động của CIFOL lại do phần lớn các cán bộ thuộc Ngân hàng Á Châu - ACB thực hiện mà không phải do cán bộ giáo viên của Trường ĐH TBD thực hiện.
Vẫn theo phản ánh, một việc khác khiến cho Ban Giám đốc CIFOL bức xúc với cách hành xử của Ban Giám hiệu Trường ĐH TBD là: Khi lãnh đạo của CIFOL gặp trực tiếp ông Hiệu trưởng Quách Đình Liên trình hồ sơ và công văn xin mở chi nhánh của CIFOL tại tỉnh Đăk Lăk, ông Liên đã trả lời: “Tôi không có trách nhiệm phải nhận hồ sơ và trả lời công văn này của CIFOL”.
Ban Giám đốc CIFOL cho rằng, đỉnh điểm của việc Ban Giám hiệu Trường ĐH TBD chèn ép Trung tâm là việc Hiệu trưởng trường này ra Công văn số 159/CV-TBD, ngày 3/5/2013 để “thu hồi” con dấu của Trung tâm. Mặc dù hiện nay, CIFOL vẫn hoạt động bình thường, tuy nhiên, người được Ban Giám đốc và HĐQT của CIFOL giao quyền giữ con dấu đã bị Ban Giám hiệu Trường ĐH TBD “truất quyền” giữ con dấu một cách vô lý. Mọi hoạt động của CIFOL có liên quan đến việc đóng dấu đều bị Ban Giám hiệu và Phòng Tổ chức - Hành chính của Trường ĐH TBD “kiểm duyệt”. Ngoài ra, Ban Giám hiệu còn có công văn yêu cầu Trung tâm mỗi lần kiểm tra cấp chứng chỉ phải được sự phê duyệt của Hiệu trưởng.
Lo ngại của CIFOL về việc con dấu của họ bị người khác giữ không phải là không có cơ sở. Họ đặt nghi vấn: Nếu “có xảy ra sự cố” với con dấu trong thời gian này thì ai là người chịu trách nhiệm? Hơn nữa, hiện tại Trung tâm đang hoạt động nhưng mỗi lần cần phải đóng dấu của mình, Trung tâm lại phải “đi xin” Trường. Việc CIFOL làm thủ tục mở chi nhánh tại Đăk Lăk là hoàn toàn hợp lý bởi hiện số sinh viên của Trường ĐH TBD quá ít, địa điểm trường nằm ở vị trí heo hút, cách xa trung tâm thành phố nên Trung tâm không thể bó hẹp hoạt động của mình trong trường. Hơn nữa, việc mở chi nhánh ở các tỉnh khác là hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật.